Thị trường chứng khoán trên thế giới có tăng có giảm trong hôm thứ Tư, trong lúc có những nỗ lực nhằm phục hồi kế hoạch cứu nguy tài chính do Tổng Thống Hoa Kỳ đưa ra, nhưng đã bị Hạ Viện bác bỏ. Vì thế Thượng Viện sẽ họp để biểu quyết trong ngày thứ Tư. Trong khi chờ đợi kết quả biểu quyết của Thượng Viện, Thông Tín Viên đài VOA Michael Bowman ở Washington có những ghi nhận như sau.
Hôm thứ Hai, sau khi dự luật 700 tỉ đôla của Tổng Thống Bush bị Hạ Viện bác bỏ, chỉ số chứng khoán trên thị trường của Hoa Kỳ đã sụt giảm mạnh ở mức lớn nhất chưa từng có nội trong 1 ngày.
Thượng Nghị Sĩ John Kerry của đảng Cộng Hòa nói rằng cần phải ngăn tai họa giống như hôm thứ Hai tái diễn.
Ông Kerry nói: “Chúng ta cần phải giải quyết cho xong kế hoạch tài chính này, và tôi tin là chúng ta sẽ làm được.”
Bây giờ đến phiên Thượng Viện. Các nhà đàm phán của Thượng Viện lấy khung sườn của dự luật của Hạ Viện, thêm vào đó nhiều điều khoản nhằm giúp dư luận dễ được chấp nhận hơn, ví dụ như thêm điều khoản giảm thuế cho một số doanh nghiệp, và tăng mức bảo đảm của liên bang cho mỗi tài khoản ký thác ở ngân hàng, từ 100.000 lên 250.000 đôla.
Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, Trưởng khối thiểu số cho biết: “Chúng tôi họp hôm nay ở đây dựa trên sự đồng thuận của 2 đảng, nhằm tạo một hướng đi lên cho kế hoạch cứu nguy quan trọng cho đất nước.”
Theo trông đợi, cả 3 Thượng Nghị Sĩ tham gia cuộc bầu cử Tổng Thống vào tháng 11 cũng tạm ngưng đi vận động để quay về Washington tham gia biểu quyết - đó là Thượng Nghị Sĩ John McCain của đảng Cộng Hòa, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama của đảng Dân Chủ, và người đứng phó cho ông là Thượng Nghị Sĩ Joe Biden.
Trong khi chờ đợi, các thị trường tài chính Hoa Kỳ dường như đang chọn thái độ chờ xem, sau nhiều ngày có những chỉ số lên xuống ở mức bất thường.
Cuộc khủng hoảng tài chính của Hoa Kỳ bắt đầu xuất hiện sau khi trải qua một thời gian dài, các ngân hàng áp dụng cách cho vay lỏng lẻo để giúp hàng triệu người mua trả góp những căn nhà mà họ không đủ khả năng tài chính để chi trả. Hiện tượng này làm sụp đổ nhiều định chế tài chính nổi tiếng của Mỹ, và làm nhiều chủ nợ không muốn cho vay. Hiện tượng đó cũng làm nhiều người thắc mắc không biết tiền bạc của mình để trong ngân hàng có an toàn hay không, dù biết là hầu hết số tiền này đều được chính phủ liên bang bảo đảm.
Theo lời ông Andrew Gray, Người phát ngôn của cơ quan Bảo Đảm Ký Thác Liên Bang, nếu bây giờ tăng mức bảo đảm cho những món tiền ký thác thì sẽ giảm được mối lo cho nhiều người.
Ông Gray nói:”Khi tăng mức này, ta sẽ có 2 lợi ích: thứ nhất các ngân hàng sẽ có thêm tiền mặt để cho vay, thứ hai người có tiền ký thác quá mức bảo đảm hiện nay sẽ thêm an tâm.”
Không phải chuyên viên kinh tế nào cũng ủng hộ kế hoạch cứu nguy của Tổng Thống Bush. Một trong những người chỉ trích là ông Lawrence Officer, giáo sư kinh tế tại trường đại học Chicago.
Giáo sư Officer nhận định: Chính sách tài chính có tính cách nửa vời này nhằm buộc Bộ Tài chính phải mua lại những chứng từ xấu, những chứng khoán không có lời, những chứng khoán mà không nhà đầu tư nào muốn mua. Đó không phải là mục đích của một chính sách tiền tệ bình thường. Mục đích của một chính sách tiền tệ chỉ bình thường khi Ngân hàng Trung ương mua lại những chứng khoán tốt, thay vì những chứng khoán kém giá trị.”
Giả sử như kế hoạch cứu nguy cuối cùng có được phê chuẩn và thực thi chăng nữa, nhiều nhà kinh tế tin rằng Hoa Kỳ sẽ trải qua một thời gian tăng trưởng kinh tế chậm chạp kéo dài, nếu không thì cũng là một tình trang suy trầm khá nặng.
Trước viễn ảnh không mấy tốt đẹp, nữ Dân Biểu Marcy Kaptur kêu gọi mọi người nên có thái độ khắc kỷ.
Dân biểu Kaptur nói: “Nước Mỹ chúng ta có một hệ thống kinh tế vững chắc, và thực tình mà nói, tôi muốn nhắn với các thị trường tài chính một điều: hãy bình tĩnh, đừng hốt hoảng, đừng để bị rơi vào trạng thái lo âu.”
Nếu quả thực Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua kế hoạch cứu nguy, thì sớm nhất là thứ Năm Hạ Viện sẽ đem ra thảo luận lại.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1