Ngày 2 tháng 3 vừa qua, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ không cứu xét đơn kiện của các nạn nhân hóa chất da cam Việt Nam. Thông Tín Viên Hà Vũ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ có cuộc trao đổi với luật sư Tạ Văn Tài có văn phòng tại Boston, bang Massachussets về việc này. Luật sư Tạ Văn Tài có bằng Ph.D của trường đại học Virginia trước năm 1975, ông là giáo sư của Học Viện quốc gia Hành chánh cũng như các trường đại học khác tại miền Nam vào thời kỳ trước 1975. Ông là người lưu tâm theo dõi các vụ kiện về hóa chất da cam tại Mỹ.
Trước hết, giáo sư Tài cho biết: "Tối cao Pháp viện liên bang xử rất nhiều vụ, cả bao nhiêu ngàn vụ đệ đơn xin xử lại thì họ không thể nào xử mọi chuyện như trong lịch sử bao nhiêu năm của nước Mỹ xảy ra. Họ chỉ có thể chọn một số vụ có tính cách quan trọng cho nền chính trị và luật pháp Mỹ, đặc biệt là những vụ liên quan đến luật Hiến pháp thì họ mới xử đặc biệt khi có những sự tranh chấp, khác ý kiến với các tòa kháng cáo cấp cao không đồng ý với nhau thì họ mới đem ra họ xử họ giải quyết cho có một sự thống nhất về luật pháp. Vụ này có tính cách là dân sự, về bồi thường, không có tính cách luật Hiến pháp tức là bây giờ quyết định ai gây ra sự thiệt hại, mấy hãng về hóa chất có gây ra thiệt hại hay không? Sự thiệt hại đó có thật hay không? Thì họ xử với tính cách về sự kiện chứ không phải tính cách luật pháp, luật Hiến pháp cho nên là họ nghĩ rằng hai cấp ở tòa dưới đã xét xử rất kỹ rồi, họ không cần phải xét nữa. Vì thế cho nên, cũng như áp dụng nhiều việc kháng cáo, chống lên Tối cao Pháp viện khác của người Mỹ, họ cũng chỉ nói gọn một câu theo một thủ tục rất giản dị là process theory tức là nói một câu là chúng tôi không xét. Nói như vậy không có nghĩa là họ coi thường quyền lợi của người Việt Nam. Họ nói là thủ tục áp dụng cho nhiều vụ án của người Mỹ họ cũng chỉ có thể chọn lựa một số vụ thôi. Tại sao người Việt Nam lại không cố gắng mà thắng ở hai chặn dưới, chặn tòa án sơ thẩm và tòa án kháng cáo. Tôi nghĩ đó là lỗi của luật sư người Việt Nam thuê. Cái lỗi chính là không viện dẫn cái liên hệ nhân quả rõ ràng từ việc máy bay rải thuốc khai quang gây ra bệnh tật của bao nhiêu người ở dưới đất ra làm sao. Trước đây tôi có nói đến những cuốn sách dày như cuốn tự vị mà ông chủ tịch Ủy ban 1080 của Việt Nam coi về chất da cam từ lâu rồi đó là bác sĩ Hoàng Đính Cầu nay đã qua đời rồi sau đó người kế vị là bác sĩ Lê Cao Đạt mà không biết sử dụng mấy cái tài liệu về vấn đề nhân quả tức là những cuốn nói rõ đường khai quang gây ra bao nhiêu bệnh tật ở dưới đất như thế nào, ở miền Nam Việt Nam là chính. Thành ra cấp sơ thẩm tòa án Mỹ ông Weistein có nói là quý vị phải đưa ra bằng chứng cho chúng tôi xử xem liên hệ nhân quả ra làm sao và Việt Nam chưa đưa ra mặc dù ông đã đợi chờ, hoãn phiên xử 6 tháng, 7 tháng trời để chờ đợi tôi vẫn không thấy bên Việt Nam luật sư Jonathan More đưa ra. Khi phái đoàn của Việt Nam qua đại học Harvard, tôi có nhắc họ là phải đem ra mấy tài liệu về nhân quả đó. Sau đó cũng chả thấy làm gì hết. Vậy thì việc đó là tiên trách kỷ, hậu trách nhân.”
VOA: Thưa giáo sư, như vậy về phương diện pháp lý, những nạn nhân chất da cam không có cách gì để kiện ở các tòa án nước Mỹ nữa phải không?
GS Tạ Văn Tài: “Thì đúng như vậy là vì mấy cái vụ mà nó đi 3 chặng như vậy là hết rồi, không thể kiện trước pháp luật ở tòa án Mỹ nữa, chỉ còn con đường thứ hai là con đường yêu cầu lòng nhân đạo của nhân dân Mỹ qua Quốc hội và chính phủ, Mỹ nhất là Quốc hội, thì khi mà ông Thủ tướng qua đây thì có nói về vấn đề này thì ông Tổng Thống Bush đặt vấn đề là sẽ viện trợ nhân đạo và đã có đưa ra những con số về tài chánh và cơ quan Ford Foundation nó giúp một số những phương tiện hay là những buổi hội họp và lập ra những ủy ban để mà cộng tác giữa hai bên Việt-Mỹ để nghiên cứu làm sao có thể tìm cách giải quyết những tình trạng bệnh lý của người nạn nhân chất da cam mà tôi thấy đặc biệt ở vùng Đà Nẵng họ đã trợ giúp cho một số tiền và đặc biệt là những khu gần căn cứ của Mỹ để cho chất da cam đó rơi rãi ra các vùng ao hồ Đà Nẵng và vùng Long Bình thì đó là con đường có thể theo: viện trợ nhân đạo.”
VOA: Thưa giáo sư, vừa rồi báo chí Việt Nam có đăng tin là Hội Luật gia Dân chủ quốc tế tính tổ chức một tòa án công luận ở Paris để đưa vụ này ra xét xử, giáo sư thấy chuyện này như thế nào?
GS Tạ Văn Tài: “Về vấn đề công luận quốc tế thì cũng là một cách để mà kêu gọi lòng nhân đạo của những người liên hệ nhưng mà trong vụ Tòa án quốc tế nhiều khi những lời nói quá quắt không có ích lợi mà có khi có thể phản tác dụng. Tôi lấy ví dụ trong thời gian chiến tranh Việt Nam, có tòa án quốc tế của công luận nói về chiến tranh Việt Nam do những ông của Tây âu ví dụ như ông triết gia Bertrand Russell của nước Anh hay là Jean Paul Sartre của Pháp. Những triết gia đó họ nói những câu có thể sỉ nhục hay là hạ nhục nước Mỹ thì rút cục có nói mấy chăng nữa trước tòa án công luận, luật gia này đứng lên, triết gia kia đứng lên nói thì các cường quốc vẫn trơ như đá vững như đồng không có coi những lời nói đó quan trọng gì nhiều bởi vì những lời kết luận gay gắt của các tòa án lý luận đó mà không đúng với khuynh hướng nhân đạo của nhân dân Mỹ thì họ cũng lờ luôn. Bây giờ muốn moi tiền của người ta mà nói giọng gọi làqui trách mà không có đủ bằng chứng nhân quả thì cũng vô ích mà thôi. Thành ra tôi nghĩ tòa án công luận đó mà không biết cách sử dụng nó những câu nói có tính cách kêu gọi lòng nhân đạo của người dân Hoa Kỳ thì cũng khó có kết quả. Nước Kuwait khi bị Iraq xâm lăng đè nén khổ sở nhưng đã khôn, kêu gọi lòng nhân đạo của người dân Mỹ - tôi không xúi người dân Việt Nam bịa chuyện - nhưng mà dân Kuwait bịa ra câu chuyện là lính Iraq vào trong nhà thương vứt hết hài nhi ra khỏi cái nôi và lấy tất cả dụng cụ y khoa kể cả cái nôi trẻ em nằm đem về để sử dụng trong nước Iraq. Và vì vậy cho nên người Mỹ họ động lòng trắc ẩn, lòng thương và họ ủng hộ chiến tranh vùng Vịnh thời ông Tổng Thống Bush Bố rất là mạnh mẽ. Đó là đòn tâm lý nhắc đến lòng thương của người Mỹ. Việt Nam bây giờ nếu mà kêu gọi lòng nhân đạo của nhân dân Mỹ thì có lợi hơn là đưa ra những lý lẻ đàn hạch mà lại không đúng nữa vì đã thua ở tòa án, đã kém lý rồi thì bây giờ mà lại nói những giọng cứng cáp gọi là đàn hạch ở tòa án công luận thì cũng chẳng ích lợi đâu. Trên thế giới này thì bây giờ nhiều người muốn giúp, khéo thì có thể vận động được. Tôi lấy thí dụ như là ông Clinton, thôi Tổng Thống rồi nhưng mà cũng đi vận động để gây quỹ để giúp người bị bệnh AIDS trên toàn thế giới, quyên được rất nhiều tiền. Tổ chức nhân đạo tư rất mạnh, rất giàu của Mỹ là Bill & Linda Gate Foundation có chương trình về y khoa trên toàn thế giới. Kêu gọi những tổ chức đó thì có thể có nhiều tiền hơn cả xin chính phủ nữa. Kêu gọi lòng nhân đạo của nhân dân Mỹ.”
VOA: Cám ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.
Đọc nhiều nhất
1