Đường dẫn truy cập

Quan hệ Hoa Kỳ-Châu Âu dưới thời ông Obama


Sau khi ông Barack Obama tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 để trở thành tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, chính phủ của ông sẽ phải đối phó với nhiều vấn đề trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan và các quan hệ căng thẳng với Nga. Một vấn đề nữa mà chính phủ Obama cũng phải đương đầu là quan hệ với Châu Âu.

Các chuyên gia phân tích đồng ý rằng sau 8 năm của chính phủ Bush, bang giao giữa Hoa Kỳ và Châu Âu đang ở thế chờ đợi, cho đến lúc ông Barack Obama chính thức lên nhậm chức.

Nhìn lại thời gian tại chức của ông Bush, ông Charles Kupchan thuộc Hội đồng Quan Hệ nước ngoài ở Washington, nói rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu đã phục hồi được một cách đáng kể trong mấy năm vừa qua.

Ông Kupchan nói: “Năm đầu tiên, bang giao đã trắc trở một cách bất thường, và cuộc chiến tranh Iraq đã đưa các căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Châu âu lên tới cực điểm. Nhưng tôi nghĩ trong nhiệm kỳ thứ nhì, tổng thống Bush đã tiến gần hơn với Châu Âu. Phía Châu Âu, ít nhất ở các cấp lãnh đạo, đã đáp ứng. Và về nhiều vấn đề, từ Kosovo cho đến Gruzia, cho đến cuộc khủng hoảng tài chính, đã có tiến triển thực sự trong quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Châu Âu."

Ông Kupchan và các chuyên gia khác cho rằng tuy quan hệ giữa tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo Châu Âu đã nồng ấm hơn, ông vẫn còn là một vị tổng thống không được ưa chuộng lắm ở đa số các nước Châu Âu. Các chuyên gia nói rằng nguyên do phần lớn là điều mà phía châu Âu coi như chính sách của ông Bush, với chủ trương 'Hãy theo chúng tôi, nếu không thì hãy tránh ra'.

Không có ai lấy làm ngạc nhiên khi hầu hết người Châu Âu muốn thấy ông Barack Obama đắc cử tổng thống. Trong thời gian tranh cử, ông Obama đã đi thăm Châu Âu. Vào ngày 24 tháng 7, ông đã phát biểu trước khoảng 200,000 người ở thủ đô Berlin của Đức.

Ôngn Obama nói: “Vâng, đã có những bất đồng giữa nước Mỹ và Châu Âu. Chắc chắn sẽ còn những bất đồng trong tương lai. Nhưng các gánh nặng của người công dân thế giới tiếp tục gắn liền chúng ta với nhau. Một sự thay đổi về lãnh đạo tại Washington sẽ không cất được gánh nặng này. Trong thế kỷ mới này, người Mỹ và người Âu đều phải đóng góp nhiều hơn – chứ không phải ít hơn. Đối tác và hợp tác giữa các quốc gia không phải là một sự lựa chọn. Đó là phương sách duy nhất, chỉ có một phương sách đó để bảo vệ an ninh chung của chúng ta và thăng tiến tình người.”

Ông Obama sau đó nói rằng nước Mỹ không có đối tác nào tốt hơn là Châu Âu.

Ông Obama nói: “Quan hệ đối tác thực sự và tiến bộ thực sự đòi hỏi sự làm việc liên tục và hy sinh lâu dài. Nó đòi hỏi phải chia xẻ các gánh nặng về phát triển và ngoại giao, về hòa bình và tiến bộ. Nó đòi hỏi các đồng minh phải lắng nghe nhau, học hỏi lẫn nhau và trên hết, phải tin cậy nhau.”

Các chuyên gia phân tích nói rằng nhiệt tình mà Châu Âu dành cho ông Obama phần lớn phát xuất từ mục tiêu mà ông đã định ra cho việc hàn gắn các mối liên hệ, phục hồi thiện chí và sự chú tâm lắng nghe của Washington đối với các đồng minh Châu Âu.

