Phản ứng của quốc tế trước việc ông Barack Obama đắc cử tổng thống phần lớn rất nồng nhiệt. Nhưng các thử thách về chính sách đối ngoại mà tổng thống tân cử phải đối phó cũng rất gay go. Thông tín viên Judith Latham của đài VOA nói chuyện với các ký giả Đức, Ả Rập, và Nam Phi Châu về những thử thách trong các khu vực của họ.
Thử thách đầu tiên và cấp bách nhất mà tổng thống tân cử Barack Obama phải đương đầu là một cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước ở tầm vóc lớn, một cuộc khủng hoảng đã lan ra khắp thế giới.
Các ký giả quốc tế đang mau chóng nêu ra điểm ông Obama sẽ phải đương đầu với một hình ảnh nước Mỹ sa sút ở phần còn lại của thế giới. Theo ký giả Đức Matthias Rueb, trưởng văn phòng ở Washington của báo Frankfurter Allegemeine Zeitung thì chính phủ mới sẽ phải ứng phó với ba vấn đề đã gây khó khăn cho Châu âu. Đó là cuộc chiến tranh ở Iraq, trại giam tù nhân ở vịnh Guantanamo của Cuba và chính sách của Hoa Kỳ về sự biến đổi khí hậu.
Ký giả Rueb nói: “Trong 3 lãnh vực vừa kể, tôi cho rằng các kỳ vọng được đặt rất cao. Dân chúng Âu Châu, nhất là dân chúng Đức cũng trông đợi chính phủ mới sẽ yêu cầu họ tham gia nhiều hơn về mặt chính trị và quân sự tại Afghanistan. Đây sẽ là phần khó khăn hơn. Ba vấn đề khi sẽ dễ dàng hơn, và dễ dàng nhất sẽ là vụ Guantanamo.”
Tuy rằng đó sẽ là một biện pháp được nhiều sự tán thành, các cố vấn của đội ngũ chuyển tiếp của ông Obama cảnh báo rằng chính phủ mới có thể phải đương đầu với một loạt các thử thách về pháp lý, ngoại giao và hậu cần trong việc đóng cửa trại giam này.
Bang giao giữa Nga và Hoa Kỳ là một lãnh vực tế nhị khác đối với phía Châu Âu. Ngay vào hôm sau khi ông Obama đắc cử tổng thống, tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã quy lỗi cho Washington về cuộc khủng hoảng tài chính và về cuộc giao tranh vừa qua trong vùng Caucase. Tuy nhiên, ông Matthia Rueb cho rằng dân chúng Âu Châu lạc quan về một sự cải thiện trong bang giao Nga-Mỹ.
Ông Rueb nói: “Tôi cho rằng Châu Âu trông đợi Hoa Kỳ sẽ áp dụng thêm nhiều chính sách của Châu Âu đối với Nga. Họ hy vọng là sẽ có một kỷ nguyên mới về đối thoại giữa Hoa Kỳ và Nga và phía Châu Âu – nhất là Đức – sẽ đóng vai trò điều giải.”
Nadia Bilbassy, thông tín viên kỳ cựu của Trung tâm Tin tức Trung Đông, nói rằng thế giới Ả Rập cũng đặt nhiều kỳ vọng vào ông Barack Obama.
Bà Bilbassy nói: “Ưu tiên đối với đa số dân chúng ở Trung Đông là đem lại sức sống mới cho tiến trình hòa bình. Có một thử thách rất to lớn về chính sách đối ngoại. Ông ấy sẽ phải đối phó với các vấn đề về Iran, sẽ phải làm gì về tham vọng thủ đắc vũ khí hạt nhân của Iran. Ông ấy sẽ phải suy nghĩ về cách thức giao tiếp với Syri. Ông ấy phải có một sách lược rút ra khỏi Iraq. Tất cả những vấn đề này, cộng với mối đe dọa từ phía al-Qaida cũng như cuộc chiến chống khủng bố, sẽ đề ra một thử thách lớn cho ông ấy. Ông ấy sẽ giải quyết ra sao, đó là điều chúng ta phải chờ xem.”
Bà Bilabassy gợi ý rằng không có bất kỳ một người nào đơn độc có khả năng đối phó với nhiều thử thách đối ngoại nghiêm trọng như thế cùng một lúc. Bà cho rằng điều khôn ngoan là phải bổ nhiệm một vị đặc sứ cấp cao có nhiều kinh nghiệm về Trung Đông, thay vì dựa chủ yếu vào vị bộ trưởng ngoại giao sắp tới của Hoa Kỳ.
Có lẽ không có nơi nào mà sự đắc cử của ông Obama lại được đón nhận một cách nồng nhiệt hơn là Phi Châu. Nhưng, cũng như ở Trung Đông, người dân Phi châu có nhận thức rất rõ về tính chất phức tạp của các vấn đề mà bất cứ chính phủ mới nào của Hoa Kỳ phải đối phó. Theo ký giả Darren Taylor của Nam Phi, các quốc gia được gọi là yếu ớt sẽ đề ra các vấn đề đặc biệt về an ninh.
Ông Taylor nói: “Đã có nhiều cuộc tấn công trong nhiều năm qua, cụ thể là ở Kenya, Tanzania, khu vực Đông Phi châu. Năm 1998, khi al-Qaida đánh bom một số sứ quán của Hoa Kỳ gây thiệt mạng cho hàng trăm người, thì các cuộc tấn công đó được hoạch định tại Somalia. Và Hoa Kỳ vẫn còn coi Somalia như một nơi mà mối đe dọa lớn cho các quyền lợi của Mỹ đang sinh sôi nẩy nở. Rõ ràng, một trong các thử thách quan trọng của ông Obama sẽ là đối phó với khu vực hoàn toàn không cai quản được này. Rồi một ưu tiên thứ nhì sẽ là Zimbabwe. Sắp có một thỏa thuận chia quyền mà dường như đã sụp đổ. Hoa Kỳ lại phải có các biện pháp chế tài, mà cho đến giờ này đã tỏ ra không hữu hiệu trong việc chuyển biến tình hình ở Zimbabwe. Darfur đương nhiên lại là một vấn đề quan trọng khác.”
Khi đối phó với nhiều vụ xung đột ở Châu Phi, ký giả Darren Taylor gợi ý rằng chính phủ Obama sẽ cần hợp tác chặt chẽ hơn với Liên hiệp Phi châu.
Ông Taylor nói: "Ông Obama, người xét về nhiều mặt cũng được coi như tổng thống của châu Phi nữa bởi vì mọi người rất kính nể ông, bởi vì gốc gác Kenya của ông, họ thực sự thấy một cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với Châu Phi. Ông ấy thực sự có một cơ hội để thực thi thay đổi thực sự có liên quan đến Liên hiệp Phi Châu.”
Ký giả Matthias Rueb của Đức tin rằng tổng thống tân cử Barack Obama có thể tạo ra một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Ký giả Rueb nói: “Thương mại, Afghanistan, Trung Đông, mặc dầu các vấn đề kết cấu đó sẽ còn tồn tại một thời gian, tôi cho rằng ông ấy thực sự có cơ may đem lại một quan hệ mới xây dựng trên tinh thần hợp tác và các liên minh truyền thống nhiều hơn thay vì xây dựng các liên minh thiện chí được đặt hàng theo các vấn đề mà Hoa Kỳ đang phải đối phó.”
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1