Một bản phúc trình mới cho thấy mỗi ngày có hơn 2,000 trẻ em thiệt mạng vì các thưong tích do tai nạn gây ra và mỗi năm có hàng triệu trẻ em trên thế giới bị tàn tật vĩnh viễn vì những tai nạn đó. Bản phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi Đồng Liên hiệp quốc là bản đánh giá tình hình toàn cầu đầy đủ đầu tiên, cứu xét các thương tích gây ra cho trẻ em và đề ra những biện pháp để ngăn ngừa các thưong tích đó. Từ Geneve, nơi bản phúc trình được công bố, thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Giám đốc cơ quan phụ trách về phòng chống thương tích và tật nguyền của Tổ chức Y tế Thế giới, ông Etienne Krug, nói rằng mỗi năm có 830,000 trẻ em chết vì các thương tích không cố ý hay do tai nạn gây ra.
Ông Krug nói: “Sự kiện này có thể so sánh với việc mỗi năm xoá sổ toàn bộ trẻ em ở Chicago hay một thành phố như Marseilles. Đó là một vấn đề y tế công cộng rất lớn, mà điều không may là đã bị bỏ qua quá lâu. Các nguyên do chính của những thương tích vô tình gây ra cho trẻ em là những vụ đụng xe, chết đuối, phỏng, té ngã hay ngộ độc...Điều quan trọng cần nêu ra là những vụ té ngã không làm cho trẻ thiệt mạng nhiều, nhưng đó là nguyên do lớn nhất gây ra những tật nguyền nơi trẻ em.”
Bản phúc trình cho biết trẻ em nghèo ở các quốc gia phát triển và đang phát triển có nhiều rủi ro bị thương tích cao nhất. Nhưng chủ biên của bản phúc trình, bà Margie Peden nói rằng hơn 95 phần trăm các thương tích nơi trẻ em xảy ra trong thế giới đang phát triển.
Bà Peden nói: “Châu Phi thực không may có tỷ lệ cao nhất về các thương tật do tai nạn gây ra này, những thương tật không cố ý. Đặc biệt, các thương tật do tai nạn giao thông và trẻ em thường là những người đi bộ, cùng những thương tật do ngộ độc. Một trong các nguyên do là bởi vì nhiều người ở châu Phi vẫn còng phải dựa vào các loại nhiên liệu lỗi thời và vào dầu hôi để sưởi nóng và thắp sáng.”
Bản phúc trình cho thấy các quốc gia có thu nhập cao trong vùng Tây Thái bình dương, Australia, New Zealand, và Nhật Bản đạt thành tích tốt nhất về giảm thiểu các thương tật nơi trẻ em. Các tác giả của bản phúc trình nói rằng có ít nhất 1,000 sinh mạng trẻ em có thể được cứu vớt mỗi ngày nếu tất cả mọi nơi đều áp dụng các biện pháp phòng chống đã được chứng minh là có hiệu quả.
Các biện pháp này gồm những luật lệ về thắt lưng an toàn thích nghi và nón bảo hộ cho trẻ, các quy định về nhiệt độ nước máy, nút các hộp thuốc trẻ không mở được, và những lằn xe riêng dành cho xe máy và xe đạp.
Các số liệu trong bản phúc trình cho thấy các biện pháp phòng chống cũng giúp giảm được các tổn phí. Chẳng hạn như, theo bản phúc trình thì cứ đầu tư một đôla vào một hệ thống báo động khói, thì ta lại tiết kiệm được 65 xu về tổn phí do hỏa hoạn gây ra và nhu cầu điều trị các nạn nhân bị phỏng.
Đọc nhiều nhất
1