Thủ đô Washington đang bận rộn chuẩn bị cho lễ nhậm chức của tổng thống tân cử Barack Obama vào ngày 20 tháng giêng năm tới. Một trong những chuẩn bị đó là đón tiếp một số rất đông du khách từ mọi nơi trên toàn quốc và cả từ nhiều nơi trên thế giới đổ về đây để tham gia vào một diễn biến được coi là lịch sử của Hoa Kỳ khi vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ chính thức bắt đầu nhiệm kỳ của ông. Dĩ nhiên khách đến đây sẽ rất cần nơi nghỉ qua đêm, và vì thế các khách sạn tại thủ đô và các vùng phụ cận có cơ hội để thu tiền. Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay sẽ tường trình về nỗi khó khăn của khách trong việc tìm chỗ trọ trong dịp này. Mời quí vị theo dõi các chi tiết sau đây với Lan Phương.
Một nhân viên của khách sạn Marriott ở thủ đô Washignton cho biết về tình hình của toàn bộ các khách sạn thuộc hệ thống này tại vùng thủ đô và phụ cận.
Cô nói: “Tất cả mọi khách sạn của chúng tôi trong vòng bán kính 50 dặm từ thủ đô Washington đều đã hết chỗ cho ngày 19 và 20 rồi. Giá cả tùy theo địa điểm xa gần, giữ chỗ từ lúc nào, tùy loại phòng mà khách đặt, giá từ 369 đô la đến 800 đô la một đêm, chưa kể thuế.”
Chỉ 10 phút sau khi kết quả cuộc bầu cử cho biết ông Obama đắc cử tổng thống Mỹ hôm 4 tháng 11, chuông điện thoại tại khách sạn Willard InterContinental Hotel, nơi mục sư Martin Luther King Jr viết xong bài diễn văn bất hủ ‘I have a dream’ (Tôi mang một giấc mơ..) của ông, đã reng liên hồi do khách gọi đến đặt phòng.
Tất cả phòng của khách sạn này đã được đặt hết sạch và còn cả trăm người đăng ký vào danh sách chờ đợi, phòng hờ trường hợp có ai bỏ vào phút chót.
Khách phải trả trước, một đêm là 494 đôla, nhưng bắt buộc phải giữ ít nhất là 4 đêm.
Khách sạn Four Season với 221 phòng tại Georgetown, khu phố cổ của thủ đô, cũng đã được giữ chỗ hết sạch. Khách sạn này còn có một phòng đặc biệt gọi là royal suite, tính khách đến 15.000 đôla một đêm.
Những ai giàu có hơn có thể đến khách sạn Hyatt Regency ở gần trụ sở quốc hội Hoa Kỳ. Khách sạn này có một chương trình đặc biệt dành cho một cặp đến thủ đô tham gia lễ hội nhậm chức với giá 25.000 đôla gồm 4 đêm, ở trong căn phòng lớn gọi là ‘căn hộ của tổng thống.’
Với số tiền chi, khách còn được hưởng dịch vụ xe limousine chuyên chở, một ngày ở spa và một người hầu cận riêng cùng nhiều dịch vụ xa xỉ khác nữa.
Nói chung, các khách sạn hầu như đều buộc khách phải giữ chỗ và trả tiền trước cho ít nhất từ 3, 4 ngày cho đến một tuần, với cái giá có thể lên tới 40.000 đô la, hay rẻ nhất cũng cỡ 400 hay 500 đô la một đêm, tức là 3, 4 hay 5 ngàn đô la một tuần.
Riêng trong thủ đô Washington, tổng cộng con số các phòng khách sạn là 29.000, nếu bao gồm cả vùng phụ cận, con số này lên tới 95.000. Thế nhưng giờ đây thì chẳng còn phòng nào trống cho những hội hè vào lễ nhậm chức nữa.
Với tình trạng khách sạn khan hiếm và đắt đỏ trong dịp này nhiều người muốn đến thủ đô đành tính chuyện khác. Họ có thể nhớ ra một người bà con xa gần hay bạn bè ở Washington từ lâu không gặp chẳng hạn, ghé thăm và ngủ lại nhà họ.
