Giới hữu trách của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã sa thải 2 chủ biên của một nhật báo đăng tải những bài chỉ trích chính sách của chính phủ.
Theo Thông Tấn Xã Đức DPA, ông Đặng Ngọc, phó tổng biên tập của tờ Đại Đoàn Kết, hôm thứ Tư cho biết là đã nhận được quyết định trừng phạt của đảng về tội vi phạm luật báo chí.
Nhật báo Đại Đoàn Kết là tiếng nói của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức nhiều quyền hành, có liên hệ với đảng Cộng Sản. Ông Ngọc cho hay: ông và tổng biên tập Lý Tiến Dũng đã được ông Vũ Trọng Kim, tổng thư ký Mặt Trận Tổ Quốc, thông báo cho biết về quyết định trừng phạt.
Tin cho hay quyết định này nói rằng nhật báo Đại Đoàn Kết đã vi phạm luật báo chí khi cho đăng 3 bài có nội dung mâu thuẫn với các chính sách của đảng và nhà nước.
Đầu năm 2007, nhật báo này cho đăng bài của Linh Mục kiêm thành viên Mặt Trận Tổ Quốc Nguyễn Thiện Cẩm đòi để Mặt Trận được độc lập khỏi đảng cộng sản.
Tháng 11 năm 2007, báo này cho đăng một lá thư của tướng Võ Nguyên Giáp chống đối việc xây trụ sở quốc hội mới tại địa điểm vừa khai quật được nhiều vật cổ của cố đô Thăng Long, đưa tới chỗ báo chí trong nước tranh cãi nhiều tháng trời về trụ sở mới này.
Sau hết, một bài quan điểm của nhà báo lão thành Thái Duy đăng hồi tháng Hai năm nay cho rằng tính chất xa lạ của xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Sô mà quốc Hội Việt Nam theo đuổi năm 1975 đã tách rời nhân dân Việt Nam ra khỏi đảng.
Chính phủ Việt Nam chối bỏ trách nhiệm về các vụ sa thải trong báo Đại Đoàn Kết, nói rằng đây là quyết định của Mặt Trận Tổ Quốc. Thứ Trưởng Bộ Thông Tin Viễn Thông Đỗ Quý Doãn nói là Bộ không can thiệp vào vụ này. Ông Nguyễn Văn Vinh thuộc Mặt Trận Tổ Quốc không đưa ra một lời bình luận nào.
Một nhà báo của tờ Đại Đoàn Kết xin dấu tên tuổi cho hay quyết định này không công bằng, vì chỉ nhắm trừng phạt những nhà báo dũng cảm dám nói lên những bất công xã hội và đường lối chuyên chế của chính phủ.
Vụ sa thải tại nhật báo Đại Đoàn Kết diễn ra hai tuần sau khi một tòa tại Việt Nam kết án nhà báo Nguyễn Việt Chiến hai năm tù và nhà báo Nguyễn Văn Hải hai năm học tập không bị giam giữ về tội tường thuật một vụ tham nhũng lớn.
Bà Marie Louise Thaning, cố vấn của Đại Sứ Quán Thụy Điển tại Hà Nội cho rằng điều mọi người đang chứng kiến là một khuynh hướng đáng lo ngại. Theo bà Thaning, Thụy Điển sẽ nhấn mạnh với các giới chức Việt Nam về tầm mức quan trọng của một xã hội cởi mở, đòi hỏi sự hiện diện của một nền truyền thông tự do và độc lập được phép nêu lên tiếng nói quan ngại của người dân.
Tuần trước, Nghị Viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết, gọi vụ lên án hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải là một vụ tấn công vào quyền tự do phát biểu tư tưởng.
Các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền như Hội Ân Xá Quốc Tế và Hội Ký Giả Không Biên Giới cũng đã mạnh mẽ phản kháng những bản án này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1