Chỉ còn mấy ngày nữa là tổng thống tân cử Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ. Ngay sau khi ông Obama đắc cử, việc chuẩn bị cho lễ này đã được xúc tiến. Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ đem đến qúi thính giả một số các biện pháp an ninh và những hội hè liên quan đến ngày 20 tháng Giêng và ý kiến cùng cảm nghĩ của một vài người gốc Việt dự tính tham gia vào sự kiện chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ.
Như báo chí mấy ngày gần đây loan tải, kể từ cuối tuần này, dân chúng được khuyến cáo không nên lái xe vào thủ đô vì các biện pháp an ninh đã được thắt chặt. Người dân sẽ chỉ sử dụng xe lửa, xe điện ngầm và xe buýt để ra vào thành phố. Đặc biệt là đến ngày 19, ngày trước lễ nhậm chức,việc đi lại sẽ rất khó khăn. Công chức làm việc tại thủ đô được nghỉ ngày 19, ngày lễ Martin Luther King, Jr, nhân vật cầm đầu cuộc tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da màu đã bị ám sát năm 1968. Sang đến ngày 20 là lễ nhậm chức của tổng thống Obama.
Lần này, công chức làm việc tại thủ đô và vùng phụ cận được hưởng một biệt lệ, đó là ngày lễ nhậm chức cũng được coi là một ngày lễ nghỉ có lương, vì lý do an ninh trật tự, để thủ đô dọn chỗ đón tiếp chừng 2 triệu người từ mọi nơi đổ về đây tham gia diễn biến lịch sử này.
Nếu vì nhu cầu công vụ bắt buộc phải có mặt ở sở trong thủ đô vào ngày 20 tháng Giêng thì các nhân viên phải tìm cách xoay sở để làm sao chen chân được lên các chuyến xe điện ngầm mà theo dự kiến hành khách sẽ phải nối đuôi xếp hàng hàng giờ chờ để lên tàu vì số người sử dụng xe điện ngầm quá đông.
Bất cứ một công chức nào làm việc trong ngày này cũng phải có thẻ căn cước cuả cơ quan cấp, nếu vì một lý do gì đó quên đeo trên người thì sẽ bị nhân viên an ninh hoặc nhân viên sở bảo vệ yếu nhân Hoa Kỳ trục xuất ra khỏi nơi làm việc ngay tức khắc.
Nhiều người dự tính sẽ ngủ lại sở từ đêm hôm trước để tránh cảnh phải chầu chực, chen lấn, và sau khi các lễ lạc của ngày nhậm chức chấm dứt, phải đến hôm sau thì các tuyến đường mới được mở lại cho xe cộ tư nhân có thể di chuyển, lưu thông bình thường được.
Vào ngày 20 tháng Giêng, lễ nhậm chức sẽ được long trọng cử hành trên thềm điện Capitol, tức trụ sở quốc hội Hoa Kỳ. Khách tới thủ đô nếu không phải là nhân vật thật quan trọng thì dù cho có được vé mời cũng khó mà bén mảng đến gần nơi cử hành lễ, nhưng sẽ có những màn ảnh truyền hình lớn để mọi người có thể theo dõi.
Sau lễ nhậm chức, tân tổng thống Obama sẽ đọc bài diễn văn và sau đó sẽ tháp tùng Tổng thống Bush đến nghi lễ từ biệt trước khi ông quay vào dùng bữa trưa tại trụ sở Quốc hội. Sau đó là đám rước tưng bừng bắt đầu diễn hành từ trụ sở Quốc hội, dọc theo đại lộ Pennsylvania đến Tòa Bạch Ốc.
Đây là một đám rước vô cùng hoành tráng với sự tham gia của không biết bao nhiêu ban nhạc đến từ khắp nước. Ngoài ban nhạc của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ là các ban nhạc với đội kèn đồng của các trường trung học và nhiều đoàn thể khác trên toàn quốc về dự lễ.
Theo dự kiến sẽ có khoảng 300,000 người chen vai thích cánh xem đám rước này, và cũng theo dự đoán thì người ta khó mà có thể nhìn thấy đám rước đi qua vì đứng trong một rừng người chen chân nhau như thế bạn sẽ nhìn thấy được những gì?
Ngoài ra, còn hàng chục buổi hòa nhạc, dạ tiệc, dạ vũ huy hoàng. Dạ tiệc chính thức lớn nhất chắc chắn sẽ có mặt tân tổng thống Obama và phu nhân được tổ chức tại Corcoran Gallery of Arts vào tối ngày 20, còn hai ông bà sẽ tham dự bao nhiêu dạ vũ khác nữa thì chưa biết.
Ngay từ chủ nhật 18 tháng Giêng trước đó, buổi trình diễn ca nhạc với chủ đề ái quốc sẽ được tổ chức tại dài kỷ niệm tổng thống Lincoln để mở màn cho lễ hội. Rất nhiếu ca sỹ và ban nhạc nổi tiếng sẽ tham dự như Bruce Springsteen, Bono và ban nhạc U2, Beyonce...
Chúng tôi đã hỏi ý kiến của rất nhiều người sống trong vùng phụ cận thủ đô thì họ đều cho biết là sẽ ở nhà xem truyền hình thay vì phải chen chân nhau đến tận nơi, cuối cùng cũng chỉ để người nhìn người mà thôi.
Có nhiều người cư ngụ ngay trong thủ đô Washington nhưng lại sợ cảnh cả rừng người đổ về đây nên họ đã tìm cách đi xa, tránh đám đông từ nhiều ngày trước lễ nhậm chức. Có người lại còn tìm cách cho thuê căn nhà hoặc căn hộ của họ cho những ai chậm chân không đặt được phòng khách sạn đến dự lễ nhậm chức của ông Obama.
Thế nhưng một số rất đông bằng mọi giá hoan hỉ tìm cách chứng kiến ngày lịch sử trọng đại này của Hoa Kỳ khi lần đầu tiên nước Mỹ có một tổng thống da màu làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Trong số 2 triệu người được dự kiến đó có một số người Mỹ gốc Việt.
Anh Hùng Nguyễn, từng có mặt trong ủy ban người Mỹ gốc Á Châu thái Bình Dương vận động tranh cử cho ông Obama trước đây, nay lại có chân trong ban tổ chức buổi dạ vũ của hội người Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương mừng lễ nhậm chức của tân tổng thống, cho biết về chương trình buổi dạ tiệc này.
Anh Hùng nói: "Chúng tôi sẽ làm chương trình dạ vũ này vào ngày 19, tức là thứ Hai trước ngày ông Obama làm lễ nhậm chức. Sẽ có sự tham dự của dân biểu Mike Honda và các thượng nghị sỹ Daniel K.Inouye, Daniel K.Akaka của tiểu bang Hawaii, em gái của ông Obama, và các chủ tịch của các hội lớn ở Hoa Kỳ để chúng tôi cùng chúc mừng nhau và chúc mừng ông Obama. Bây giờ thì vì lý do an ninh chúng tôi không biết là ông bà sẽ có đến hay không. Hiện chỉ biết ông bà sẽ đến dự dạ vũ nhậm chức của tổng thống vào ngày thứ ba thôi, còn ngày thứ hai thì chưa được loan báo gì cả.
Cô Lữ Anh Thư, một nhân vật tích cực hoạt động trong cộng đồng người Việt vùng thủ đô Washington, cho biết lý do cô nhất định tham gia vào lễ nhậm chức và buổi dạ tiệc trước hôm lễ nhậm chức.
Cô Thư nói: "Lý do thứ nhất là tôi có được một vé mời, nhưng lý do chính vì tôi nghĩ rằng đây là một buổi lễ lịch sử. Lịch sử là vì Hoa Kỳ là nơi qui tụ rất nhiều các sắc dân, sự hòa hợp rất tốt đẹp để tạo cho mọi người có cơ hội và đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ một người da màu được bầu lên làm tổng thống. Với niềm hy vọng rằng trong tương lai sẽ có các sắc dân khác, trong đó có dân Á Châu Thái Bình Dương. Điều thứ hai tôi cho rằng cuộc bầu cử vừa qua có tính cách lịch sử vì lần đầu tiên có một người Mỹ gốc Việt thắng cử vào quốc hội (liên bang) Hoa Kỳ, cho thấy đây là cơ hội mở ra cho thế hệ trẻ hơn, trẻ trung hóa chính quyền của Hoa Kỳ. Những người sắc dân Á Châu hay những sắc dân khác đến đây cùng góp tiếng nói và có cơ hội đồng đều, và nếu có khả năng, có niềm tin thì cũng có ngày giữ được những chức vụ quan trọng để điều khiển quốc gia này, và đó là điều mà tôi cho rằng tràn đầy hy vọng."
Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe.