Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn trương


Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej vừa tuyên bố tình trạng khẩn trương ở thủ đô Bangkok sau khi những vụ đụng độ trong đêm vừa qua giữa những người biểu tình của hai phe thân và chống chính phủ đã gây tử vong cho một người và làm bị thương mấy mươi người khác. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của đài VOA tường thuật rằng quân đội đã được huy động để giúp cảnh sát ngăn chận những vụ bạo động trên đường phố.

Tình trạng khẩn trương đã bắt đầu có hiệu lực từ lúc 7 giờ sáng thứ ba giờ địa phương, vài giờ đồng hồ sau khi những vụ bạo động bùng ra ở thủ đô Bangkok.

Thủ tướng Samak cho biết lệnh khẩn cấp sẽ được áp dụng trong vòng 3 ngày. Theo lệnh này, tất cả những cuộc tụ tập từ 5 người trở lên đều bị cấm chỉ, các cơ quan truyền thông không được loan tải bất cứ điều gì gây phương hại cho sự ổn định, và các lực lượng an ninh có thể phong tỏa các tòa nhà trong trường hợp cần thiết.

Các trường công lập sẽ tiếp tục đóng cửa thêm vài ngày nữa. Nhưng tình hình yên tĩnh ở hầu hết các khu vực trong thành phố Bangkok, và các chuyến xe lửa điện và xe buýt nội thành vẫn hoạt động bình thường.

Ông Samak đã bác bỏ yêu cầu của Liên minh Dân chủ Nhân dân, gọi tắt là PAD, đòi ông từ chức. Các tòa án đã ra lệnh cho PAD chấm dứt cuộc vây hãm kéo dài cả tuần lễ nay ở các tòa nhà của chính phủ, nhưng các nhân vật lãnh đạo của nhóm này vẫn khuyến khích khoảng 5 ngàn người biểu tình ở nguyên tại chỗ.

Nhiều người đang lo ngại về việc bạo động có thể gia tăng hoặc các công đoàn có thể thực hiện lời đe dọa là sẽ cúp điện ở một số khu vực trong thành phố, ngưng các chuyến xe buýt, và ngăn chận đường xá của các phi trường khác sau khi đã làm như thế ở phi trường Surat Thani.

Ông Thitinan Pongsudirak, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn, e rằng tình hình căng thẳng có thể lan ra khỏi thủ đô.

Ông Thitinan nói: "Tình trạng tệ hại nhất có thể xảy ra cho chúng tôi là rối loạn xã hội và những vụ đổ máu lan ra khắp nước mà không thể kiểm soát được."

Quân đội đã được yêu cầu giúp đỡ cho cảnh sát ở Bangkok, và nhiều người bắt đầu lo ngại về việc có thể xảy ra một vụ đảo chánh quân sự mặc dù các viên chỉ huy trong quân đội đã tìm cách gạt bỏ mối quan tâm này.

Hồi tháng 9 năm 2006, sau nhiều tháng xảy ra những vụ biểu tình chống chính phủ, quân đội đã lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Những người biểu tình chống chính phủ tố cáo rằng ông Samak là tay sai của ông Thaksin, là người đã trốn sang Anh hồi gần đây để tránh những vụ xét xử về tội tham nhũng. Theo ông Thaksin, ông không làm điều gì sai trái và các cơ quan tư pháp có thái độ thiếu vô tư đối với ông.

Chính trường Thái Lan đã lâm vào tình trạng chia rẽ nghiêm trọng kể từ khi ông Thaksin đắc cử vào năm 2001. Những người thuộc tầng lớp trung lưu ở thành thị tố cáo ông là kẻ tham nhũng và lạm quyền, nhưng các chương trình kinh tế của ông đã giúp ông giành được sự ủng hộ rộng rãi của những người nghèo ở nông thôn và đô thị.

Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan đã biểu quyết để yêu cầu Tòa Bảo Hiến giải tán đảng Sức mạnh Nhân dân của ông Samak. Ủy ban này tố cáo rằng một nhân vật lãnh đạo của đảng này đã mua phiếu trong kỳ bầu cử quốc hội hồi năm ngoái.

Hiện chưa rõ là Tòa Bảo hiến có chấp thuận yêu cầu vừa kể hay không.

Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy sự rối loạn chính trị đã ảnh hưởng tới nền kinh tế. Chỉ số chứng khoán chính ở Bangkok đã giảm hơn 23% kể từ khi những vụ xuống đường biểu tình bùng ra hồi tháng 5. Và trong tuần này, nhiều du khách ở các nước Á châu đã hủy bỏ chương trình đi du lịch Thái Lan, vốn là một nguồn thu nhập quan trọng của vương quốc này.

Trong vài ngày qua, hệ thống xe lửa trên cả nước phần lớn bị tê liệt vì những vụ đình công và những phi đạo của các phi trường khu vực có nhiều hành khách nước ngoài cũng bị những người biểu tình chiếm đóng.

Kết quả là có hàng ngàn du khách ngoại quốc, phần lớn là người Âu châu và Á châu, đã bị mắc kẹt.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG