Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng thế giới, ông Lâm Nghị Phu, hôm qua đã lập lại lời kêu gọi một sự phối hợp của quốc tế trong kế hoạch kích hoạt kinh tế để đưa nền kinh tế toàn cầu ra khỏi tình trạng lún sâu vào suy thoái. Từ Washington, Thông tín viên đài VOA Barry Wood của có bài tường trình chi tiết sau đây.
Ông Lâm Nghị Phu nói với một cử tọa tại Học viện kinh tế Quốc tế Peterson ở thủ đô Washington rằng có 2 vấn đề chính cần phải giải quyết để ngăn ngừa tình trạng suy trầm hiện nay trở nên xấu hơn.
Ông Lâm nói: “Một là liệu chúng ta có thể vượt qua được mối đe dọa của chủ trương bảo vệ mậu dịch hay không. Hai là liệu chúng ta có được sự khôn ngoan để tìm ra một kế hoạch kích hoạt tài chính có phối hợp đủ rộng lớn và quyết liệt hay không.”
Ông Lâm tỏ ra lo ngại rằng những cam kết tránh chủ trương bảo vệ mậu dịch của các nhà lãnh đạo của 20 nước có thu nhập cao và các nước đang phát triển đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái có thể bị xói mòn. Một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo cuộc họp của nhóm 20 nước vừa kể dự trù sẽ diễn ra trong tháng Tư tại London.
Ông Lâm là kinh tế gia trưởng đầu tiên của Ngân hàng thế giới xuất thân từ một nước đang phát triển. Trước khi nhận lãnh chức vụ hồi tháng 6 năm ngoái ông đứng đầu một cơ quan nghiên cứu tại đại học Bắc Kinh của Trung Quốc. Ông có bằng tiến sĩ kinh tế tại trường đại học Chicago của Hoa Kỳ.
Giới chức này của Ngân hàng Thế giới muốn 0,7% giá trị của các kế hoạch kích hoạt kinh tế của mỗi nước được dùng để trợ giúp cho các nước nghèo khó nhất trên thế giới. Theo ông, thì các quốc gia nghèo khó đó cần có các dự án hạ tầng cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Lâm giải thích: “Sở dĩ như vậy là vì các nước có thu nhập cao không có nhiều cơ hội để đầu tư vào các cơ sở hạ tầng. Đầu tư vào các cơ sở hạ tầng tại các quốc gia có thu nhập cao thì sẽ lại xảy ra trường hợp tương tư như ở Nhật Bản hồi thập niên 1990.”
Ông Lâm nói rằng Nhật Bản nhận thấy chương trình hồi thập niên 1990 nhằm đối phó với một nền kinh tế yếu và suy thoái thông qua kế hoạch chi tiêu của chính phủ đã thất bại bởi vì giới tiêu dùng lúc đó lại còn cắt giảm chi tiêu nhiều hơn nữa.
Ông Lâm không cho biết liệu ông có nghĩ rằng tình huống như vậy có thể lại xảy ra tại Hoa Kỳ hay không, trong lúc một kế họach kích hoạt kinh tế khoảng 800 tỉ đôla bao gồm việc cắt giảm thuế và chi tiêu khẩn cấp của chính phủ sắp được quốc hội chung quyết.
Đọc nhiều nhất
1