Một nhóm các nhà hoạt động cho nhân quyền ở Trung Quốc đánh dấu kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền bằng một cuộc biểu tình nhỏ, và một bức thư ngỏ đã gây khó khăn cho một số trong 300 người ký tên. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.
Khoảng 30 người Trung Quốc đã đánh đấu kỷ niệm ngày Quốc tế nhân quyền bằng một cuộc biểu tình nhỏ đòi chính quyền sửa sai các hành động vi phạm nhân quyền. Họ đã biểu tình trước trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Họ chọn địa điểm này bởi vì họ tin rằng bộ Ngoại giao đóng vai trò dẫn đầu trong việc thiết lập kế hoạch hành động về nhân quyền của Trung Quốc.
Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ biểu tình trong đó có tiếng khóc, tiếng hò hét và nhiều nguời quỳ xuống đất, cảnh sát đã lùa người biểu tình lên một chiếc xe buýt và đưa họ đi.
Hành động ở quy mô nhỏ này diễn ra cùng lúc với một nhóm nhiều nguời Trung Quốc công bố một bức thư ngỏ kêu gọi cải tổ luật lệ, dân chủ và bảo về nhân quyền nhiều hơn ở Trung Quốc.
Văn kiện này được đặt tên là 'Hiến chương 08' và đã được phổ biến cả trong nước lẫn trên trường quốc tế. Những người ký tên trong thư gồm các nhà văn, các luật sư, ký giả, những viên chức hồi hưu của đảng Cộng sản, công nhân, nông dân và các nhà kinh doanh.
Ngay trước khi bức thư được công bố, nhà cầm quyền Trung Quốc hôm thứ hai đã bắt giữ 2 người ký tên là Trương Tổ Hoa và Lưu Hiểu Ba. Ông Trương được phóng thích hôm qua, ông Lưu thì vẫn còn bị giam giữ.
Ông Bob Dietz, thuộc Ủy ban Bảo vệ Ký giả có trụ sở ở New York, đặc biệt quan ngại về trường hợp ông Lưu, nguyên cũng là một ký giả.
Ông Dietz nói: “Đã có bức thư ngỏ này với chữ ký của khoảng vài trăm người. Tôi cho rằng thư đó đã vượt khỏi giới hạn quá xa. Hơn nữa, thư lại được phổ biến khắp thế giới. Tôi nghĩ rằng chính phủ đặc biệt tức giận đối với những người đã đưa vấn đề này ra ngoài phạm vi Trung Quốc.”
Những người ủng hộ nhân quyền tin rằng sự mạnh tay của Trung Quốc, đối với những vấn đề như cải cách luật lệ và dân chủ sẽ còn tệ hơn nữa, vào lúc các ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trở nên trầm trọng hơn ở Trung Quốc.
Bà Sharon Ho, thuộc tổ chức Nhân quyền tại Trung Quốc có trụ sở ở New York.
Bà Ho nói: “Nó gây trầm trọng thêm cho các vấn đề về lao động, môi trường, các vụ sa thải hàng loạt. Vì thế tôi cho rằng nó cũng đặt nhiều áp lực lên chính quyền bởi vì tình trạng bất ổn và các cuộc biểu tình đang gia tăng.”
Bà Hom dự kiến cuộc đàn áp sẽ tiếp tục kéo dài qua năm tới, bởi vì sẽ có nhiều lễ kỷ niệm quan trọng và nhậy cảm. Tỷ như kỷ niệm lần thứ 20 cuộc đàn áp ngày 4 tháng 6 ở quãng trường Thiên An Môn, kỷ niệm 50 năm ngày Đức Đạt lai Lạt ma bỏ nước đi sống lưu vong, và kỷ niệm 60 năm ngày lập nước Trung Quốc hiện đại.
Trong tuần này, Tân Hoa Xã đã cho đăng tải một bài báo dài nói về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Giám đốc văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Vương Thần, nói với Tân Hoa Xã rằng Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ lớn về nhân quyền, trong 30 năm cải cách xã hội. Nhưng ông thừa nhận rằng vẫn còn nhiều vấn đề về nhân quyền, trong đó có sự bất bình đẳng xã hội và sự yếu kém của cơ chế chính trị trong nước.