Hoa Kỳ hoan nghênh việc Miến Điện trả tự do cho khoảng 20 tù nhân chính trị. Tuy nhiên Hoa Kỳ cho rằng nhà cầm quyền quân sự Miến Điện cần phải thả tất cả các tù nhân chính trị họ đang giam giữ kể cả bà Aung San Suu Kyi. Thông Tín Viên David Gollust của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tường trình từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng chính quyền của Tổng Thống Barack Obama đang duyệt xét lại chính sách đối với Miến Điện.
Các giới chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết không rõ việc thả tù chính trị có phải là đó một hành vi của Miến Điện để tỏ thiện chí đối với chính quyền của Tổng Thống Barack Obama hay không. Hoa Kỳ hiện đang duyệt xét lại chính sách đối với Miến Điện kể cả những biện pháp chế tài mạnh mẽ về thương mại.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng là dù thế nào đi chăng nữa thì việc thả tù chính trị này chưa đủ, và Hoa Kỳ yêu cầu nhà cầm quyền quân sự tự cô lập của Miến Điện phải trả tự do cho tất cả 2 ngàn 100 tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ.
Bản tin của các hãng thông tấn từ Miến Điện cho biết là có khoảng 20 tù nhân chính trị trong số hơn 6 ngàn tù nhân được trả tự do trong đợt đại xá bắt đầu vào ngày thứ bảy tuần trước.
Tại một cuộc họp báo, quyền Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Robert Wood cho biết là việc trả tự do cho các tù chính trị, trong đó có một thành viên của Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi, bị giam từ hơn 20 năm nay, là một điều đáng hoan nghênh, nhưng vẫn chưa đủ.
Phát ngôn viên Robert Wood nói: “Đây là một bước tiến. Chúng tôi rõ ràng hoan nghênh việc thả các tù nhân chính trị. Tuy nhiên chúng tôi kêu gọi Miến Điện trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị kể cả bà Aung San Suu Kyi. Chúng tôi sẽ chờ xem điều này có dẫn đến việc thả tù nhiều hơn hay không. Rõ ràng là việc trả tự do cho bất cứ người tù chính trị nào cũng là một điều đáng hoan nghênh, nhưn nhà cầm quyền Miến Điện cần phải làm nhiều hơn nữa.”
Vừa trở về nước sau chuyến công du Châu Á, Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã ra lệnh cho duyệt xét lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Miến Điện - từ trước đến nay vẫn dựa vào các biện pháp cấm vận thương mại, và biện pháp cấm du hành và trừng phạt tài chánh đối với giới lãnh đạo quân sự cấp cao tại Miến Điện - để hối thúc nước này tiến đến con đường cải cách.
Người phát ngôn Robert Wood cho biết việc Ngoại Trưởng Clinton tái xét chính sách đối với Miến Điện, là nhằm mục đích tìm một phương thức khả dĩ ảnh hưởng đến cách hành sử của chính quyền quân sự Miến Điện, xét tình huống các biện pháp cấm vận thương mại và các khía cạnh khác trong chính sách của chính quyền Tổng Thống Bush đối với Miến Điện đã tỏ ra không mấy hiệu quả.
Ông Wood nói: “Thật tình mà nói, không hề có bất cứ tiến bộ nào cả. Vì thế chúng ta phải tìm một phương cách để có thể tăng sức ép đối với chính quyền Miến Điện, để họ hướng đến con đường mà chúng ta muốn họ tiến tới. Đó là một điều mà Ngoại Trưởng Clinton quan tâm sâu xa. Bà cảm thấy bực bội như tất cả chúng ta về sự kiện mọi sự không tiến lên theo cách mà chúng ta mong muốn.”
Tại chặng dừng chân ở Indonesia hồi tuần trước, Ngoại Trưởng Clinton nói rằng điều rất đáng tiếc là giới lãnh đạo Miến Điện, ít ra về mặt bề ngoài, dường như vẫn không hề bị lay chuyển trước sức ép từ bên ngoài.
Trong một cuộc tiếp xúc với các nhà báo ở Indonsia, một quan chức cấp cao cho biết là Ngoại Trưởng Clinton đang tìm một giải pháp gồm cả các biện pháp khích lệ lẫn các biện pháp trừng phạt để hối thúc nhà cầm quyền Miến Điện trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.
Quan chức này nói lệnh cấm, hầu như hoàn toàn mọi hoạt động giao thương của Hoa Kỳ đối với Miến Điện, nằm trong số nhiều vấn đề sẽ được tái xét, trong đó có cả giải pháp liệu Hoa Kỳ có nên có những tiếp xúc trực tiếp hơn với các nhà lãnh đạo Miến Điện hay không.
Hoa Kỳ không có Đại sứ thường trực tại Miến Điện kể từ năm 1990 tới nay. 1990 là năm bà Aung San Suu Kyi thắng cử trong các cuộc bầu cử Quốc hội ở Miến Điện, tuy nhiên, bà đã bị phe chính phủ quân nhân ngăn cản trao quyền bính quốc gia cho bà.
Đọc nhiều nhất
1