Bắc Triều Tiên tuyên bố bất kỳ sự lên án nào của Liên Hiệp Quốc đối với việc họ mới phóng phi đạn cũng sẽ buộc họ phải trả đũa. Một số người ủng hộ Bình Nhưỡng tại Nhật Bản nói điều đó cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt các cuộc thương thảo về việc đình chỉ các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Từ Tokyo, phóng viên đài VOA Jason Strother tường trình thêm chi tiết.
Bắc Triều Tiên nói âm thanh vừa nghe cho thấy vụ họ phóng một hỏa tiễn mang một vệ tinh viễn thông vào quĩ đạo.
Hoa Kỳ tuyên bố vụ phóng đã thất bại, hỏa tiễn và đầu tên lửa đã rớt xuống Thái Bình Dương.
Washington và Tokyo đang hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ phóng, một hành động có thể mở rộng thêm các biện pháp chế tài hiện đang áp đặt đối với Bình Nhưỡng.
Tại New York, ông Pak Tok Hun đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc nói nước ông hành xử quyền thám hiểm không gian của họ.
Ông Pak nói: “Và nếu Hội đồng Bảo An đưa ra bất kỳ biện pháp nào, chúng tôi cũng coi đó là điều xâm phạm chủ quyền của chúng tôi, và các biện pháp tiếp theo đó sẽ thuộc về chúng tôi.”
Ông Pak không nói rõ những bước trong tương lai đó là gì.
Nhưng tại Tokyo, một tổ chức thân Bình Nhưỡng gọi là Chongryon, Tổng Hội Dân cư Triều Tiên tại Nhật, đã đề ra một giải pháp.
Ông Mun Kwang Woo, phó giám đốc quốc tế vụ của Chongryon đưa ý kiến.
Ông Mun nói ông đoan chắc 100% là Liên Hiệp Quốc sẽ không đưa ra quyết nghị mới nào, nhưng nếu điều đó xảy ra, Bình Nhưỡng có thể chính thức tuyên bố chấm dứt các cuộc đàm phán 6 bên.
Trong các cuộc đàm phán đó, Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung quốc, Nhật và Nga đang cố gắng thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của họ đổi lấy viện trợ kinh tế và quan hệ ngoại giao. Các cuộc thương thảo đã bị bế tắc từ tháng 12.
Nhưng một số phân tích gia lại nói, nhờ vụ phóng phi đạn hôm Chủ Nhật, mà các cuộc họp đó có thể bắt đầu lại. Ông Mark Caprio dạy môn Triều Tiên Học tại Đại Học Rikkyo tại Tokyo, bày tỏ ý kiến rằng, nếu có thể dựa vào lịch sử, vụ phóng có thể làm sống lại các cuộc thương thảo đã bị đình trệ, như là điều đã xẩy ra vào năm 2006, sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm một thiết bị nguyên tử.
Ông Caprio nói: “Trong quá khứ điều này đã diễn ra, nếu như Bắc Triều Tiên sử dụng điều này để tạo ra một vị thế trong thương thảo, rồi họ có được một lối để đi tiếp, điều đó đã thành công với họ trước kia.”
Ông Caprio nói thêm, để đảm bảo là các cuộc thương thảo về hạt nhân bắt đầu lại, sẽ là một điều hữu ích nếu như Tổng thống Obama đưa ra sáng kiến nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng, để bổ sung cho các cuộc họp 6 bên.
Đọc nhiều nhất
1