Phụ nữ trên khắp Á châu đang phải gánh chịu những tác động của vụ suy thoái kinh tế toàn cầu vì các công ty sản xuất hàng xuất khẩu ồ ạt sa thải công nhân. Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hiệp quốc và những tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người lao động nói rằng các chính phủ Á châu cần phải tăng cường những chương trình an sinh xã hội dành cho phụ nữ và trẻ em – những người dễ bị tổn thương vì sự suy thoái của kinh tế thế giới. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây:
Tăng trưởng kinh tế do hoạt động xuất khẩu mang lại trong 30 năm qua ở Á châu đã đưa hàng triệu phụ nữ gia nhập lực lượng lao động, chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu thụ cho cả thế giới.
Giờ đây, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến cho hàng vạn phụ nữ bị mất công ăn việc làm, vì nhu cầu sút giảm đã buộc rất nhiều công xưởng – từ xưởng may quần áo cho tới xưởng sản xuất các mặt hàng điện tử, phải đóng cửa.
Ông Kee Beom Kim, một kinh tế gia của tổ chức Lao động Quốc tế, nói rằng phụ nữ làm việc trong ngành xuất khẩu đặc biệt dễ bị tổn thương vì tình hình kinh tế hiện nay. Ông cho biết việc này có nhiều tác động.
Ông Kee Beom Kim nói: “Họ bị mất công ăn việc làm, mà khi không có việc làm, thì trong trường hợp của những người nghèo, lượng tiêu thụ thực phẩm của họ sẽ giảm. Việc chăm sóc sức khỏe cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi nhận thấy các em bé đã bị cho nghỉ học. Trong các công nghiệp dệt may, việc giảm bớt giờ làm việc khiến cho tiền lương của công nhân giảm thiểu, và dĩ nhiên, điều này có tác động tiêu cực tới lượng tiêu thụ.”
Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái lan và Kampuchea là những nước mà kim ngạch xuất khẩu chiếm một tỉ lệ lớn của sản lượng quốc gia. Sự trì trệ của đầu tư nước ngoài và sự sút giảm số lượng ngoại tệ do công nhân làm việc ở nước ngoài gởi về đã khiến cho tình hình kinh tế của nữ công nhân nghèo trở nên tệ hại hơn.
Tổ chức Lao động Quốc tế cảnh báo rằng trong năm nay số người thất nghiệp trong vùng Á châu Thái bình dương sẽ tăng hơn 25 triệu, lên tới hơn 110 người.
Các dữ liệu của Liên hiệp quốc cho thấy Á châu Thái bình dương chiếm khoảng 2 /3 số người có việc làm trên toàn thế giới. Trung quốc, Ấn độ, Indonesia, Nga, Bangladesh, Nhật bản và Pakistan tạo thành phần lớn của khối người lao động này.
Bà Lucia Victor Jayaseelan, điều hợp viên của Ủy ban Phụ nữ Á châu, cho biết rằng những phụ nữ Kampuchea làm việc trong ngành dệt may mà bà đã gặp gỡ hồi gần đây đang phải đối mặt với một tương lai rất bấp bênh.
Bà Jayaseelan nói: “Họ phải làm việc mà không lãnh lương, vì họ không thể về quê. Và lâu nay họ đã làm việc quen rồi, nên họ hy vọng và họ tin rằng những hãng xưởng sẽ trả cho họ một số tiền vào một lúc nào đó. Có người làm việc 3 tháng mà không được trả lương, trong khi họ phải sống, phải trả tiền thuê nhà, trả tiền học cho con cái, và gởi tiền về quê. Những thứ đó đã mất hết.
Tổ chức Lao động Quốc tế và nhân viên của các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người lao động kêu gọi các chính phủ trong khu vực tăng cường những chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là những chương trình hữu ích cho những phụ nữ bị mất công ăn việc làm. Họ cũng nói rằng các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ cần phải chú trọng tới việc xây dựng các cơ sở hạ tầng ở nông thôn mang lại lợi ích nhiều nhất cho phụ nữ và trẻ em.
Đọc nhiều nhất
1