Cuộc từ biệt đầy xúc động tiễn đưa cựu Tổng Thống Roh Moo-hyun về nơi an nghỉ cuối cùng, đã thắt chặt tình đồng hương của các cư dân Nam Triều Tiên, kể cả những người Triều Tiên không ra đời tại miền Nam. Đối với những người Bắc Triều Tiên đào thoát sang Nam Triều Tiên, thì những cảm tình sâu đậm của công chúng miền Nam đã gợi lại những kỷ niệm của một thời đã qua, và nêu bật những khác biệt so với cuộc sống mới. Thông Tín Viên Kurt Achin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tường trình từ Hán Thành như sau:
Nhiều người Bắc Triều Tiên đào tỵ để bắt đầu một cuộc sống mới tại miền Nam đã hiện diện bên cạnh đồng bào Nam Triều Tiên của họ để tham dự một tang lễ đầy nước mắt tại Hán Thành hôm thứ Sáu.
Hiện có khoảng 15 ngàn người Bắc Triều Tiên sinh sống ở miền Nam. Họ đã đào thoát để tránh bị đàn áp chính trị, hoặc để thoát nạn đói và thiếu thuốc men trầm trọng tại quê nhà.
Tại tang lễ người ta được nghe những bài ca Triều Tiên truyền thống, và trong đám đông, người ta thấy nhan nhản những bộ trang phục màu trắng trong buổi lễ tiễn đưa cựu Tổng Thống Roh Moo-hyun về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tuy nhiên đối với những người đến từ miền Bắc, thì có một số yếu tố khác lạ trong đám tang này.
Đối với ông Kim Young Il, một người tỵ nạn Bắc Triều Tiên, thì cái chết của ông Roh Moo-hyun gợi nhớ đám tang của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành hồi năm 1994.
Ông Kim Nhật Thành vẫn được coi như một vị thánh, theo ý thức hệ chính trị của chính quyền Bắc Triều Tiên.
Ông Kim Young Il nói ông đã bị nhà nước buộc phải tham dự tang lễ của ông Kim Nhật Thành. Các trường học và cơ xưởng đều đóng cửa và công nhân viên bị buộc phải đi dự đám tang của lãnh tụ họ Kim.
Trong tang lễ của cựu Tổng Thống Roh thì khác hẳn, không có ai buộc ông Kim phải có mặt trong ngày thứ Sáu.
Nam Triều Tiên không tuyên bố một ngày nghỉ việc hoặc nghỉ học. Tuy vậy, nhiều người dân hoặc được chủ nhân cho nghỉ hoặc đã tự ý nghỉ để tham dự đám tang của cố Tổng Thống Roh Moo-hyun. Bằng chứng là sự có mặt của hàng chục ngàn người thuộc mọi lứa tuổi tại đây.
Tại các lễ tưởng niệm diễn ra trong suốt tuần qua, hàng trăm ngàn người Nam Triều Tiên đã được trao một đóa cúc trắng để đặt lên bàn thờ cố Tổng Thống Roh.
Ông Kim kể rằng ông cũng phải tặng một đóa cúc trắng cho cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Ông nói tại Nam Triều Tiên có vô số tiệm bán hoa, nhưng ở miền Bắc Triều Tiên thì không có tiệm nào. Và bởi vì người dân Bắc Triều Tiên không thể đi dự lễ tang mà không mang theo hoa, cho nên nhiều người bị buộc phải đi hái trộm hay tìm hoa dại ở ngoài đồng.
Tổng Thống Roh từng mạnh mẽ ủng hộ giải pháp hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên. Chính sách của ông mời gọi sự tham gia của Bắc Triều Tiên đã giúp chuyển hàng tỉ đô la công quỹ của miền Nam sang cho chính phủ miền Bắc mà hầu như không đòi hỏi một hồi đáp nào.
Ông Kim nhắc lại sự im lặng của cựu Tổng Thống Roh về những vấn đề có tầm quan trọng thiết yếu đối với dân thường ở Bắc Triều Tiên.
Ông Kim nói ông cảm thấy tiếc là cựu Tổng Thống Roh đã không tích cực hơn trong việc bênh vực nhân quyền cho người Bắc Triều Tiên, hoặc những người đã đào thoát khỏi nơi này.
Ông Cho Jae-jin, một người tỵ nạn khác, thì dùng những lời lẽ mạnh mẽ hơn để chỉ trích cố Tổng Thống Nam Triều Tiên.
Ông Cho nói rằng nhiều người tỵ nạn Bắc Triều Tiên không thích cố Tổng Thống Roh Moo-hyun. Tuy nhiên theo ông nói thì những gì diễn ra tại tang lễ đầy cảm động của ông Roh hôm thứ Sáu đã cho những người tỵ nạn từ miền Bắc một cái nhìn mới về ông Roh, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Nhưng có lẽ điều làm nhiều người Bắc Triều Tiên ngạc nhiên nhất là những lời đả kích quá mạnh mẽ của nhiều người dâm Nam Triều Tiên nhắm vào Tổng Thống đương nhiệm, ông Lee Myung-bak.
Những người chống đối công khai đả kích Tổng Thống Lee, cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về cái chết của cố Tổng Thống Roh Moo-hyun bởi vì chính quyền của Tổng Thống Lee hậu thuẫn các công tố viên trong cuộc điều tra về cựu Tổng Thống Roh.
Những lời đả kích đó đối với người dân sống dưới chế độ độc tài Bắc Triều Tiên, là điều không thể nào tưởng tượng được.
Một người đào tỵ khác là bà Kim Ji-hee nói những sự chia rẽ chính trị trong dân chúng miền Nam đã khiến bà hoài niệm về miền Bắc.
Bà Kim nói là bà cảm thấy rất lo ngại cho nền chính trị Nam Triều Tiên. Nó còn khiến cho bà nhớ miền Bắc, cho dù tại đó bà phải sống trong đói khổ và nghèo túng.
Đọc nhiều nhất
1