Một bản phúc trình về Đông Á của Ngân hàng Thế giới nói rằng một sự phục hồi kinh tế có thể diễn ra tại Trung Quốc trong năm này sẽ là một dấu hiệu tích cực cho sự tăng trưởng trong khu vực. Nhưng ngân hàng cũng nói rằng tình hình kinh tế vẫn còn là một thách thức đáng lo ngại, với cuộc phục hồi toàn cầu dựa vào các nền kinh tế công nghiệp chính ở Châu Á, Châu Âu và Hoa Kỳ. Từ Bangkok, thông tín viên đài VOA Ron Corben ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Một bản phúc trình mới của Ngân hàng Thế giới nói rằng kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay, mặc dù mức này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây.
Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới đặc trách vùng Đông Á, ông Vikram Nehru, nói rằng các chỉ số kinh tế của Trung Quốc trong những tháng mới đây là rất tốt, và nếu được duy trì thì các chỉ số này sẽ lan ra khắp vùng.
Ông Nehru nói: “Bằng chứng về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc có vẻ bao trùm và dường như vượt qua nhiều chỉ số đến độ tôi nghĩ rằng đang có một sự gia tăng về mức độ tin tưởng rằng kế hoạch kích thích kinh tế ở Trung Quốc đang có tác dụng. Công cuộc mua bán nguồn vốn ban đầu đã tăng vọt, ngày cả lòng tin của người tiêu thụ cũng gia tăng và dĩ nhiên là mọi người biết rằng ngân hàng đã tăng tốc việc cho vay tiền một cách đáng kể. ”
Trong khi nền kinh tế của Trung Quốc xuống đến mức thấp nhất sẽ có lợi cho Châu Á, Ngân hàng Thế giới nói rằng chỉ có một sự phục hồi trong các nền kinh tế phát triển, như Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, mới duy trì được một sự tăng trưởng trong khu vực.
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng chung ở mức 5,3% cho các nước đang phát triển ở Châu Á. Nhưng trừ Trung Quốc ra, thì mức tăng trưởng trung bình sẽ chỉ ở trên 1%, một sự sút giảm đáng kể so với những năm trước.
Ông Nehru nói rằng các kế hoạch kích thích kinh tế và hợp tác quốc tế là cần thiết để nuôi dưỡng một sự phục hồi. Ông ca ngợi các nỗ lực hợp tác của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á và sự cam kết của họ đối với mậu dịch tự do.
Bất kể các kế hoạch kích hoạt và hợp tác, ông Nehru cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn đáng sợ.
Ông Nehru nói: “Chúng ta vẫn còn ở giữa một cơ bão lớn. Chẳng hạn trong vài tháng vừa qua, mọi thứ đã trở nên tệ hại hơn tại nhiều trong số các nền kinh tế tiên tiến.”
Có nhiều phần chắc tỷ lệ thất nghiệp ở Châu Á sẽ tiếp tục tăng, như trong các thị trường đã phát triển, và điều đó có nghĩa là nhiều người sẽ gặp khó khăn.
Ngân hàng Thế giới nói rằng trong vài năm tới đây, các nền kinh tế Á Châu cần phải khai triển nhu cầu nội địa, tăng cường tính cạnh tranh, xâm nhập các thị trường mới và thu hút đầu tư nước ngoài để trở lại những mức tăng trưởng cao trước đây.
Đọc nhiều nhất
1