Những người ủng hộ bà Aung Sang Suu Kyi, lãnh tụ dân chủ Miến Điện đang bị cầm tù, đã tụ họp tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ hôm qua để mừng sinh nhật thứ 64 của bà và lập lại lời kêu gọi trả tự do cho bà. Thông tín viên đài VOA Dan Robison tường trình rằng một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi chính quyền quân nhân Miến Điện trả tự do cho khôi nguyên giải Nobel hòa bình năm 1991 hiện đang bị xét xử vì các cáo buộc vi phạm qui định quản thúc tại gia.
Bà Aung Sang Suu Kyi là khôi nguyên giải Nobel hòa bình duy nhất hiện đang bị giam cầm, với 13 năm bị quản thúc tại gia trong 19 năm qua, dưới chế độ của nhà cầm quyền quân sự Miến Điện.
Mỗi năm, những người ủng hộ bà ở khắp nơi trên thế giới đều tổ chức sinh nhật của bà, trong đó có buổi lễ ngày hôm qua qui tụ thành viên của Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà và đại diện của các tổ chức phi chính phủ.
Ông Carl Gershman, Chủ tịch Quĩ Dân chủ Quốc gia ở Washington, nói rằng việc tụ họp lại để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Suu Kyi quan trọng hơn bao giờ hết vì bà đang phải đối mặt với điều mà ông gọi là thủ tục pháp lý không chính đáng ở Rangoon.
Ông Gershman nói: "Đây chỉ là hành độïng mới nhất của nhiều hành động chính trị nhằm dùng lớp sơn dân chủ và pháp luật để che đậy một chế độ độc tài bất hợp pháp. Hành động này sẽ thất bại vì trò chơi ngôn ngữ và guồng máy chính trị của chế độ không thể nào thắng được điều mà bà Suu Kyi gọi là lòng trung thực và hoạt động chính trị thuần khiết."
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng mừng sinh nhật của bà Suu Kyi và nói rằng giới hữu trách Miến Điện đang tiếp tục đưa ra những cáo buộc hoàn toàn vô lý đối với bà.
Bà Karen Stewart, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ nhân quyền và lao động phát biểu như sau.
Bà Stewart nói: "Giới hữu trách Miến Điện nên tuân theo yêu cầu của LHQ và cộng đồng quốc tế là hủy bỏ tất cả các cáo buộc và trả tự do cho bà Suu Kyi và hơn 2,100 tù nhân chính trị đang bị bắt giữ và giam cầm ở nước họ."
Lâu nay, cộng đồng thế giới vẫn không ngớt yêu cầu Miến Điện trả tự do cho bà Aung Sang Suu Kyi, và các chuyên gia nhân quyền LHQ trong tuần này nói rằng tiến trình xét xử bà đã phô bày những sự vi phạm nhân quyền mà họ gọi là 'trắng trợn'.
Các luật sư biện hộ cho bà Suu Kyi cho biết Tối cao pháp viện đã đồng ý thụ lý đơn kiện đòi có thêm nhân chứng của bên bị trong phiên tòa xử bà.
Ông Ken Wollack, Chủ tịch viện Dân chủ Quốc gia tại Washington đã bày tỏ quan điểm mà nhiều người chia sẻ là vụ xử này chỉ là một cái cớ để giam giữ bà Suu Kyi trước khi diễn ra cuộc bầu cử mà nhà cầm quyền dự trù vào năm tới.
Ông Wollack nói: "Vụ xử này lại một lần nữa làm nổi bật sự kiện là hàng ngàn nhà hoạt động chính trị bị giam cầm tại các nhà tù ở Miến Điện và sự kiện là những người này cần phải được trả tự do. Việc tập đoàn tướng lãnh Miến Điện không phóng thích các tù nhân này và không để cho mọi đảng phái chính trị tham gia cuộc bầu cử năm 2010 chắc chắn sẽ khiến cho cuộc bầu cử này không có tính chất khả tín. Rõ ràng là họ không muốn phạm phải lỗi lầm của năm 1990."
Ông U Sein Win, người đứng đầu chính phủ Miến Điện lưu vong cho rằng các tướng lãnh Miến Điện lo sợ về những ảnh hưởng mà bà Aung Sang Suu kyi sẽ tạo ra nếu bà được trả tự do trước cuộc bầu cử năm 2010.
Ông Win nói: "Họ lo sợ và họ muốn cuộc bầu cử năm 2010 kết thúc mà không có bất kỳ vấn đề nào, và dĩ nhiên họ coi bà Suu Kyi là một chướng ngại. Họ đang sợ hãi."
Trong lời phát biểu tại quốc hội Hoa Kỳ, đại sứ Cộng hòa Czech tại Hoa Kỳ Petr Kolar kêu gọi nhà cầm quyền Miến Điện trả tự do ngay tức khắc cho bà Suu Kyi và bảo đảm rằng cuộc bầu cử năm tới phải có tính chất khả tín, minh bạch và bao gồm nhiều thành phần dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
Đọc nhiều nhất
1