Ông Olivier Blanchard, Trưởng ban kinh tế của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, gọi tắt là IMF, nói rằng thế giới đang lãnh nhận nhiều thiệt hại do cuộc khủng hoảng tài chính và tình trạng suy trầm khởi đi từ Hoa Kỳ vào năm 2007. Thông Tín Viên Barry Wood tường trình rằng kết luận của ông Blanchard khác xa với những lời dự báo mà tổ chức của ông đưa ra mới cách nay chỉ có 3 tháng.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nói rằng kinh tế thế giới sẽ co lại 1,3% trong năm nay, một thành tích tệ hại nhất từ hơn 60 năm qua.
Tổ chức này còn nói rằng phục hồi chỉ có thể bắt đầu xảy ra vào cuối năm nay, và tăng trưởng của năm 2010 chỉ có 1,9%. Ông Blanchard nói rằng đã có sự co cụm chưa từng thấy trong những tháng gần đây.
Ông Banchard nói: “Mức cầu sụp đổ nghiêm trọng đã dẫn đến chuyện cắt giảm sản xuất thật nhiều, và số lượng hàng xuất khẩu cũng giảm đáng kể. Nếu tính trọn năm, GDP của toàn thế giới giảm 6% vào quý 4 của năm 2008, một tỷ lệ chưa từng thấy. Và cho tới giờ này, chúng ta nhận thấy GDP trong quý 1 của năm 2009 cũng giảm cỡ đó."
Sự tuột dốc nghiêm trọng của tình hình kinh tế toàn cầu làm nhiều nhà dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ngạc nhiên, bởi vì cách đây 3 tháng, họ nói rằng kinh tế thế giới sẽ tăng chút đỉnh trong năm 2009, chứ không xuống dốc.
Ông Blanchard nghĩ rằng sự phục hồi sẽ chậm chạp, và tỷ lệ thất nghiệp của nhiều nước lớn sẽ chỉ lên tới đỉnh điểm vào cuối năm 2010.
Ông Blanchard và các đồng nghiệp tin rằng tình trạng yếu kém của ngành ngân hàng tạo thêm mối nguy cho tương lai của ngành này, vốn đã có những dự báo xấu.
Ông Blanchard nhận định: “Các ngân hàng đang trong quy trình tái cơ cấu và siết chặt các tiêu chuẩn cho vay. Nhiều thị trường chứng khoán vẫn còn hoạt động một cách yếu kém. Tình trạng này càng kéo dài chừng nào, thì tình trạng suy thoái càng kéo dài và càng lún sâu hơn. Và tình trạng suy thoái càng kéo dài và càng lún sâu hơn chừng nào thì hệ thống tài chính sẽ càng yếu đi.”
Theo ước tính của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế , thiệt hại trên toàn thế giới do các món nợ xấu gây ra, chủ yếu là trong ngành nhà đất tại Hoa Kỳ và châu Âu, có thể lên đến 4 ngàn tỉ đôla, tính đến cuối năm tới.
Trao đổi thương mại trên toàn thế giới có thể giảm 11% trong năm nay, sau khi tăng được 3% trong năm ngoái.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm gần 3% trong năm nay, và năm tới hầu như không tăng.
Tăng trưởng của 16 nước sử dụng đồng Euro được dự báo thậm chí còn tệ hơn, riêng trong năm nay là trừ 4%.
Còn Nhật Bản được dự báo là co cụm khoảng 6%.
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn 6,5% và Ấn Độ là 4,5%. Nước Nga có thể giảm 6%, do ảnh hưởng của giá cả năng lượng bất ngờ sụt giảm mạnh hồi năm ngoái.
Nhưng Châu Phi, nơi bị ảnh hưởng muộn màng nhất của cuộc khủng hoảng toàn cầu, lại có tốc độ tăng trưởng toàn năm là 2%.
Đọc nhiều nhất
1