Trong chuyến di Việt Nam vừa qua, Lê Dân của Ban Việt ngữ VOA có dịp trao đổi cùng ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Mời quí vị theo dõi.
VOA: Trước hết, xin ông vui lòng giới thiệu sơ qua về lịch sử thành lập và hoạt động của thị trường chứng khoán cùng Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
Trấn Ðắc Sinh: Thị trường chứng khoán Việt Nam hình thành được hơn tám năm. Quyết tâm của Việt Nam là muốn xây dựng một thị trường vốn phát triển để làm một kênh huy động vốn tốt cho nền kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp. Nó cũng là một định chế của một nền kinh tế thị trường cao cấp. Phải nói rằng chúng tôi, cũng như là chính phủ, đã làm hết sức quyết liệt để xây dựng một thị trường chứng khoán phát triển nhanh và bền vững. Thị trường chứng khoán vừa qua đã có những phát triển rất tốt, rất nhanh, nhưng nó cũng có những vấn đề như chưa được ổn định. Trong quá trình phát triển nó cũng có những biến động rất là lớn. Tôi cho đó là điều đương nhiên cho một nền kinh tế của Việt Nam mới chuyển đổi, mới hội nhập. Việc mất ổn định của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua là chuyện đương nhiên.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy là thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giúp cho nền kinh tế nói chung, và các doanh nghiệp huy động được một lượng vốn rất lớn cho doanh nghiệp để phát triển. Như quý vị đã biết, qua thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư của Việt Nam và của nước ngoài, đã thấy rằng tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam rất lớn. Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn là có sự phục hồi.
VOA: Ông vừa nói tới khả năng huy động vốn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với các doanh nghiệp trong nước, xin ông giải thích cụ thể thêm.
Trần Ðắc Sinh: Chúng tôi vừa mới xây dựng thị trường chứng khoán cách nay không lâu, nhưng quyết tâm xây dựng một thị trường vốn trung và dài hạn, trụ cột cho nền kinh tế, và chúng tôi đang hướng về một muc tiêu như thế. Hiện nay như vậy là thị trường chứng khoán đang đóng một vai trò rất lớn cho các doanh nghiệp huy động vốn. Ngoài phần vốn vay của ngân hàng ra, thì việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán rất là tốt. Tôi nói như là trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp phát hành IPO, nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục niêm yết và phát hành thêm cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy là chúng tôi đang xây dựng để trở thành một thị trường trụ cột, ngoài thị trường tiền tệ ra, thì thị trường vốn, thị trường chứng khoán sẽ trở thành một kênh chủ đạo về huy động vốn cho nền kinh tế.
VOA: Ông vừa nhấn mạnh về việc các doanh nghiệp sắp phát hành thêm nhiều IPO, tức cổ phiếu khởi điểm bán cho công chúng, thời gian vừa qua đã có ý kiến nói rằng chính vì những IPO chưa ra đời đó đã góp phần làm thị trường chứng khoán Việt Nam tụt dốc trong những tháng đầu năm nay, thưa ông?
Trần Ðắc Sinh: Chúng ta đã thấy rằng thị trường chứng khoán huy động vốn rất là tốt, nhưng do khung pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của thị trường chứng khoán do đó mà chúng ta chưa control, chưa kiểm soát được, vì thế mà có một đại bộ phận phát hành cổ phiếu riêng lẻ, bên ngoài thị trường chính thức, thị trường niêm yết, chưa được chuẩn mực. Cũng có vài trường hợp mang tính chất lừa đảo, lợi dụng vào lòng tin, hoặc mong kiếm tiền nhiều của các nhà đầu tư, nên đã làm méo mó thị trường chứng khoán, trong chừng mực nào đó nó có ảnh hưởng tới giá trị cổ phiếu.
Hiện nay, chính phủ đã nhìn thấy chuyện đó và chúng tôi đang thực thi những chỉ thị của chính phủ để làm sao cho việc phát hành được công khai, minh bạch mà nhà đầu tư hiểu được. Tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam mình còn nhỏ so với các nước trong khu vực, nên việc chúng ta phát hành thêm để huy động vốn cho phát triển thì không có vấn đề gì. Không phải cứ phát hành nhiều quá thì nó 'pha loãng', mà tôi nghĩ là cách phát hành, vấn đề minh bạch, và chúng ta phải bàn với các doanh nghiệp về thời điểm nào phát hành thuận lợi nhất, thì việc phát triển thị trường chứng khoán mới tốt.
VOA: Như vậy thì đã nhìn nhận là khung pháp lý chưa phát triển theo cùng nhịp với thị trường chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán, hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã có kiến nghị Quốc hội và chính phủ hoàn thiện khung pháp luật không, thưa ông?
Trần Ðắc Sinh: Phải nói rằng hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán là một điều rất cấp bách. Hiện nay chúng ta đã có luật Chứng khoán và chúng ta đang vận hành trên cái luật đó. Tuy nhiên qua quá trình vận hành thì mới thấy là có quá nhiều khiếm khuyết và có những vấn đề chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đang xảy ra đối với thị trường chứng khoán. Chúng tôi đang kiến nghị chíùnh phủ là trong năm 2009 phải sửa luật Chứng khoán cho phù hợp hơn, tốt hơn, để đảm bảo cho thị trường chứng khoán phát triển được theo xu thế chung, hội nhập trên thế giới, đồng thời đảm bảo được một thị trường phát triển tốt.
VOA: Thưa ông tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, ông nghĩ sao về tình hình kinh tế suy trầm hiện nay trên thế giới sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, và đối với tình hình doanh nghiệp Việt Nam nói riêng?
Trần Ðắc Sinh: Chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sau khi chúng ta gia nhập WTO, thì sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn của thị trường tài chính trên thế giới. Một điều nữa là giá lương thực, thực phẩm trên thế giới tăng cao cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế và như vậy là có vấn đề lạm phát. Việc lạm phát sẽ ảnh hưởng nói chung đến các doanh nghiệp và cả đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thời gian qua việc phục hồi của thị trường chứng khoán đã góp một phần rất lớn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế có thể thoát nhanh vấn đề lạm phát lớn hiện nay.
Chúng tôi cho rằng giai đoạn sau những bất ổn của nền kinh tế, vấn đề suy thoái, vấn đề doanh nghiệp phá sản sẽ bớt đi. Như vậy thì vai trò của thị trường chứng khoán cũng rất là lớn.
VOA: Về mục tiêu huy động vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhắm vào người Việt ở nước ngoài không thưa ông? Và nếu chưa, thì đến bao giờ Việt Kiều mới được được đối xử như người trong nước?
Trần Ðắc Sinh: Hiện nay, phải nói rằng đối với bà con Việt Nam định cư ở nước ngoài mà tham gia vào thị trường chứng khoán thì chúng tôi không có hạn chế. Nhưng mà hiện nay về luật, thì đang coi đồng bào ta định cư sinh sống ở nước ngoài là người nước ngoài. Vấn đề này chúng tôi đã báo cáo chính phủ và chính phủ đang có suy nghĩ để nghiên cứu. Đến một lúc nào đó thì bà con Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng có thể là giống như bà con sống ở trong nước, dù bây giờ đã có dễ hơn, nhưng vẫn phải khẳng định rằng bà con ở nước ngoài muốn đầu tư vào chứng khoán thì cũng không ai cấm cả, nhưng phải theo tỷ lệ của người nước ngoài, thế thôi.
VOA: Xin cám ơn ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.