Đường dẫn truy cập

Châu Á-Thái Bình Dương đối diện với khủng hoảng kinh tế 3 mặt


Một bản phúc trình mới cho thấy khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước một mối đe dọa ba mặt do hậu quả của tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay. Hội nghị của Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển vừa công bố Bản Khảo cứu Xã hội về vùng Châu Á Thái Bình Dương do Ủy ban Kinh xã Liên hiệp Quốc đặc trách vùng này thực hiện. Thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA tại Geneve ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thế giới đang đứng trước thời buổi kinh tế khó khăn. Hội nghị Liên hiệp quốc về Mậu dịch và Phát triển nói rằng khu vực Châu Á Thái Bình Dương còn phải đối diện với hai cuộc khủng hoảng khác. Đó là tình trạng giá cả không ổn định và biến đổi khí hậu.

Bản phúc trình của Hội nghị còn gọi tắt là UNCTAD này nói rằng gộp lại, các yếu tố này biến thành một mối đe dọa ba mặt cho phát triển, và cần phải được giải quyết một cách mãnh liệt.

Đây là lần thứ nhì trong một thập niên vùng Châu Á Thái Bình Dương phải hứng chịu tác động của một cuộc khủng hoảng tài chính. Cuộc khảo cứu nhận thấy rằng các biện pháp cải cách thực hiện từ năm 1997 về cải thiện quân bình tài chính, ngân hàng và tích lũy ngoại hối dự trữ đã giúp cho khu vực này có khả năng phục hồi sức mạnh hơn, vào lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng hiện nay.

Nhưng, bản phúc trình nói rằng khả năng này bắt đầu bị xói mòn trong quý tư của năm 2008. Kinh tế gia Cape Kasahara của UNCTAD nói rằng mậu dịch, động cơ tăng trưởng của khu vực đã chuyển từ mức tăng trưởng 2 con số qua mức sút giảm 2 con số.

Kinh tế gia Kasahara nói: “Do đó, khả năng phục hồi bên ngoài của nền kinh tế quốc gia đối với mậu dịch, nhất là ngành xuất khẩu, càng lớn thì nó càng làm cho nền kinh tế quốc gia dễ bị tổn hại vì chấn động bên ngoài hơn.”

Cuộc khảo cứu nói rằng vùng Châu Á Thái Bình Dương hòa nhập về kinh tế với phần còn lại của thế giới nhiều hơn là với chính khu vực. Bản phúc trình đề nghị xúc tiến thêm mậu dịch và đầu tư bên trong khu vực qua việc thực thi các hiệp định hợp tác kinh tế trong vùng.

Gần 2/3 số người nghèo trên thế giới và phân nửa các thiên tai là ở vùng Châu Á Thái Bình Dương. UNCTAD nói rằng con số người nghèo khó trong vùng có phần chắc sẽ tăng lên do hậu quả của nền kinh tế và tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Ông Kasahara nói rằng giá dầu cao kỷ lục trong năm ngoái là 147 đôla một thùng đã khiến giá thực phẩm tăng vọt. Ông cho rằng giới nghèo bị tác động nặng vì sự kiện này.

Ông Kasahara nói: “Phần lớn việc tăng giá thực phẩm có ảnh hưởng lớn hơn đối với các gia đình nghèo khó bởi vì họ có khuynh hướng tiêu thụ nhiều hơn. Họ chi một phần lớn ngân sách gia đình vào các mặt hàng thực phẩm. Vì vậy, các nạn nhân chính của sự dao động giá thực phẩm đối với nền kinh tế quốc gia thường là giới nghèo.”

Cuộc khảo cứu nói rằng khủng hoảng 3 mặt này có liên hệ với nhau. Các cuộc khảo cứu cho thấy giới nghèo khó và yếu đuối chịu tác động kinh khủng của thiên tai. Bản phúc trình nói rằng sự biến đổi khí hậu khiến mất mùa và thiên tai xảy ra thường xuyên và nặng nề hơn còn đe dọa làm cho tình hình còn tệ hại hơn nữa.

Bản phúc trình của Liên hiệp quốc nói rằng các kế hoạch kích thích kinh tế của các chính phủ có thể thúc đẩy nền kinh tế trong đoản kỳ. Các kế hoạch này cũng có thể giải quyết những vấn đề trường kỳ bằng cách đầu tư vào an toàn năng lượng và thực phẩm, các mạng lưới an toàn xã hội, giảm thiểu rủi ro thiên tai và kỹ thuật xanh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG