Bộ Trưởng Ngoại Giao của 45 nước Châu Á và Châu Âu đã hội họp tại Hà Nội vào hôm thứ Hai để thảo luận về nền kinh tế toàn cầu, thế nhưng thay vào đó, hội nghị này lại bị kết thúc với các vấn đề liên quan tới Miến Điện và Bắc Triều Tiên. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Matt Steinglass gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Theo chương trình đã định, thì các vị Ngoại Trưởng sẽ thảo luận về phương cách làm cách nào Châu Âu và Châu Á có thể cộng tác với nhau để vực dậy nền kinh tế toàn cầu ra khỏi tình trạng suy thoái kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi sự.
Tuy nhiên cuộc họp được nhiều người chú ý nhất tại hội nghị ASEM, tức Hội nghị Âu Á, là cuộc họp giữa đại diện của Liên Hiệp Châu Âu với Miến Điện.
Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi nhà cầm quyền Miến Điện hãy trả tự do cho nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi đang bị xét xử về tội vi phạm các quy định của lệnh quản thúc tại gia, là quy chế theo đó bà bị nhà cầm quyền quản thúc trong tất cả 14 năm tính từ 20 năm qua.
Bộ Trưởng Ngoại Giao Thụy Điển, ông Carl Bildt, nói rằng phóng thích bà Aung San Suu Kyi là điều kiện thiết yếu để dọn đường cho các cuộc bầu cử đã được hoạch định cho năm tới tại Miến Điện. Ngoại Trưởng Carl Bildt phát biểu như sau:
Ngoại trưởng Bildt nói: “Điều cần thiết cho các cuộc bầu cử ấy là phải có một cuộc đối thoại đa thành phần với tất cả các lực lượng chính trị ở trong nước. Đó là một điều kiện tiên quyết cần thiết đối với sự ổn định mà tôi tin là tất cả mọi người đều đang mưu tìm, để đất nước Miến Điện có thể tiến tới. Và muốn thực hiện điều đó, thì đương nhiên các lực lượng chính trị khác nhau phải được tự do hoạt động.”
Đến lúc Ngoại Trưởng Thụy Điển Carl Bildt và Ngoại Trưởng Cộng Hòa Czech Jan Kohout kết thúc các phiên họp với các đại diện của Miến Điện, thì Bắc Triều Tiên loan báo nước này đã thử nghiệm một quả bom hạt nhân thứ nhì. Ông Bildt bị đẩy vào thế phải có phản ứng trước vấn đề này.
Ngoại trưởng Thụy Điển nói: “Đó là một điều đáng báo động. Đây là một lời lên án chế độ khiêu khích tại Bình Nhưỡng. Tôi tin rằng làm như thế sẽ khiến cho Bắc Triều Tiên càng bị cô lập hơn nữa, và khiến cho tình hình về lâu về dài tại nước này trở nên tệ hại hơn nữa.
Hành động của Bắc Triều Tiên khơi dậy phản ứng mạnh mẽ nhất từ phái đoàn Nhật Bản.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Nhật, ông Kazuo Kodama, nói nước ông sẽ tăng sức ép để hội nghị ASEM đưa ra một tuyên bố chung, lên án vụ thử nghiệm hạt nhân, bên cạnh bản tuyên bố chung vẫn thường được công bố vào lúc kết thúc hội nghị cấp cao Á-Âu.
Ông Kodama nói: “Vụ thử nghiệm hạt nhân đặt ra một mối nguy cơ nghiêm trọng, một thách thức đối với qui chế liên quan tới môi sinh, đồng thời cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình và an ninh, cũng như tính ổn định không những của khu vực Đông-Bắc Á Châu, mà còn của toàn thể cộng đồng thế giới.”
Theo tin cho hay, các phái đoàn Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên đã gặp gỡ bên lề hội nghị ASEM, tuy nhiên chưa có kết quả nào của phiên họp này được công bố.
Đọc nhiều nhất
1