Đường dẫn truy cập

Tới tận cùng địa ngục: Hồi ký của một phụ nữ về chế độ Khmer Ðỏ


Tự gọi mình là sản phẩm thuần túy của chủ nghĩa thuộc địa, bà Denise Affonco, có cha là người Pháp và Mẹ là người Việt, đã trải qua những năm tháng hãi hùng dưới chế độ Khmer Đỏ. Cuộc đấu tranh sinh tồn của bà sẽ mãi được giữ trong im lặng nếu bà không có cuộc nói chuyện với một học giả người Châu Âu, người đã nói với bà rằng Khmer đỏ chẳng làm điều gì tồi tệ ở Kampuchea. Ngay lúc đó bà nhận ra rằng đã đến lúc bà không thể giữ mãi sự im lặng, đã đến lúc bà phải nói cho thế giới biết sự thực về những gì đã diễn ra dưới chế độ Khmer Đỏ, để quá khứ không thể bị lãng quên. Bà Denise Affonso đã quyết định cho xuất bản cuốn hồi ký với tựa đề 'To the End of Hell' để kể rằng cuộc sống của bà đã trở thành địa ngục trần gian kể từ khi Khmer Đỏ lên nắm quyền ở Kampuchea vào tháng 4 năm 1975. Trong mục Câu Chuyện Phụ nữ kỳ này, Minh Anh xin giới thiệu đến quí vị vài nét về bà Denise Affonco và cuốn hồi ký của bà.

Mở đầu cuốn hồi ký, bà Denise Affonco kể về thời tuổi trẻ, mà bà gọi là 'cuộc sống tốt đẹp'. Cha bà là một người Pháp gốc Bồ Đào Nha, đã từng làm giáo viên dạy tiếng Anh, Pháp và tiếng Latinh, ông cũng từng làm gia sư cho Quốc vương Norodom Sihanouk, người đã rất kính trọng ông và coi ông như bạn bè. Bà hồi tưởng lại rằng vào những dịp đặc biệt vị Quốc vương thường sai con gái đem đến cho gia đình bà những giỏ trái cây vừa ngon vừa hiếm ở nước ngoài mang về.

Tuy nhiên, sau khi về hưu, cha bà đã trở về Pháp và mẹ bà đã không đi theo ông vì còn vướng bận với nhiều người thân ở Kampuchea. Vì bà còn nhỏ nên ông đã không muốn để bà phải sống xa Mẹ, ông đã về Pháp một mình. Ngay cả trong chuyến đi này, Quốc vương Sihanouk cũng đã ban cho ông đặc ân là được sử dụng máy bay nhỏ riêng và một người lái máy bay của quân đội. Nhưng chỉ hai năm sau đó cha bà đã ngã bệnh và qua đời ở Pháp.

Mẹ bà đã phải làm việc rất vất vả nhưng vẫn nuôi bà khôn lớn và cho bà được học hành đàng hoàng. Bà luôn ngưỡng mộ người mẹ đã tảo tần nuôi nấng bà. Bà nghĩ rằng có lẽ chính sự kiên cường của mẹ bà đã là một trong những động lực giúp bà có được sức mạnh tinh thần để vượt qua được những ngày tháng khốn cùng mà bà gọi là địa ngục dưới thời Khmer Đỏ.

Sau khi học xong trung học bà đã kiếm được việc làm và trước khi Khmer Đỏ lên nắm quyền bà làm cho Đại sứ quán Pháp ở Phnom Penh.

Với quốc tịch Pháp và là nhân viên Đại sứ quán Pháp bà Affonso đã có thể rời khỏi Kampuchea, thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ vào năm 1975. Tuy nhiên bà đã không làm vậy.

Bà Affonso cho biết: “Vì chồng tôi là một người Trung Quốc, nên khi Đại sứ quán Pháp đề nghị tôi rời khỏi Kampuchea với các con tôi đã không ra đi. Hơn thế chồng tôi là một người cộng sản Mao Trạch Đông, ông ấy vô cùng tin tưởng vào chế độ Khmer Đỏ, vì vậy mà khi Khmer Đỏ tới thì ông ấy và mọi người Kampuchea đều rất vui mừng vì cuộc nội chiến đã chấm dứt.”

Nhưng thực tế thì cuộc sống sau đó không tốt đẹp như những gì mà chồng bà tin tưởng và khẳng định trước đó, với bà cuộc sống đã trở thành địa ngục từ đó.

24 giờ sau khi Khmer Đỏ kiểm soát Phnom Penh, mọi người dân ở thành phố, những người đã vui mừng đón chào họ ngày hôm trước đều được lệnh phải rời khỏi Phnom Penh với lời giải thích rằng Angkar muốn họ được an toàn khỏi các cuộc không kích của Hoa Kỳ. Khi đó bà thậm chí còn không hiểu Angkar là ai? Angkar có nghĩa là gì?

Nhưng 3 triệu người lúc đó đã tuân theo mệnh lệnh và rời khỏi thành phố chỉ sau một đêm. Ba triệu người sợ hãi, mệt mỏi và kiệt sức với cái nóng tháng Tư bị đưa đến một nơi bất định. Họ chẳng biết điều gì sẽ xảy ra, chẳng biết họ sẽ được đưa đi đâu, về đâu, chỉ nghe văng vẳng bên tai những lời nói 'đừng lo, Angkar đang đợi các bạn, Angkar sẽ gặp các bạn, Angkar sẽ chăm sóc các bạn'.

