Các tổ chức nhân quyền nói rằng Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á phải hành động nhiều hơn để bảo vệ nhân quyền, nhất là tại Miến Điện. Các nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền đang họp tại Bangkok để làm áp lực với tổ chức khu vực này, trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh thường niên vào tuần tới ở Thái Lan. Từ văn phòng Đông nam Á của đài VOA, thông tín viên Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.
Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á, tức ASEAN, đang bị đặt dưới áp lực ngày càng tăng đòi phải cải thiện tình trạng nhân quyền trong khu vực.
Các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền đã ca ngợi việc ASEAN thành lập một cơ quan nhân quyền, nhưng nói rằng cho đến nay, dường như cơ quan này không có quyền hành gì và không sẵn sàng đối phó với những thành phần vi phạm nhân quyền như giới quân nhân cầm quyền tại Miến Điện.
Ông Yap Swee Seng thuộc khối Forum Asia, một liên minh gồm 42 tổ chức nhân quyền ở khắp châu Á. Hôm nay, ông nói với các phóng viên rằng cơ quan nhân quyền của ASEAN cần phải có những thẩm định độc lập về các mối quan ngại có liên quan đến nhân quyền và có quyền hành động chống lại những kẻ vi phạm.
Ông Seng nói: “Nếu cơ quan không quyền hạn như thế, nhất là quyền bảo vệ thì sẽ có rất nhiều nghi vấn liệu cơ quan nhân quyền này có thể hoạt động theo đúng sự chờ đợi của xã hội dân sự là quảng bá và bảo vệ nhân quyền một cách hữu hiệu hay không.”
Ông Seng lên tiếng trước một ủy ban những người hoạt động trước khi diễn ra nhiều cuộc họp tại Thái Lan của các tổ chức dân sự và khu vực.
Các tổ chức nhân quyền sẽ họp vào tuần tới tại Bangkok và Hua Hin, một địa điểm nghỉ mát nơi ASEAn sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh thường niên.
Một trong các vấn đề sôi nổi trong năm nay là làm cách nào xử lý các thuyền nhân Miến Điện, đã lũ lượt hàng ngàn người một chạy trốn khỏi nước này và trôi giạt sang các nước láng giềng.
Ông Seng nói rằng các quốc gia ASEAN cần phải giải quyết nguồn gốc của người tỵ nạn Miến Điện, nếu họ muốn có ổn định và an ninh trong khu vực.
Ông Seng nói: “Các quốc gia ASEAN đã chấp nhận thực tế là họ phải giải quyết cội rễ của vấn đề này, cuộc khủng hoảng nhân đạo này, nơi mà dân chủ và nhân quyền tại Miến Điện sẽ phải được phục hồi.”
Một trong những nguyên tắc cơ bản của ASEAn là không can thiệp vào nội bộ các nước thành viên.
Ông Seng nói rằng ASEAN có thể dùng nguyên tắc đó làm một cái cớ để tránh né những bên vi phạm hay đòi cải thiện nhân quyền.
Các cuộc họp của giới hoạt động cho nhân quyền ở Thái Lan bắt đầu vào lúc một đặc sứ về nhân quyền của Liên hiệp quốc kết thúc chuyến công du 6 ngày tại Miến Điện.
Ông Tomas Ojea Quintana đến Miến Điện để xem chính phủ quân nhân có thực thi các đề nghị của ông nhằm cải thiện thành tích nhân quyền yếu kém của nước này hay không.
Trong chuyến đi, ông Quintana đã có dịp gặp một số tù nhân chính trị. Ông không đưa ra thẩm định tức thời nào về tình trạng nhân quyền ở nước này.
Đọc nhiều nhất
1