Đường dẫn truy cập

Mỹ tìm cách ứng phó với mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên


Vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn mới đây của Bắc Triều Tiên đã gây ra một cuộc tranh luận ở Washington về cách thức ứng phó với một quốc gia không chịu hợp tác với cộng đồng quốc tế. Các chuyên gia Mỹ đang đề nghị những biện pháp mà chính phủ nên xem xét để giảm thiểu mối đe dọa của nạn phổ biến vũ khí hạt nhân. Thông tín viên Kate Woodsome của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.

Vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn mới đây của Bắc Triều Tiên đã gặp phải sự lên án mạnh mẽ của Washington.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã đưa một lời cảnh báo nghiêm khắc.

Bà Clinton nói: "Có những hậu quả cho những hành động như vậy. Trong lúc này các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Liên hiệp quốc để thêm vào những hậu quả mà Bắc Triều Tiên sẽ phải đối mặt."

Ông Tom Scheber là Phó Viện trưởng Viện Chính sách Công, một tổ chức nghiên cứu ở tiểu bang Virginia. Ông nói rằng những hành động của Bắc Triều Tiên đang gây áp lực buộc Hoa Kỳ phải chứng tỏ là họ không phải chỉ đe dọa suông mà thôi.

Ông Scheber cho biết: "Các đồng minh của chúng ta đang xem chúng ta ứng phó như thế nào. Iran đang xem chúng ta ứng phó với Bắc Triều Tiên như thế nào. Và tương tự như vậy, Bắc Triều Tiên sẽ theo dõi những gì mà Iran làm để xem phải chăng Hoa Kỳ chỉ nói cứng mà không có hành động gì và Bắc Triều Tiên có thể mặc sức mà làm, hay là những hành động gây hấn của họ quả thật sẽ mang lại những hậu quả."

Bộ Quốc phòng Mỹ thường xuyên tiến hành những cuộc thao dượt về cách ứng phó với những vụ tấn công nhắm vào Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Các giới chức an ninh cao cấp đề ra những chiến lược phòng thủ và binh sĩ ở thực địa tập dượt những chiến lược đó, như họ đã làm hồi tháng 3 vừa qua với các lực lượng của Nam Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên có hơn 1 triệu lính và một khối lượng lớn các loại vũ khí hóa học và sinh học. Các chuyên gia Bộ Quốc phòng ước tính rằng một cuộc chiến tranh thật sự ở bán đảo Triều Tiên có thể gây thương vong cho hàng trăm ngàn người.

Ông Scheber nói rằng hành động quân sự là không cần thiết, nhưng bắt buộc phải có khả năng răn đe dựa trên một hệ thống phòng thủ phi đạn hoạt động có hiệu quả. Ông đề nghị Tổng thống Barack Obama xem xét tới vấn đề này.

Ông Scheber nói: "Nếu không làm như vậy thì nạn phổ biến hạt nhân sẽ xảy ra và những sức mạnh mà chúng ta dùng để kiểm soát nạn phổ biến hạt nhân sẽ bị yếu đi."

Trung tướng hồi hưu Thomas McInerney, nguyên Trợ lý Phó Tham mưu trưởng không quân, cũng cảnh báo về nạn khuyếch tán vũ khí hạt nhân. Ông nói rằng Tổng thống Obama nên xem xét tới việc thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên để ngăn chận việc này.

Ông McInerney nói: "Việc thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên phải được tiến hành một cách không lộ liễu, thông qua những phương cách khác để phá vỡ tình trạng khép kín. Tôi chưa thể nói rõ về những phương cách này. Nhưng có điều là nếu chúng ta không làm như vậy thì Nhật bản và Nam Triều Tiên sẽ phải thủ đắc vũ khí hạt nhân để chống lại mối đe dọa này.

Ông Peter Huessy, một chuyên gia của công ty tư vấn an ninh quốc gia Geo-Strategic Analysis, cho rằng Washington cần phải thực hiện những hành động mạnh mẽ hơn.

Ông Huessy nói: "Một trong những điều mà chúng ta có thể làm là phản đầu tư. Điều này có nghĩa là nếu quí vị làm ăn với Hoa Kỳ thì quí vị không được làm ăn với Bắc Triều Tiên và Iran hoặc với những thực thể của hai nước này, hoặc với những phe nhóm và doanh nghiệp của họ. Hiện nay chúng ta không làm như vậy."

Ông Scheber của Viện Chính sách Công cho rằng bất luận là Hoa Kỳ làm điều gì thì họ cũng cần tới sự trợ giúp của Nga và Trung Quốc.

Ông Scheber cho biết: "Tôi tán đồng quan điểm cho rằng khả năng gây sức ép của chúng ta chỉ phát huy tác dụng khi nào cộng đồng quốc tế sẵn lòng làm việc chung với chúng ta và không gây phương hại cho khả năng này."

Trong quá khứ, Trung Quốc và Nga đã từ chối không chịu ủng hộ cho việc Liên hiệp quốc áp dụng các biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn đối với Bắc Triều Tiên. Phản ứng của hai nước này đối với những hành động mới nhất của Bắc Triều Tiên có thể là một yếu tố then chốt để Washington quyết định về bước đi kế tiếp của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG