Đường dẫn truy cập

Thái Lan: Lãnh đạo đảng Dân chủ là ứng viên thủ tướng ưu thế nhất


Lãnh tụ đảng Dân chủ ở Thái lan, ông Abhisit Vejjajiva, cho biết ông sẵn sàng để lên nắm giữ chức vụ Thủ tướng. Tuy nhiên, theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben của đài VOA gởi về từ Bangkok, một số các nhà quan sát cho rằng ông Abhisit là một nhà lãnh đạo chưa qua thử thách.

Đảng Dân chủ cho biết họ có sự hậu thuẫn của hơn 250 thành viên trong Hạ viện gồm 480 ghế đại biểu. Họ đã đề cử ông Abhisit vào chức vụ Thủ tướng và yêu cầu quốc hội triệu tập một phiên họp bất thường trong tháng này để tiến hành cuộc biểu quyết.

Ông Abhisit năm nay 44 tuổi và đã lãnh đạo đảng Dân chủ từ năm 2005. Ông từng theo học tại trường Đại học Oxford nổi tiếng ở Anh và bắt đầu bước vào chính trường vào năm 1992 - là năm mà chính trị Thái lan có nhiều bất ổn trong lúc quân đội đàn áp những phe nhóm ủng hộ dân chủ chống đối việc bổ nhiệm một vị thủ tướng không do dân chúng bầu lên.

Bên cạnh việc làm đại biểu quốc hội, ông Abhisit cũng từng làm phát ngôn viên chính phủ và phục vụ ở văn phòng thủ tướng.

Tuy nhiên, ông Chris Baker, một nhà bình luận và là tác giả của những cuốn sách về Thái lan, cho biết rằng ông Abhisit dường như là một nhà lãnh đạo chưa qua thử thách mặc dù ông đã có một số kinh nghiệm trên chính trường.

Ông Baker nói: “Ông ấy có thể nói là một yếu tố chưa biết. Ông ấy chỉ giữ một chức vụ thứ yếu trong nội các. Tuy nhiên, ít ra thì đảng Dân chủ là một đảng có ý nghĩa nhiều hơn so với tất cả các đảng phái khác ở Thái lan. Cho nên chúng ta sẽ thấy được một sự hiện diện mạnh mẽ nhưng thầm lặng của cả đảng này để giúp đỡ cho ông ấy. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên xét ông Abhisit dựa trên chính bản thân ông, mà nên xét theo cả đảng Dân chủ nói chung.”

Để trở thành Thủ tướng, ông Abhisit sẽ phải đánh bại những nhân vật đồng minh của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Những người ủng hộ ông Thaksin trong đảng Sức mạnh Nhân dân đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội cách nay một năm, nhưng hai vị thủ tướng liên tiếp của đảng này đã bị cách chức vì những vi phạm pháp luật có tính chất kỹ thuật - với vụ cách chức mới nhất diễn ra hồi tuần trước.

Trong nhiều tháng nay, Thái lan đã bị hỗn loạn vì những vụ phản kháng của những đối thủ của đảng Sức mạnh Nhân dân. Những người này cho rằng đảng Sức mạnh Nhân dân và các nhân vật lãnh đạo đảng là tay sai của ông Thaksin, người mà họ cho là tham nhũng và độc tài. Ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chánh của quân đội vào năm 2006, và đã trốn ra khỏi nước để tránh những vụ truy tố về tội tham nhũng.

Mặc dù vậy, ông Thaksin và các đồng minh của ông vẫn có sự ủng hộ mạnh mẽ của người nghèo ở thôn quê và tầng lớp lao động ở thành thị.

Phần lớn những sự chỉ trích nhắm vào đảng Sức mạnh Nhân dân xoay quanh những dự định tu chính hiến pháp mà phe đối lập cho là một mưu toan nhằm làm suy yếu những vụ án chống lại ông Thaksin.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA hồi gần đây, ông Abhisit đã chỉ trích những mưu toan của đảng Sức mạnh Nhân dân:

Ông Abhisit nói: “Người Thái và nước Thái nên nắm bắt cơ hội có được một chính phủ dân cử để xây dựng sự tin tưởng và để đối phó với những vấn đề kinh tế vì chính phủ đã đặt ưu tiên sai – họ quan tâm tới quyền lợi của ông cựu Thủ tướng, đặt những quyền lợi đó lên trên quyền lợi của đất nước và của nhân dân. Chúng tôi đã bỏ phí mất 4 tháng trời.”

Cách nay khoảng hai tuần, những người biểu tình chống chính phủ đã xông vào chiếm cứ các phi trường ở Bangkok, khiến cho hoạt động hàng không bị tê liệt. Diễn tiến đó đã khiến cho mối căng thẳng chính trị lên cao, nhưng vụ phản kháng đã kết thúc sau khi Tòa Bảo hiến ra phán quyết cách chức Thủ tướng và giải tán đảng Sức mạnh Nhân dân.

Phát ngôn viên đảng Dân chủ, ông Buranaj Samutharak, cho biết rằng ưu tiên của ông Abhisit là chấm dứt tình trạng chia rẽ hiện nay ở vương quốc Thái lan:
//Buranaj//
Ông Buranaj nói: “Ông Abhisit và đảng Dân chủ - với sự trợ giúp của các đảng trong liên minh, sẽ ra sức để Thái lan đoàn kết trở lại - đây là ưu tiên quan trọng nhất của chúng tôi! Đất nước khó lòng tồn tại nếu cứ tiếp tục chia rẽ, tiếp tục loại trừ lẫn nhau! Mọi người dân Thái lan, bất kể là họ ủng hộ đảng chính trị nào, đều được đối đãi công bằng trước luật pháp xét về phương diện thực thi chính sách. Và đây là một yếu tố then chốt cần phải xét tới.”

Tuy nhiên, ông Baker cho rằng ông Abhisit sẽ phải khó khăn lắm mới tranh thủ được mức ủng hộ mà ông Thaksin đang có.

Ông Baker nói: “Ông Thaksin được đa số dân chúng ưa thích không phải chỉ vì những chính sách mà ông đã thực hiện, mà là vì ông đã trở thành một nhân vật lãnh đạo công chúng, một người mà người dân cảm thấy là đang làm việc cho họ, một người mà họ có thể hiểu được. Tôi không nghĩ là những người thuộc đảng Dân chủ, đặc biệt là ông Abhisit, có thể đóng một vai trò như vậy.

Những chính khách ủng hộ ông Thaksin tuyên bố rằng họ sẽ tranh giành với đảng Dân chủ trong việc bầu chọn tân thủ tướng.

Các cơ quan truyền thông Thái lan cho hay những chính khách này đang ra sức thương lượng để lôi kéo các cựu đồng minh trong chính phủ liên hiệp quay lại với phe của họ.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG