Đường dẫn truy cập

Từ Chiến tranh Lạnh đến Chiến tranh chống Khủng bố


Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, tức 4 thập niên tiếp theo sau Thế Chiến Thứ Hai, thế giới chỉ có hai siêu cường, đó là Hoa Kỳ và Liên Bang Xô-Viết, cả hai đều có khả năng để hủy diệt đối phương. Nguy cơ về sự tàn phá của vũ khí hạt nhân đã khiến cho cả hai bên, tại cả Washington lẫn Mascơva, coi việc tránh chiến tranh hạt nhân xảy ra là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên nhà phân tích Jonathan Stevenson đã đặt nghi vấn về tính hiệu quả của chiến lược ấy trong cuộc chiến tranh chống khủng bố mà Hoa Kỳ đang tiến hành. Như lời tường thuật đài VOA Thông tín viên Faiza Elmasry, thì nhà phân tích chiến lược Stevenson đã tìm cách trả lời câu hỏi này trong tác phẩm mới của ông, mang tựa đề - Thinking Beyond the Unthinkable: Harnessing Doom from the Cold War to the War on Terror - xin tạm dịch là “Tư Duy ngoài lằn ranh của Tư Duy: Rút Tỉa Kinh Nghiệm Đen Tối từ Chiến Tranh Lạnh để mang ra áp dụng trong Chiến Tranh Chống Khủng Bố”. Mời quý vị theo dõi chi tiết của bài tường trình của Elmasry sau đây.

Phân tích gia Jonathan Stevenson nói sự chấm dứt đột ngột của Chiến Tranh Lạnh với sự tan rã của Liên Bang Xô-Viết năm 1991 đã không cho phép các nhà chiến lược có thời giờ chuẩn bị để đối phó với những mối đe dọa mới trong thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh.

Ông Stevenson nhận định: “ Tôi tin rằng bởi vì vào thời đó Liên Bang Xô-Viết ngoài mặt có vẻ quá hùng mạnh và không thể nào lay chuyển nổi, nên các nhà chiến lược - dù tài ba nhất, cũng khó có thể tưởng tượng được một thế giới không có Chiến Tranh Lạnh. Sự phát triển của các tổ chức phi quốc gia trong tư cách là những đe dọa chiến lược, không hề được tiên liệu, và bất ngờ đến mức các nhà chiến lược không suy tính trước được là sẽ phải thay đổi phương cách chiến lược quân sự ra sao trong một thế giới hậu Chiến Tranh Lạnh.

Ông Stevenson là một giáo sư dạy môn Chiến Lược Học tại Đại Học Chiến Tranh của Hải Quân Hoa Kỳ. Ông giải thích rằng trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, mối đe dọa về khả năng cả hai bên có thể bị hủy diệt, đã kiềm chế các siêu cường không hành động vượt ra ngoài giới hạn của mình. Nhà phân tích nói, rõ ràng lý thuyết ấy hãy còn hiệu lực đối với nước Nga và các chế độ cầm quyền đã thủ đắc vũ khí hạt nhân mới đây, như Bắc Triều Tiên, và có thể Iran, và biện pháp răn đe ấy cũng hiệu nghiệm trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên trong tác phẩm mới “Tư Duy ngoài làn ranh của Tư Duy”, tác giả lập luận rằng khả năng răn đe của sức tàn phá của vũ khí hạt nhân không đương nhiên áp dụng được đối với các tổ chức khủng bố Hồi Giáo xuyên quốc gia, như al-Qaida.

Giáo sư Stevenson nói: “Những thành phần khủng bố Hồi Giáo, ví dụ như al-Qaida, không thực sự đặt ra một mối nguy cơ hạt nhân nào. Thế nên, mang cái kho vũ khí quân sự to lớn của Hoa Kỳ, và ngay cả một số vũ khí quy ước, ra đe dọa al-Qaida, thì chẳng khác nào như sử dụng vũ lực quá mạnh tay và không đúng chỗ, không thích nghi với đối tượng. Làm như thế không răn đe được al-Qaida khỏi tấn công chúng ta. Vì lý do đó, chúng ta cần thiết lập sức mạnh bao gồm nhiều biện pháp mềm mỏng hơn ,có sức thuyết phục, so với các thứ vũ khí mà chúng ta đã sử dụng cho tới nay.”

Các biện pháp mềm mỏng hơn ấy gồm: đường lối ngoại giao, tình báo và thi hành công lực. Giáo sư Stevenson nói thêm rằng biện pháp răn đe có thể là một thứ vũ khí mềm mỏng. Nhưng nó chỉ có hiệu quả, nếu đối phương có một vật gì có giá trị, mà chúng ta có thể đe dọa được. Vì thế phân tích gia Stevenson đề nghị các tổ chức phi quốc gia nên được khích lệ để tham gia vào các hoạt động quốc gia không bạo động, chẳng hạn như chính trị.

Nhà phân tích chiến lược giải thích: “Một số các nhóm phi quốc gia, tôi đang nghĩ tới tổ chức Hezbollah ở Libăng như một ví dụ thích hợp, đã phát triển quyền chính trị và tính chính đáng qua việc tham gia một cách bất bạo động vào tiến trình chính trị, đến mức họ không muốn từ bỏ quyền chính trị ấy bằng hành vi bạo động. Trông từ bề ngoài, thì Hezbollah có vẻ còn là một mối đe dọa thật đấy, nhưng trên thực tế, nhóm này nay ít có khuynh hướng bạo động hơn nhiều, so với các năm 1980, vì lẽ họ đã dành được nhiều quyền hành chính trị hơn tại Libăng so với thời kỳ trước.”

Vẫn theo nhà phân tích chiến lược Stevenson, bài học khác nữa mà Hoa Kỳ nên rút tỉa từ kinh nghiệm của Chiến Tranh Lạnh, là việc thiết lập các cơ quan nghiên cứu và cố vấn chính sách hiệu quả, có khả năng thẩm định và phân tích các mối đe dọa mới. Về điểm này.

Ông Stevenson nói: “Về mặt tổ chức, các nhà chiến lược tài ba trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh đã được đào luyện bởi các cơ quan nghiên cứu và cố vấn chính sách có liên hệ với chính phủ, đặc biệt là Tổ Chức Nghiên Cứu Chính sách Rand Corporation. Chính thông qua tổ chức này mà các nhà phân tích đã trở nên quen thuộc với những thách thức chiến lược mà chính phủ Hoa Kỳ phải đối phó, trong khi cùng lúc, họ được suy nghĩ rộng rãi về những giải pháp nhằm giải quyết các thách thức này, tách ra khỏi sự hỗn độn của khâu thi hành chính sách thường ngày. Rất nhiều các tổ chức cố vấn chính sách tương tự hãy còn hiện hữu, nhưng điều trớ trêu , các tổ chức ấy nay đã phần nào bị giới hạn bởi sự gần gũi của họ với Bộ Quốc Phòng, và do đó các tổ chức ấy đã dánh mất đi cái khoảng cách biệt lành mạnh cần có. Thế nên, tôi đề nghị nên thành lập một tổ chức nghiên cứu và cố vấn chính sách mới, cũng có liên hệ với chính phủ, nhưng được thành lập với mục đích duy nhất là giải quyết những vấn đề chiến lược mới, và suy nghĩ về một đường lối phổ quát hơn để tiếp cận các thách thức mới.”

Giáo sư Stevenson còn đề nghị Washington nên tập trung các nỗ lực quốc tế của mình vào các biện pháp còn gọi là vũ khí mềm mỏng, như thực thi công lực, tình báo và ngoại giao, hơn là tập trung vào các hành động quân sự trực tiếp.

Ông Stevenson nói: “Điều đó sẽ bao gồm việc rút quân ra khỏi Iraq một cách thận trọng và chậm rãi, chuyển hướng tập trung sang Afghanistan theo cách như thế nào để ổn định hóa đất nước này, và gây khó khăn hơn cho al-Qaida và phe Taliban, vốn đã nổi dậy trở lại tại các khu bộ tộc của Pakistan và một lần nữa, tái củng cố vị thế của họ tại Trung Á. Một lần nữa, chúng ta phải dồn hết nỗ lực vào việc giải quyết tranh chấp, đặc biệt là cuộc tranh chấp giữa Israel với người Palestine. Sau đó, lẽ đương nhiên, các nỗ lực ngoại giao bao gồm việc tái thiết và củng cố lại các liên minh có tầm quan trọng trong việc giám sát các hoạt động khủng bố, và thực hiện công tác đó theo một đường lối không gây phẫn nộ cho các tín đồ Hồi Giáo nói chung.”

Nhà phân tích chiến lược Stevenson khuyến cáo rằng không nên để cho cuộc chiến tranh chống khủng bố làm Hoa Kỳ sao lãng trước các diễn biến có tính cách địa lý-chính trị khác, mà mặt ngoài, đôi khi có những điểm tương đồng với các vấn đề của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Ông Stevenson nói: “Sự chú tâm của chúng ta vào chiến dịch chống al-Qaida và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, và sự kiện chúng ta đang dồn các nỗ lực vào Iraq và cái cách mà cuộc chiến làm chúng ta phải chia trí và trải quá mỏng , kể cả về mặt ngoại giao lẫn quân sự, đã khiến chúng ta trở nên thiển cận, và có lẽ làm cho chúng ta sẵn sàng chối bỏ, ví dụ , khả năng nước Nga đang xử sự như thể họ là một siêu cường đang lên. Nước Nga cảm thấy họ có quyền lực nhờ vào sự giàu có do tài nguyên dầu hỏa mang lại, và sự lệ thuộc của các nước khác, đặc biệt các nước Châu Âu, vào nước Nga vì các thị trường dầu hỏa của họ, và sự kiện quyền lực mới đó dã cho phép Mascơva có quyền tự do hành động hơn. Một yếu tố khác là sự hiện diện lớn hơn của Hoa Kỳ tại vùng Trung Á, ít nhất là từ quan điểm của Mascơva, đã xâm phạm vào một khu vực mà Mascơva vẫn tin là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ.”

Nhà phân tích chiến lược Jonathan Stevenson kết luận ông hy vọng rằng những bài học rút tỉa được từ kinh nghiệm của giai đoạn kết thúc Chiến Tranh Lạnh sẽ giúp một thế hệ phân tích gia mới định hướng đi và cuối cùng chấm dứt được thời kỳ của khủng bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG