Khi các nhà lãnh đạo của các nước giàu nhất thế giới và của những nền kinh tế đang trỗi dậy tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Washington, nhiều người sẽ chú tâm theo dõi những hành động mà Trung Quốc có thể thực hiện để giúp giải quyết vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Các nhà quan sát cho rằng sự tăng trưởng khá vững vàng của Trung Quốc đã giúp ích rất nhiều cho nền mậu dịch thế giới, nhưng mối quan tâm chính của Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế nội địa. Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài VOA Daniel Schearf có bài tường thuật sau đây.
Trung Quốc là nước dẫn đầu sự tăng trưởng kinh tế của cả thế giới. Những mặt hàng chế tạo giá rẻ mà họ xuất khẩu đã và đang là động cơ của nhiều hoạt động kinh tế trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Quốc không bị tác động bởi tình hình suy yếu của kinh tế toàn cầu. Lượng xuất khẩu của Trung Quốc đã sút giảm và thị trường chứng khoán từng tăng giá rất nhanh của họ đã bị tuột dốc sau khi xảy ra vụ khủng hoảng tín dụng ở Mỹ.
Ông Phạm Cảnh Lưu, một người đầu tư chứng khoán ở Trung Quốc, cho biết: ông không bị thua lỗ, vì trước đó ông đã rút ra khỏi thị trường, nhưng bạn bè ông có nhiều người bị lỗ nặng. Ông nhận định như sau về việc đầu tư chứng khoán.
Ông Phạm nói: "Chúng ta phải chú ý tới 'ông chủ lớn' – đó là chính phủ. Chúng ta cần phải biết những chính sách của chính phủ từ trên xuống dưới, hiểu nó và thông thạo nó. Nếu chúng ta không biết được ý định của chính phủ, chúng ta có thể phạm phải rất nhiều sai lầm."
Hồi gần đây, chính phủ Trung Quốc đã bỏ tiền ra mua chứng khoán và giảm bớt thuế suất đánh vào các hoạt động mua bán chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiếp tục bị giao động mạnh.
Trước khi diễn ra hội nghị G-20, Trung Quốc cũng cắt giảm lãi suất và loan báo kế hoạch trị giá 586 tỉ đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ xã hội và giảm thuế cho người dân.
Cả thế giới giờ đây đang chờ xem phải chăng những hành động của Trung Quốc sẽ góp phần vãn hồi sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.
Ông Li Wan Yong là một nhà nghiên cứu kinh tế của Viện Nghiên cứu Hyundai ở Nam Triều Tiên. Ông cho biết như sau về vai trò quan trọng của Trung Quốc.
Ông Yong nói: "Trung Quốc có số dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới và là nước mua trái phiếu của Mỹ nhiều nhất thế giới, sau Nhật Bản. Xét theo các khía cạnh đó, Trung Quốc có thể nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc khắc phục vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vụ khủng hoảng kinh tế Á Châu."
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, ông Hà Á Phi, nói rằng cách tốt nhất để Trung Quốc giúp đỡ cho kinh tế thế giới là ổn định nền kinh tế của chính mình.
Ông Hà nói: "Kinh tế Trung Quốc chiếm một phần lớn của kinh tế thế giới. Kinh tế Trung Quốc có thể duy trì ổn định và tiếp tục tăng trưởng hay không; kinh tế nội địa của Trung Quốc có ổn định hay không -- đó là một vấn đề quan trọng chẳng những đối với Trung Quốc mà còn cho cả nền kinh tế của thế giới."
Các nhà phân tích cho rằng kế hoạch chi tiêu của chính phủ sẽ giúp ích phần nào cho các nhà xuất khẩu, nhưng mục tiêu chính của Bắc Kinh là gia tăng mức cầu nội địa.
Về việc này, ông Bill McCahill, một chuyên gia của công ty nghiên cứu J.L. McGregor ở Trung Quốc, cho biết như sau.
Ông McCahill nói: "Xét cho cùng thì hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc, những người lãnh đạo tốt, là những người theo ngành kỹ sư. Họ là những người không mấy chú tâm tới các vấn đề bên ngoài. Vấn đề mà họ luôn luôn quan tâm là làm thế nào để lo liệu cho một tỉ tư hoặc một tỉ rưỡi người dân trong nước họ, chứ không phải là lo cho những người chủ nhà ở Los Angeles."
Nhu cầu sút giảm ở Hoa Kỳ và các nước khác đã khiến cho hàng ngàn công xưởng ở Trung Quốc phải đóng cửa và nhiều người đang lo ngại về việc xảy ra bất ổn xã hội trong lúc hàng triệu người dự kiến sẽ bị mất công ăn việc làm.
Các giới chức Trung Quốc cảnh báo rằng hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng của tình trạng suy thoái trên thế giới, và nhiều người cho rằng tình hình có thể sẽ còn tệ hơn trong thời gian tới đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1