Còn ai có xe loại lớn để đi giải trí, cắm trại gọi là motor home trong có bàn ghế, giường ngủ, tủ lạnh , bếp nấu v..v.. thì có thể ghé khu dành riêng cho loại xe này đậu, một ngày chỉ vào khoảng 50 hoặc 60 đôla.
Cũng lại có những giải pháp khác cho những ai muốn tìm chỗ ngủ qua đêm để dự lễ này. Nhiều tư gia sẵn sàng biến thành nơi trọ với cái giá phải chăng trong dịp này, nếu khách chịu khó lên Craiglist có thể may mắn tìm ra.
Cô Stephanie Holloway , chủ tịch đoàn Thanh Niên của đảng Dân Chủ tại thành phố Austin, bang Texas, lúc đầu dự tính đi cùng một nhóm bạn trẻ đến thủ đô dự lễ, nhưng với cái giá khách sạn khủng khiếp như thế, cô đã tính đầu hàng. Tuy nhiên nhờ Craiglist dàn xếp , cô đã được một gia đình hào hiệp ở thành phố Alexandria , bang Virginia, cạnh thủ đô Washington, cho ở miễn phí trong mấy ngày.
Giá phòng tăng vọt khiến giới chủ nhân khách sạn trong khu vực thủ đô được dịp ăn nên làm ra. Bình thường ở thủ đô Hoa Kỳ hiếm khi nào có cái giá phòng cắt cổ như vậy. Chỉ ở những thành phố nơi tổ chức các cuộc đấu banh tranh giải lớn như banh bầu dục, bóng rổ hay các giải bóng đá thế giới thì giá phòng khách sạn mới leo lên tới mức như vậy mà thôi.
Theo bà Emily Durso, chủ tịch Liên Hiệp các Khách Sạn vùng thủ đô Washington thì đây là lần đầu các khách sạn trong vùng mới phải đối phó với một tình trạng thiếu phòng như vậy.
Khách gọi đến giữ phòng cả mấy tháng trước, lúc đó nhiều khách sạn đã quá ngốc khi đưa ra một cái giá bình thường, nên bây giờ họ chữa lại bằng cách thay đổi hẳn cái giá đã nhận đặt, tăng gấp đôi, gấp ba, đòi tiền trả trước và đòi khách phải giữ phòng ít nhất từ 3 hay 4 ngày trở lên.
Làm như vậy bị mang tiếng là trước sau không như một. Theo bà Durso thì lẽ ra các khách sạn phải giữ nguyên cái giá đã nhận của khách đặt phòng từ sớm và không được thay đổi cho dù xảy ra tình trạng khách tranh nhau đặt phòng.
Ông Paul Dolce, tổng quản lý của khách sạn Bolger tại thủ đô, giải thích rằng phải làm thế vì khách sạn có 1 danh sách cả trăm người chờ nên cần phải áp dụng các biện pháp để lọc ra những người nào không có ý định nghiêm chỉnh đến ở khách sạn vào một dịp hiếm có này.
Trong lúc kinh tế nước Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới đang rơi vào tình trạng suy thoái, đây là một dịp bằng vàng để cho các doanh nghiệp tại khu vực thủ đô Washington bù lỗ vào lúc thời buổi kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên những người hân hoan mang ý định đến thủ đô dự lễ cũng nên biết trước rằng họ khó mà có thể diện kiến toàn bộ đoàn xe của Tổng thống, chứ đừng nói đến chuyện có một cái vé để vào xem lễ tuyên thệ.
Những ai muốn có vé cần phải liên lạc ngay với vị Dân biểu hay Thượng nghị sỹ trong đơn vị bầu cử của mình để xin thật sớm. Và nếu có ai gạ bán vé thì quí vị hãy đề cao cảnh giác kẻo bị mất tiền toi, bởi vì trên nguyên tắc không ai được phép bán loại vé này.
Mời quí thính giả bấm vào đường dẫn ở trên để nghe toàn bộ bài tường thuật.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1