Vụ xâm lấn của Nga vào nước láng giềng Gruzia đã nảy sinh những nghi vấn mới về các kế hoạch mở rộng của khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO - thu nhận thêm các nước thành viên trước đây nằm trong Liên Bang Xô Viết cũ. Tháng 4 năm nay, các nước thành viên NATO đã đồng ý nên thu nhận Gruzia và Ukraina vào liên minh, và đề ra thời biểu thảo luận thêm về vấn đề này vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên Moscova quyết liệt phản đối việc 2 nước này gia nhập NATO vì vậy sự kiện Nga mở cuộc tấn công quân sự vào Gruzia đã làm nổi bật những tranh cãi về vấn đề mở rộng Liên Minh NATO. Từ Brussels thông tín viên Nina Maria Potts gửi về đài VOA bài tường thuật sau đây.
Trong nhiều thập niên qua, Liên Minh NATO phục vụ như một lực lượng bảo vệ Châu Âu để khỏi bị các nước thuộc Liên Bang Xô Viết vào thời đó tấn công. Sau khi khối các nước cộng sản này sụp đổ cách đây gần 20 năm, các quan hệ giữa Moscova và NATO đã cải thiện.
Nhưng quyết định mới đây của Nga xâm lấn lãnh thổ của Gruzia, một quốc gia có thể là 1 thành viên tương lai của NATO đã gây bất bình cho các nước trong liên minh.
Các quan chức NATO nói rằng các quan hệ giữa Moscova và NATO đã bắt đầu xấu đi ngay cả trước khi cuộc tấn công diễn ra.
Ông James Appathurai, người phát ngôn của NATO nói: “Các cuộc họp của chúng tôi đã thay đổi. Trước đây thì cuộc họp thường diễn ra trong không khí thư giãn đôi chút. Chúng tôi có nhiều quan điểm chung hơn là bất đồng. Bây giờ thì có những cuộc thảo luận tương đối thẳng thắn về các vấn đề như việc mở rộng khối NATO, về Kosovo, về những gì đang diễn ra ở Gruzia, là những vấn đề mà các nước thuộc liên minh NATO và Nga đều thấy khó đồng ý được với nhau.”
Việc mở rộng khối NATO là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng âm ỉ giữa Nga và các nước Tây Phương. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 4, các nước thành viên đồng ý rằng nên thu nhận Gruzia và Ukraina làm thành viên của liên minh.
Nga cực lực phản đối quyết định như vậy. Đại Sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly Churkin nhấn mạnh điểm này tại một cuộc họp báo để thảo luận cuộc khủng hoảng ở Gruzia.
Ông Churkin nói: ”Chúng tôi chưa bao giờ che giấu ý nghĩ rằng theo chúng tôi sự mở rộng khối NATO là sai và mỗi một đợt thu nhận thêm thành viên lại nảy sinh các vấn đề mới về an ninh, vã lại có những phương cách hữu hiệu hơn để đối phó với các vấn đề an ninh của Châu Âu và các nước Châu Âu ven Đại Tây Dương. Có nhiều cách hợp tác với sự tham gia của Nga hơn là loại trừ nước Nga ra.”
Thậm chí trước khi quân đội Nga đưa quân vào Gruzia hồi đầu tháng này, Đại Sứ Nga tại NATO, ông Dmitry Rogozin, cũng đã cảnh báo trong các cuộc phỏng vấn rằng việc mở rộng khối NATO để thu nhận cả các nước nằm giáp ranh với Nga sẽ là điều không thể chấp nhận được đối với Nga.
Ông Rogozin nói: “Có những mối quan hệ giữa NATO và Ukraina, giữa NATO và Gruzia, nhưng cũng có các quan hệ những giữa NATO và Nga. Tất cả đều do những cân bằng về quyền lợi. Quí vị phải xét đến quan điểm của chúng tôi và đừng đưa các cỗ máy quân sự đến gần biên giới của chúng tôi.”
Vấn đề mở rộng NATO đã làm nổi bật sự chia rẽ giữa các nước thành viên trong khối về những hậu quả từ việc nhận Gruzia và Ukraina vào tổ chức này. Một trong những vấn đề gây tranh cãi là liệu NATO có sẵn sàng bảo vệ 2 nước này hay không, trong các cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra với Nga, nếu họ trở thành thành viên của khối.
Điều 5 của hiệp ước NATO nói rằng một cuộc tấn công vào một nước thành viên của khối sẽ là một cuộc tấn công vào toàn thể các nước trong liên minh. Mặc dù Hoa Kỳ mạnh mẽ ủng hộ việc Gruzia và Ukraina trở thành thành viên NATO, Pháp và Đức phản đối việc này.
Đại sứ Nga Rogozin cảnh báo rằng một sự mở rộng khối NATO, bao gồm cả 2 nước đó, sẽ gây nguy hiểm cho tình trạng hiện nay.
Ông Rogozin nói: “Quan hệ giữa chúng ta sẽ trở nên lạnh nhạt. Hoa Kỳ và NATO sẽ mất sự ủng hộ rất quan trọng của Nga.”
Nga đã gia tăng sự hỗ trợ đối với một số hoạt động của NATO ở Afghanistan. Tuy nhiên một vài nhà phân tích nói rằng sứ mạng ở Afghanistan đưa ra một thách thức nghiêm trọng lâu dài khác cho liên minh. Hiện có khoảng 53,000 binh sĩ, kể cả nhân viên hỗ trợ của NATO ở Afghanistan để chiến đấu chống cuộc nổi dậy của Taliban ở đó.
Ông Nick Grono phó chủ tịch nhóm International Crisis Group, một tổ chức phi chính phủ tìm giải pháp ngăn chận các cuộc khủng hoảng quốc tế, nói rằng binh sĩ NATO đã không bảo đảm được an ninh ở miền nam Afghanistan trong một thời gian ngắn.
Ông Grono nói: “Và khi đưa binh sĩ gìn giữ hòa bình đến đó, chúng tôi không lấy làm lạ khi thấy quân nổi dậy hoạt động mạnh và dữ dội ở đấy.”
Các quan chức tại trụ sở NATO ở Brussels nói rằng mang lại ổn định cho Afghanistan cũng như mở rộng khối NATO về phía đông là 2 thách thức lớn nhất mà họ đang phải trực diện. Và các quan chức này nói rằng nước Nga đều có liên quan đến cả hai thách thức này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1