Và sự thật của những tháng ngày sau đó ra sao?

Bà Affonso kể: "Chúng tôi phải lao động trong điều kiện không có điện, không có nước, chúng tôi phải mặc đồ đen, phải cắt tóc, không được đi giày, dép, phải làm việc trên cánh đồng từ mờ sáng tới tối mịt, ngày nào cũng vậy. Và tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, càng ngày càng hiếm đồ ăn, chúng tôi chẳng có đủ đồ ăn. Họ bắt chúng tôi phải cấy 3 vụ mùa một năm, nhưng mỗi khi gặt xong thì họ tới và lấy hết số gạo đó đem đi, chỉ để lại một chút xíu cho chúng tôi, hồi đó thì tôi không biết họ mang gạo đi đâu, nhưng sau này tôi hiểu rằng số gạo đó họ gửi sang Trung Quốc để đổi lấy vũ khí, đạn dược. Họ nói rằng kể từ giờ phút này các người sẽ là tù nhân, chúng ta không bắn các người vì súng đạn quá đắt đỏ. Angkar muốn xây dựng một xã hội mới và chúng ta cần những con người mới, vì thế nếu như các người không quên được cuộc sống trước đây và không trở thành công dân tốt thì các người sẽ chết."

Bà kể tiếp: “Họ có cách khác để giết chúng tôi, với bàn tay không vấy máu, đó là bằng cách để chúng tôi chết đói và chết vì bệnh. Khi bệnh sẽ chẳng có thuốc, chẳng có bác sĩ, chẳng có bất cứ thứ gì để cứu sống chúng tôi và đó là cách mà họ muốn chúng tôi chết.”

Bà cũng kể rằng 2 năm sau đó bà và những phụ nữ khác cũng bị buộc phải đào một con mương và xây một con đê và khi con đê gần hoàn tất thì họ nói rằng họ sẽ gọi con đê này là 'Con đê của những góa phụ', và mãi tới lúc đó bà mới hiểu rằng chồng bà cũng như chồng của những người phụ nữ khác đã bị hành quyết mà họ không hề hay biết.

Có khoảng gần 2 triệu người Kampuchea đã chết trong 4 năm Khmer Đỏ cầm quyền. Cô con gái 9 tuổi của bà cũng đã bị chết đói cùng với 5 thành viên khác của gia đình chồng bà, nhưng bà Affonco đã sống sót bằng ý chí và nghị lực của mình. Mặc dù bà đã phải lao động khổ sai, bị thiếu đói thảm hại, phải sống trong những điều kiện thiếu thốn cùng cực. Ở hoàn cảnh đó, có lẽ cái chết sẽ làm cho người ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng bà không muốn chết.. Chết vì ai? Tại sao lại chết? Bà tự hỏi và rồi tự nói với mình rằng 'Denise, đừng chết, hãy sống để chứng kiến tất cả những tội ác này, và để thế giới biết đến những điều đang diễn ra nơi đây… mình phải sống cho con cái của mình và cho những người thương yêu mà mình đã mất'.

Chỉ đến năm 1979, bà mới được giải thoát khỏi địa ngục khi quân đội Việt Nam tiến vào Kampuchea. Với tư cách là một người được cứu thoát khỏi chế độ tàn ác, bà luôn tri ân những binh sĩ Việt Nam đã cứu sống bà, và bà mong muốn có cơ hội để được đền ơn họ.

Bà Affonso nói: “Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn muốn cám ơn các binh sĩ Việt Nam, những người đã tới khu vực Tây Bắc, những người đã cứu sống tôi và giúp tôi thoát khỏi nơi đó và đưa tôi đến Siem Reap, và cho tới tận ngày cuối của cuộc đời mình tôi vẫn muốn nói cảm ơn họ."

Ba thập niên đã trôi qua kể từ khi bà được giải thoát, và cuối tháng 3 vừa qua Toà án Campuchi dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu tiến hành xét xử cựu viên chức dưới thời Khmer Đỏ là trưởng trại tù Tuol Sleng, Kaing Quek Eav hay còn gọi là Duch.

Là một nạn nhân của chế độ tàn ác này, bà Denise nói lên mong muốn của mình rằng: “Ngày hôm nay, tôi muốn tòa án quốc tế xét xử công bằng. Họ không thể để tội ác không bị trừng phạt, và những kẻ có tội phải trả lời câu hỏi tại sao họ lại gây ra những tội ác như vậy và ai là người đứng đằng sau những tội ác đó. Là một nạn nhân, tôi phải được biết điều đó và phải được biết tại sao họ muốn giết tôi."

Đó cũng chính là thông điệp của cuốn hồi ký mà bà muốn gửi tới toàn thế giới hôm nay.

Hiện tại bà Affonco đang sống ở Paris và làm việc cho Viện Nghiên cứu An ninh của Liên hiệp Châu Âu. Ngoài tiếng Anh, cuốn hồi ký của bà đã được xuất bản bằng tiếng Pháp, Hà Lan, Đức, và sẽ được xuất bản bằng tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, bà cũng hy vọng cuốn hồi ký sẽ được xuất bản bằng tiếng Việt vào cuối năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG