Không lâu sau khi Hoa Kỳ tham chiến trong Thế Chiến thứ Hai, ông John Schley nhập ngũ và trở thành sĩ quan Hải Quân. Lúc đó là tháng Ba năm 1941 và ông chỉ mới 23 tuổi. Tháng 12 năm ấy, Hoa Kỳ tham gia chiến tranh, kéo dài suốt 4 năm. Trong những thập niên kế tiếp. Người sĩ quan trẻ tuổi ngày nào tiếp tục con đường binh nghiệp, và lần lượt chỉ huy 4 khu trục hạm trong 3 cuộc chiến tranh khác nhau. Biên tập viên Zulima Palacio của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đến thăm ông tại tư gia ở thành phố Shepherdstown, bang West Virginia, và thuật lại câu chuyện sau đây nhân Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong tại Hoa Kỳ, sẽ được cử hành vào ngày thứ Hai.
Đại Tá Hải Quân John Schley có rất nhiều lý do để cảm thấy tự hào. Vào tuổi 90, ông vẫn khỏe và vẫn hoạt động mặc dù đã phục vụ đất nước trong 3 cuộc chiến tranh khác nhau: Đệ Nhị Thế Chiến, Chiến Tranh Triều Tiên và Chiến Tranh Việt Nam.
Vài tháng trước khi Hoa Kỳ lâm chiến trong Thế Chiến thứ Hai, ông John Schley gia nhập Hải Quân. Năm đó là năm 1941, ông 23 tuổi và vừa tốt nghiệp Cử Nhân Kinh Tế. Trong cương vị một thiếu úy hải quân thời chiến, John Schley nhanh chóng trải nghiệm những kinh hoàng của chiến tranh.
Ông Schley kể lại: "Các tàu ngầm thường trở về sớm trước khi trời tối. Tôi nhớ có một lần một chiếc tàu phóng ngư lôi đã lao đến sát cạnh chiếc tàu của chúng tôi, chỉ cách khoảng 50 mét, nhưng mục tiêu tấn công không phải là chiếc tàu của chúng tôi, mà là một thương thuyền chạy gần đấy."
Ở tuổi 24, ông John Schley đã được chỉ định làm chỉ huy trưởng khu trục hạm USS Stringham, công tác tại các hải đảo trong vùng Nam Thái Bình Dương, và đảo Okinawa của Nhật. Thời đó, ông là một trong những thuyền trưởng trẻ tuổi nhất của Hải Quân.
Ông Schley nói: "Chúng tôi phải thực hiện các sứ mạng chuyên chở những toán đặt chất nổ dưới lòng biển và những toán trinh sát của Thủy Quân Lục Chiến. Đặc biệt, chúng tôi thường đi vào ban đêm, đến sát tàu địch chừng nào hay chừng ấy, rồi mới thả các toán này xuống."
Ðại tá Schley đã chứng kiến rất nhiều người chết hoặc bị thương trong chiến tranh, nhưng ông đã sống sót. Tại tư gia ở bang West Virginia, những ký ức về các con tàu hải quân và những sứ mạng đã thực hiện vẫn còn rất sống động nơi ông.
Ông nói: "Thế rồi tôi phụ trách Giang Đoàn số 82, chỉ huy 5 chiếc tàu."
Đến năm 1950, ông John Schley lại tiếp tục con đường binh đao, lần này tại bán đảo Triều Tiên.
Ông Schley kể tiếp: "Tôi chỉ huy chiếc Rodman, nhổ neo tại Hawaii, nhiệm vụ của chúng tôi là hộ tống các tàu khác, và thực hiện một số vụ pháo kích vào bờ.
Trong thập niên 1950, nhiều sứ mạng khác trên bộ cũng như trên biển nối tiếp nhau trôi qua trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Vào những năm đầu của thập kỷ 1960, ông tham gia chiến tranh Việt Nam.
Ông John Schley thuật lại: "Thế rồi tôi trở thành chỉ huy trưởng của một tàu chuyên chở vũ khí đạn dược. Chúng tôi cung cấp đạn dược cho các đơn vị, rồi tiếp tục bốc đầy vũ khí đạn dược mới khác lên tàu."
Trong 3 thập niên phục vụ lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ, Đại Tá Schley đã chỉ huy tất cả 5 khu trục hạm. Sau khi tham gia cuộc chiến thứ Ba tại Việt Nam, cuối cùng ông John Schley đã về hưu, ông trở về quê cũ với phu nhân và hai người con tại thành phố lịch sử Shepherdstown ở bang West Virginia.
Ở tuổi 90, ông vẫn lái xe đi loanh quanh, và đến thăm bạn bè.
Ông Schley nói:"Bố tôi sinh ra trong căn nhà này, và bây giờ thì thằng cháu của tôi đang ở đây."
Nói đến chiến tranh và hòa bình, ông vẫn xem mình là người rất yêu nước và vẫn cương quyết chống lại những gì mà Đức Quốc Xã đã làm. Tuy nhiên, ông nghĩ chiến tranh không phải là một giải pháp tốt.
Ông Schley phát biểu: "Tôi cho rằng chiến tranh là một điều rất đáng tiếc, nhất là những cuộc chiến mà Hoa Kỳ đang xúc tiến bây giờ. Đây là những cuộc chiến khó khăn. Tôi không thích chiến tranh. Thật là tệ hại khi chúng ta phải lâm chiến, nhưng đáng tiếc là chiến tranh vẫn cứ xảy ra."
Ngày nay, ông John Schley sống đơn độc với một con mèo tên là Climber. Ông đến phòng tập thể thao 3 lần một tuần. Trong nhà ông đầy dẫy những đồ cổ và hình ảnh kỷ niệm gia đình, trong đó có tấm ảnh của vợ ông, bà Jean Schley, đã qua đời cách đây vài năm.
Ông nói: "Tôi nhớ bà ấy vô cùng. Lúc nào hình bóng của nhà tôi cũng luẩn quẩn trong trí tôi."
Tuy nhiên, ông John Schley không hề tỏ ra nuối tiếc về quãng đời đã qua. Ông đã tận hưởng được hai mối tình lớn nhất đời ông: đó là Hải Quân Hoa Kỳ và người vợ yêu quý đã cùng ông chung sống trong suốt 60 năm.
Đọc nhiều nhất
1