Chiều ngày thứ Tư 19 tháng 11, giờ Washington, một cuộc thảo luận về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ, dưới quyền chủ tọa của Tiến Sĩ Lee Edwards thuộc Hội Heritage. Hoài Hương của ban Việt Ngữ Đài VOA theo dõi các diễn tiến trong buổi họp, và tường trình như sau.
Có 3 diễn giả chính trong buổi thảo luận hôm thứ Tư, đại diện cho các nhóm hoạt động để bênh vực những nhà đấu tranh cho nhân quyền, trong đó có Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, và Tổ Chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch.
Mở đầu phần thuyết trình là diễn giả Dimon Liu, một nhà nghiên cứu đang thỉnh giảng tại Trung Tâm Woodrow Wilson ở Washingon, và cũng là một người đã tích cực hoạt động trong hơn 3 thập niên qua để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc, quê hương của bà. Bà Liu nói dù biết trước con đường mà bà lựa chọn là một con đường đầy chông gai, bà đã đi theo tiếng gọi của lương tâm, dựa trên triết lý của Khổng Tử.
Bà Liu phát biểu: “Triết lý Khổng Tử từ thời xa xưa đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của kẻ sĩ phải can thiệp và tích cực dấn thân cải thiện xã hội. Giới trí thức là những người có học, họ có trách nhiệm phải can dự vào sinh hoạt của thế giới chung quanh và của cộng đồng. Kẻ sĩ phải khởi sự với chính mình, tu thân, tề gia, sau đó cải thiện cộng đồng, rồi quốc gia để rốt cuộc, cải thiện thế giới.”
Bà Dimon Liu nói theo bà, nguyên tắc dân chủ tại Trung Quốc ngày nay phát sinh từ 3 nguồn, thứ nhất là truyền thống Khổng Tử, thứ hai là Tuyên Ngôn quốc tế Nhân Quyền, và thứ ba là hiến pháp nhà nước Trung Quốc. Bà nhấn mạnh về tầm quan trọng của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà khoảng 198 nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã đặt bút ký kết.
Bà Liu nói: “Mặc dù bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là một hoài bão, hơn là một đạo luật hay một hiệp định, thế nhưng tất cả mọi nước thành viên Liên Hiệp Quốc đều đặt bút ký vào văn kiện đó, và chúng ta, trong tư cách là những người hoạt động bênh vực nhân quyền, trong tư cách là những con người, có thể buộc họ phải tôn trọng cam kết đó.”
Bà Dimon Liu nói hiến pháp Trung Quốc cam kết tôn trọng 4 quyền tự do căn bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội, và tự do đi lại, mặc dù trên thực tế, các quyền căn bản ấy đã bị vi phạm trắng trợn.
Bà Liu nói tại nước bà, không có các định chế chẳng hạn như một quốc hội cho phép giới hoạt động tích cực tham gia vào tiến trình làm luật để bảo vệ các quyền căn bản. Theo bà thì các định chế ấy cần được xây dựng, và giới hoạt động tích cực là những người sẽ làm công việc đó.
Bà Dimon Liu đả phá các lập luận tìm cách giảm bớt tầm quan trọng của các quyền căn bản trong các xã hội Châu Á, viện các giá trị Đông Phương. Bà giải thích thêm về vai trò của giới hoạt động cho nhân quyền và ưu tiên hàng đầu của những người muốn bảo vệ họ.
Bà Liu phát biểu: “Những người hoạt động tích cực là những người đấu tranh để bảo đảm các nguyên tắc nhân quyền không bị xuống cấp, chính vì vậy mà điều cần được chúng ta bảo vệ nhiều nhất là bản thân các nhà hoạt động tích cực đấu tranh cho nhân quyền.”
Diễn giả thứ nhì là Bác Sĩ Nguyễn Thể Bình, Chủ Tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, kiêm Chủ Tịch Tổ Chức Bảo Vệ Tù Nhân Lương Tâm.