Ông Wess Mitchell thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu có trụ sở ở Washington nêu nhận định như sau.

Ông Mitchell nói: “Có một sự nhiệt thành dành cho một cá nhân mà theo đa số người Châu Âu cho là một người, khác với ông Bush, mà họ coi như chia xẻ phần lớn các cam kết về chủ thuyết và triết lý sâu xa nhất của họ, cả về chính sách đối nội – sẽ xúc tiến nhiều chương trình hơn - lẫn chính sách đối goalie, dè dặt và bớt tính cách đơn phương hơn. Ít nhất đó là điều mà đa số người Âu trông đợi dưới thời chính quyền của ông Obama.”

Phân tích gia Charles Kupchan đưa ra thêm một lý do nữa khiến nhiều người ở Châu Âu ủng hộ ông Obama.

Ông Kupchan nói: “Họ coi việc bầu cho một người Mỹ gốc Phi châu như một dấu hiệu chứng tỏ một nước Mỹ đa văn hoá, đa dạng, trẻ trung, đa chủng tộc – về nhiều mặt đó là những hình thức phát triển mà nhiều người ở Châu Âu muốn xảy ra cho chính họ, nhưng có lẽ sẽ không có khả năng có được trong một thời gian khá lâu bởi vì cảm giác không thoải mái đối với các sắc dân thiểu số vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia Âu Châu. Vì thế tôi nghĩ rằng về nhiều phương diện, có một sự thích thú khi nước Mỹ làm được chuyện ấy bằng cách bầu một người Mỹ gốc Phi Châu trẻ tuổi lên làm tổng thống.”

Các thành viên gần cận với tổng thống tân cử Obama đã tìm cách hạ thấp các kỳ vọng trong khi ông Obama chuẩn bị làm lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng giêng. Họ nói rằng các vấn đề mà Hoa Kỳ và Châu Âu phải đương đầu rất đáng lo sợ. Trong các vấn đề đó có việc ngăn chặn Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân; làm thế nào để đối phó với một nước Nga đang trỗi dậy trở lại; liệu có xúc tiến việc thu nhận Gruzia và Ukraina vào NATO hay không và vấn đề bố trí một hệ thống phòng thủ phi đạn ở Đông Âu.

Nhưng các chuyên gia cho rằng cuộc chiến tranh tại Afghanistan sẽ là một thử nghiệm sớm sủa cho các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông Barack Obama muốn đưa thêm quân đội Mỹ đến nam bộ Afghanistan, nơi đang diễn ra giao tranh ác liệt với phe Taliban. Nhưng ông cũng muốn các nước khác trong khối NATO, như Đức, cũng làm như thế. Các giới chức của Đức tỏ ra không muốn góp quân vào các sứ mạng nguy hiểm.

Ông William Drozdiak, chủ tịch Hội đồng Mỹ đặc trách về nước Đức, nói rằng Berlin phải chứng tỏ là một quốc gia lãnh đạo, và hoàn thành nghĩa vụ đối với liên minh.

Ông Drozdiak nói: “Rõ ràng có một ước muốn không phải chỉ của chính phủ Obama, mà của tất cả các nước đồng minh trong khối NATO, như Anh, Canada, Đan Mạch, Hà Lan – đang có binh sĩ ở nam bộ Afghanistan, đều muốn gánh nặng được chia sẻ đồng đều. Và toàn bộ vấn đề 'các giới hạn', để rút ra khỏi các sứ mạng bị cho là quá nguy hiểm, là một điều không tốt cho tinh thần các quốc gia bên trong liên minh.”

Các chuyên gia cho rằng trong chức vụ tổng thống, ông Barack Obama sẽ có một sứ mạng ngoại giao rất khó khăn đối với Đức – đó là hối thúc thủ tướng Angela Merkel bố trí thêm binh sĩ vào năm 2009 vào thời điểm mà Berlin sắp tổ chức tổng tuyển cử và công luận Đức chống lại việc gửi thêm quân đến những nơi nguy hiểm nhất ở Afghanistan.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG