Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tuyên bố chính phủ sẽ tiếp tục hành động nhằm ổn định các thị trường tài chính đang chao đảo, vì giới đầu tư lo sợ có thể xảy ra tình trạng suy sụp của các thị trường tài chính trên toàn thể giới. Thông tín viên Scott Steans tường thuật từ Tòa Bạch Ốc rằng các ngân hàng trưng ương hàng đầu trên thế giới đang cùng hợp sức đối phó với tình hình, hy vọng sẽ hồi phục được lòng tin của giới đầu tư.
Tổng thống Bush đã hủy các chuyến đi gây quĩ chính trị, để ở lại Tòa Bạch Ốc tham khảo với các cố vấn kinh tế của ông về tình hình kinh tế hiện nay.
Tổng thống Bush nói: “Nhân dân Mỹ đang lo ngại về tình hình hiện nay của các thị trường tài chính và nền kinh tế của chúng ta, và tôi chia sẻ tâm trạng lo âu đó của họ.”
Chính phủ Hoa Kỳ đã giúp cứu nguy và nắm quyền kiểm soát 2 công ty cho vay tiền mua nhà lớn nhất của nước Mỹ. Chính phủ cũng đã hành động để cứu nguy công ty bảo hiểm AIG, mà Tổng thống Bush nhận định rằng nếu công ty này sụp đổ sẽ có thể dẫn đến tình trạng suy sụp của các thị trường tài chính và đe dọa các khu vực khác của nền kinh tế.
Trong tuần qua, chính phủ hành động rất nhanh chóng, bỏ xa các nhà lập pháp. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Henry Paulson chỉ thông báo cho Quốc hội biết việc chính phủ cho AIG vay 85 tỉ đô la sau khi thỏa thuận đã kết thúc.
Sử dụng tiền của người thọ thuế để cứu nguy cho các công ty đang có nguy cơ bị sụp đổ là biện pháp trực tiếp nhất, tuy nhiên đây không phải là cách duy nhất mà ngành hành pháp can thiệp khi xảy ra khủng hoảng kinh tế. Trước đây trong năm, Tổng thống Bush đã yêu cầu quốc hội chấp thuận một kế hoạch kích thích hoạt động kinh tế bằng cách giảm thuế cho giới tiêu thụ cùng với biện pháp trả lại bớt tiền thuế cho dân,và chính sách thuế khóa khích lệ các doanh nghiệp mua sắm thiết bị mới.
Các Tổng thống có thể ảnh hưởng đến các thị trường qua chính sách điều tiết và qua cách mà họ chi tiêu công quĩ như sự hỗ trợ ngân sách cho công tác nghiên cứu và phát triển của các đại công ty chẳng hạn, có thể khích lệ hay làm nản lòng các doanh nghiệp khi quyết định các chương trình đầu tư.
Các Tổng thống cũng có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế bằng chính sách công. Như Tổng thống Bush nói rằng Quốc hội có thể giúp đẩy mạnh hoạt động kinh tế bằng cách thông qua các hiệp ước mậu dịch tự do với Colombia, Panama và Nam Triều Tiên nhằm giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ bán hàng ra nước ngoài nhiều hơn. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng muốn mở rộng chương trình khoan dầu ngoài khơi mà ông nói rằng nhiên hậu sẽ giảm được giá năng lượng.
Riêng về chính sách tiền tệ thì các tổng thống Hoa Kỳ không gây được ảnh hưởng vì Quĩ Dự trữ Liên bang của Hoa Kỳ là một thực thể độc lập. Quĩ Dự trữ Liên bang hiện đang tham gia với các ngân hàng trung ương của các quốc gia khác trên thế giới, bơm hàng trăm tỉ đôla vào các thị trường tài chính trên thế giới với hy vọng phục hồi lòng tin của giới đầu tư cũng như khuyến khích các ngân hàng cho vay lẫn nhau.
Tổng thống Bush nói rằng cung cấp thêm thanh khoản cho hệ thống tài chính Hoa Kỳ là một bước đáng kể.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Các biện pháp này rất cần thiết và rất quan trọng và nhờ đó các thị trường tài chính đang tự điều chỉnh. Các thị trường tài chính của chúng ta tiếp tục đương đầu với các thách thức nghiêm trọng. Các hành động mới đây đã cho thấy , chính quyền tập trung vào việc làm sao đối phó hữu hiệu trước các thách thức này. Nhân dân Hoa Kỳ có thể tin chắc là chính quyền sẽ tiếp tục hành động để củng cố và ổn định các thị trường tài chính của chúng ta cũng như nâng cao lòng tin của giới đầu tư.
Nền kinh tế Hoa Kỳ đã gặp khó khăn vì giá trị bất động sản sụt giảm, giá nhiên liệu cao và giá lương thực thực phẩm tăng. Một cuộc thăm dò công luận do đài truyền hình tin tức CBS và báo New York Times ở Hoa Kỳ thực hiện trong tuần này cho thấy, kinh tế và công ăn việc làm là 2 vấn đề lớn nhất mà gần phân nửa cử tri Mỹ quan tâm trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1