Bác sĩ Bình nói: “Như quý vị đã biết, sau khi gia nhập WTO vào năm 2006, và trở thành thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hồi đầu năm nay, Việt Nam đã không thực hiện cam kết sẽ cải thiện nhân quyền, và tiến tới một xã hội công dân, dân chủ hơn. Thay vào đó, cộng đồng quốc tế đã phải chứng kiến một trong các chiến dịch đàn áp nghiêm ngặt nhất chống các nhà bất đồng chính kiến, và các phong trào đòi cải cách dân chủ tại Việt Nam.”
Bác Sĩ Bình đơn cử các nguồn độc lập để vẽ ra một bức tranh đen tối về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Như Đạo Luật về Nhân Quyền cho Việt Nam do Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer đưa ra trước Thượng Viện Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm 2008, theo đó quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng vượt bậc trong 12 năm qua,với kim ngạch mậu dịch lên tới 12 tỉ đôla trong năm 2007.
Tuy nhiên những tiến bộ tại Việt Nam về mặt kinh tế và thương mại không đi kèm với những cải thiện về các quyền tự do căn bản cho người dân, kể cả quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, và tự do lập hội. Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ra tay đàn áp những cá nhân hoặc nhóm mà dưới cái nhìn của họ, đã thách thức vai trò của Đảng Cộng Sản. Hàng loạt vụ bắt bớ đã xảy ra, mà đối tượng là những người hoạt động tích cực đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, các lãnh đạo công đoàn, các nhà báo, một số thành viên của các nhóm sắc tộc thiểu số, và của các giáo hội không thuộc quyền kiểm soát của nhà nước.
Vẫn theo dự luật về nhân quyền cho Việt Nam tại Thượng Viện Hoa Kỳ được bác sĩ Bình trích dẫn, thì sự phát triển quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam phải đi kèm với những cải thiện có ý nghĩa về mặt nhân quyền cho các công dân Việt Nam, nhất là các quyền được ghi trong các công ước quốc tế về quyền công dân và chính trị mà Việt Nam đã ký kết.
Trích dẫn phúc trình mới nhất của Freedom House, Bác sĩ Bình nói, Việt Nam bị xếp hạng thứ 178 trong 195 nước về quyền tự do báo chí, và có tên trên danh sách các nước không được coi là có tự do báo chí, bên cạnh các nước Châu Á khác, như Lào xếp hạng 179, Trung Quốc hạng 181, Miến Điện hạng 194, và đội sổ là Bắc Triều Tiên thứ 195.
Về quyền tự do thông tin và phát tán thông tin trên mạng internet, nhà nước Việt Nam đã sách nhiễu một số người đã sử dụng mạng internet để nói lên quan điểm của mình trên các trang blog, điển hình là trường hợp nhà văn Điếu Cày.
Bác sĩ Bình cũng đơn cử vụ tranh chấp tại Giáo Xứ Thái Hà, và nhiều trường hợp về những người đã bị bắt bớ, sách nhiễu, gồm có các nhà tu hành, một số nhà báo, và các nhà đấu tranh dân chủ, kể cả 7 nhân vật mới đây đã được trao Giải Thưởng Hellman-Hammett, gồm có luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn văn Đài.
Nói chuyện với đài Tiếng Nói Hoa Kỳ sau bài thuyết trình, bác sĩ Bình cho biết về những hoạt động sắp tới của Tổ Chức Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, và Tổ Chức Bảo Vệ Các Tù Nhân Lương Tâm trong bối cảnh Hoa Kỳ sắp sửa có một chính phủ phủ mới.
// Bác sĩ Nguyễn Thể Bình //
Có mặt trong cử tọa, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, cựu Chủ Tịch Tổ Chức Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, nêu lên một số trường hợp khiến ông quan tâm nhất.
//Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân//
Một người trẻ tuổi khác cũng được nhắc đến là anh Nguyễn Tiến Trung, thuộc Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ. Bác sĩ Quân nói về trường hợp của anh Trung.
//Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân//
Nói đến những ưu tư về tình hình nhân quyền và cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân kết luận.
//Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân//
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe toàn bộ bài tường trình này.