Sau các cuộc tấn công khủng bố, nhiều người tại Mumbai đặt câu hỏi làm thế nào một nhóm chừng 10 đến 15 tên khủng bố lại có thể thực hiện những vụ tấn công táo bạo vào những địa điểm nổi tiếng, được bảo vệ chặt chẽ nhất. Từ Mumbai, thông tín viên Raymond Thibodeaux của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ có bài tường trình sau đây.
Dấu hiệu đầu tiên cảnh báo cảnh sát về một hành động khả nghi là khi một chiếc thuyền máy tiến đến cách khách sạn Oberoi Trident chưa tới 2 kilômét.
Khoảng chín giờ tối thứ tư, một ngư dân ở làng chài nghèo nàn này cho biết ông thấy những người lạ tiến vào bờ - 4 người đi trên một chiếc xuồng hơi và hai người đi trên một chiếc xuồng máy. Ngư dân này đề nghị được dấu tên vì sợ trả thù.
Ông nói: “Sáu kẻ lạ mặt trông còn trẻ và lực lưỡng, lưng đeo ba-lô và vai vác túi du lịch. Một trong những ngư dân ở gần đó đã lập tức nghi ngờ và hỏi những người lạ mặt này toan tính làm cái gì, thì một người trong số họ quay lại nói, ‘Đừng có làm phiền! Tôi đang bực mình.’”
Ngư dân này kể tiếp rằng 6 kẻ khả nghi đó đã nhanh chóng đi bằng taxi về hướng bắc.
Khoảng nửa giờ sau, 2 phần tử vũ trang đã nổ súng tại một ga xe lửa đông người cách khu ngư dân Fisherman's Colony khoảng 20 phút lái xe.
Chuyên viên chụp hình Sebastian D'Souza của nhật báo Mumbai Mirror lúc đó đang ở bên kia đường đối diện với ga xe lửa. Nhà nhiếp ảnh này đã chạy sang nhà ga và chụp hình những kẻ tấn công. Đó là những tấm hình ấn tượng nhất trong số những hình ảnh về các cuộc tấn công khủng bố này.
Nhiếp ảnh gia này nói rằng đáng lẽ ra đã có thể ngăn chặn được những kẻ tấn công này, thế nhưng cảnh sát và các nhân viên an ninh ở nhà ga đã tỏ ra miễn cưỡng, không dám can thiệp. Ông nói các nhân viên an ninh cũng sợ hãi như mọi thường dân khác, vì họ cảm thấy vũ lực của những kẻ tấn công mạnh hơn nhiều.
Ông D’Souza nói: “Các nhân viên an ninh không khẩn trương, họ hành động không tích cực. Khi họ thấy những kẻ nổ súng, thì họ phải tích cực can thiệp cho dù họ chỉ có súng ngắn, hay bất cứ thứ vũ khí gì, thì họ đã bắt được bọn chúng rồi.
Ông D'Souza kể tiếp rằng một cảnh sát viên đã bắn những kẻ tấn công và bọn chúng đã bắn trả lại tới tấp giết chết một cảnh sát viên và người chủ tiệm sách gần đó đang cố kéo cái cửa sắt xuống.
Các nhà phân tích nói rằng các phần tử khủng bố đã có thể tấn công trên khắp địa bàn thành phố Mumbai một phần là do những sơ hở và thiếu kỹ thuật của các lực lượng an ninh.
Phương án của bọn chúng hình như là tấn công ở nhiều hướng khác nhau để phân tán lực lượng cảnh sát, rồi bọn chúng quay trở lại tập trung vào những mục tiêu chính.
Ông Fahrang Jehari, chủ tiệm cà phê Leopold, một địa điểm quen thuộc của khách du lịch ba-lô. Có 7 người bị giết chết tại tiệm cà phê này. Ông Jehari nói rằng có lẽ tiệm café của ông không phải là mục tiêu chính của những kẻ tấn công.
Ông Jehari nhận xét: “Có lẽ đây chỉ là một điểm tấn công để bọn chúng đánh lạc hướng chú ý của cảnh sát. Tôi có cảm tưởng như vậy. Nếu bọn chúng chọn tiệm này là mục tiêu tấn công chính, thì có lẽ bọn chúng đã ở lại địa điểm này lâu hơn và gây ra nhiều thương vong hơn rồi.
Đi sâu vào chi tiết hơn, các nhà điều tra phát hiện ra nhiều mấu chốt cho thấy những kẻ tấn công đã tận dụng các kỹ thuật tiên tiến như bản đồ chỉ đường bằng vệ tinh, và những phần mềm điện toán như VoIP, để giữ liên lạc với với cấp chỉ huy của bọn chúng mà không để lộ vị trí.
Ông Praveen Swami là chuyên viên của một tổ chức nghiên cứu về khủng bố có trụ sở tại Mumbai nhận định: “Đứng về mặt công nghệ thì đây là một tổ chức có tính cách tinh vi. Họ len lỏi đến hiện trường bằng những thiết bị hiện đại, ví dụ như GPS, hệ thống định vị toàn cầu. Vì nhóm này không quen thuộc với thành phố cho nên những lần tập huấn của họ đều được tiến hành thông qua các bản đồ chụp bằng vệ tinh, có độ phân giải cao. Nhờ vậy, họ tỏ ra khá quen thuộc với các đường phố hoặc tòa nhà mà họ phải đến."
Nhưng theo ông Ajay Sahni, Giám Đốc trung tâm nghiên cứu Xung đột Quốc tế, trụ sở ở New Delhi, vì phản ứng chậm chạp của các lực lượng an ninh Ấn Độ nên vụ khủng bố này mới có thể kéo dài đến như vậy.
Ông Ajay Sahni nói: “Vấn đề ở đây là bằng cách nào nhóm khủng bố có thể kéo dài hoạt động đến 60 tiếng đồng hồ? Lý do không phải vì họ mạnh, lý do đến từ cách phản ứng của chúng ta. Lực lượng an ninh chỉ lo bao vây 2 khách sạn cao cấp, thành thử các tên khủng bố có thể tung hoành ở những nơi khác, mặc sức bắn giết trong suốt 60 tiếng đồng hồ, tính từ khi bắt đầu.
Vẫn theo lời chuyên viên này thì người nào dám nói rằng quân khủng bố không biết sử dụng những công nghệ có sẵn như bất cứ ai khác?
Và ông nói thêm rằng trong vụ này chỉ có các lực lượng an ninh Ấn Độ mới không biết đến điều đó mà thôi.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1