Đường dẫn truy cập

VN phản đối hành động của TQ, Philippines ở Hoàng Sa-Trường Sa


Việt Nam đã phản đối hành động gần đây của Trung Quốc và Philippines đòi khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo đang gây tranh cãi là Hoàng Sa và Trường Sa.

Bản tin ngày hôm nay của DPA trích thuật nguồn tin của báo chí Việt Nam cho hay Trung Quốc gần đây loan báo họ sẽ cho phép một công ty du lịch khai thác các chuyến du lịch tới một hòn đảo mà Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm.

Lên tiếng về hành động này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng nói rằng hành động này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và làm tổn hại đến các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm một giải pháp hợp lý cho các vấn đề trên biển.

Bản tin của Tân Hoa Xã cũng trích lời ông Lê Dũng nói thêm rằng Việt Nam vô cùng quan ngại và phản đối mạnh mẽ kế hoạch của chính phủ Trung Quốc cho phép mở tuyến du lịch tới hòn đảo này.

Cũng liên quan đến hai quần đảo này thì hôm 10 tháng Ba, Tổng thống Philippines, bà Gloria Arroyo đã ký một đạo luật công nhận Trường Sa là một phần lãnh thổ của Philippines.

Hành động này cũng đã bị Việt Nam phản đối. DPA trích lời ông Lê Dũng nói rằng Philippines nên tránh những hành động có thể ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định trong khu vực và mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.

Việt Nam cũng phản đối chuyến thăm Đảo Đá Hoa Lâu (Swallow Reef) thuộc quần đảo Trường Sa của Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi vào ngày 5 tháng Ba.

Cả Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố tất cả hay một phần quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của mình, và ngoại trừ Brunei, tất cả các nước này đều có sự hiện diện quân sự ở một hay nhiều đảo nhỏ thuộc hai quần đảo này.

Người ta tin là vùng biển xung quanh hai quần đảo này có trữ lượng dầu lớn cũng như tiềm năng đánh bắt hải sản.

Trừ Đài loan, tất cả những nước tuyên bố chủ quyền tại Trường Sa đã ký một Tuyên bố về cách Ứng xử của Các bên ở Biển Đông vào năm 2002.

Trong tuyên bố này, các bên cam kết giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, và cho phép tàu bè được qua lại tự do.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG