Tổng thống đắc cử Barack Obama cho biết khi lên nhậm chức vào tháng tới ông sẽ nhanh chóng hành động để cải thiện tình hình kinh tế Hoa kỳ và xúc tiến sự tăng trưởng dài hạn. Ông Obama cho biết như thế hôm chủ nhật trong lúc các nhà làm luật thảo luận với Tòa Bạch Ốc để đề ra một kế hoạch nhằm cứu giúp công nghiệp xe hơi. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Michael Bowman.
Trong suốt thời gian vận động tranh cử, ông Obama đã hứa hẹn là sẽ thực hiện những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế và ra sức chống đỡ những ảnh hưởng của tình trạng thường được mô tả là kinh tế xuống dốc.
Từ khi giành được thắng lợi trong cuộc đầu phiếu hồi tháng 11, vị tổng thống đắc cử này đã chứng kiến nền kinh tế đất nước đi từ chỗ yếu kém tới gần bờ vực suy sụp. Nước Mỹ đã chính thức lâm vào suy thoái, với số người thất nghiệp tràn lan, số nhà cửa bị tịch biên tiếp tục lên cao, và thị trường tài chánh lâm vào tình huống bị giao động mạnh.
Các khoản chi tiêu khổng lồ của chính phủ trong thời gian gần đây đã không giải quyết được tình trạng thị trường tín dụng bị co cụm và cũng chưa ngăn chận được làn sóng của các đại công ty cần tới sự cứu giúp của chính phủ.
Ông Obama đã thừa nhận tính chất nghiêm trọng của tình hình trong cuộc phỏng vấn ngày hôm qua dành cho chương trình Gặp gỡ Báo chí của đài truyền hình NBC.
Ông Obama nói: "Đây là một vấn đề khó khăn to lớn, và tình hình sẽ xấu thêm. Ưu tiên số một của tôi trong lúc chuẩn bị nhậm chức là làm thế nào để chúng tôi có được một kế hoạch phục hồi kinh tế tương xứng với tầm mức của vấn đề."
Trong mấy ngày vừa qua, ông Obama đã phác họa một kế hoạch có nhiều tham vọng để tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng qua việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng và làm cho Hoa kỳ trở thành một quốc gia sử dụng năng lượng với hiệu suất cao. Kế hoạch lên tới hàng trăm tỉ đô la này sẽ được tiến hành tuy đã có một kế hoạch cứu nguy tài chánh với chi phí 700 tỉ đô la mà quốc hội đã chấp thuận hồi tháng 10.
Về việc này, ông Obama cho biết: "Vấn đề then chốt của chúng ta là làm thế nào để tái khởi động nền kinh tế bằng một phương thức chẳng những chỉ giải quyết các vấn đề ngắn hạn, chẳng những chỉ tạo ra ngay công ăn việc làm, mà còn đặt chúng ta vào một đường băng để tiến tới sự tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn."
Mối quan tâm trước mắt là số phận của các đại công ty sản xuất xe hơi – hiện đang xin chính phủ cho vay mấy mươi tỉ đô la để khỏi phải nộp đơn khai phá sản.
Ông Obama thừa nhận rằng ngành sản xuất xe hơi có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ; nhưng ông nói rằng để đổi lấy sự trợ giúp của chính phủ, công nghiệp này phải cải cách để có sức cạnh tranh cao hơn và phải chứng tỏ là những hoạt động của họ có thể sinh lợi.
Các nhà lãnh đạo quốc hội trong vài ngày qua đã điều đình với Tòa Bạch Ốc về qui mô và nguồn tài trợ của kế hoạch cứu nguy này.
Phát biểu trên đài truyền hình Fox ngày hôm qua, thượng nghị sĩ Carl Levin – thuộc đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang Michigan, tỏ ý lạc quan về việc có được một thỏa thuận.
Ông Levin nói: "Tôi tin rằng sẽ có một thỏa hiệp và thỏa hiệp này sẽ có được trong vòng 24 giờ đồng hồ. Giờ đây ai nấy đều biết là một vấn đề có tính chất toàn cầu đã tạo ra sự sút giảm trong số xe bán ra trên toàn thế giới. Đây không phải chỉ là một vấn đề riêng ở nước Mỹ, và chính phủ của những nước sản xuất xe hơi mà tôi biết đều cho công nghiệp xe hơi của họ vay tiền."
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Richard Shelby thuộc đảng Cộng hòa, đại diện tiểu bang Alabama, phản đối sự can thiệp của chính phủ. Ông cho rằng các kế hoạch tái cấu trúc mà những công ty xe hơi đưa ra không đủ để bảo đảm cho sự sống còn của họ trong dài hạn.
Ông Shelby nói: "Tôi nghĩ rằng khoản cho vay cầu nối này không nối tới đâu cả. Đây chỉ là phần ứng trước của khoản tiền nhiều tỉ đô la nữa trong tương lai. Chúng tôi muốn cứu họ, nhưng họ phải tự cứu. Và tôi tin rằng họ không muốn tự cứu. Các công ty này có thể được tái cấu trúc với một phương cách đúng đắn, nhưng họ không muốn làm như vậy."
Tổng Giám đốc công ty General Motors, ông Rick Wagner, thừa nhận rằng mô thức kinh doanh của công ty ông – vốn chú trọng tới xe tải và những chiếc xe lớn, thay vì xe nhỏ và xe ít tốn xăng, không còn thích hợp nữa. Trong khi đó, các giới chức nghiệp đoàn công nhân xe hơi cho biết họ sẽ xem xét tới việc nhượng bộ về tiền lương và các khoản phúc lợi như một phần của kế hoạch tổng thể để cứu nguy công nghiệp này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1