Một nhóm những người tỵ nạn từ vùng Darfur mới đây đã chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh tại Sudan, đã tụ họp tại phía bên kia biên giới của nước Cộng hòa Trung Phi ở miền bắc. Thay vì sống trong những trại tạm cư như những trường hợp của người tỵ nạn thông thường, những người này tự sinh sống theo cách của họ. trong một khu xóm ở ngoại ô thành phố Birao. Các nhân viên cứu trợ cho biết những người này thích sống như vậy. Nhưng người tỵ nạn thì nói rằng sự việc không hẳn là như vậy. Phóng viên Nico Colombant của đài VOA có một bài tường trình nói về sự quên lãng cũng như những thách đố trong một nước hầu như vô luật pháp là Cộng hòa Trung Phi này.
Những em trai người vùng Darfur đang bửa củi dưới ánh nắng giữa trưa gần khu xóm có những dãy lều lợp tranh bên ngoài trị trấn Birao. Những người đàn ông trở về từ những cánh đồng gần đó, với những chiếc máy phát thanh để sát tai, nghe tin tức từ Sudan, trong khi những phụ nữ cùng với con gái của họ đang giã ngô để sửa soạn nấu ăn. Gần đó, có tiếng trẻ con khúc khích cười.
Đời sống hình như yên bình tại đây, nhưng khoảng nửa năm trước, dân tỵ nạn nói họ đã phải chạy trốn để kiếm đường sống.
Anh Oumar Abdullahi thuật lại việc mọi người trong làng anh đều phải chạy thoát thân, sau khi ngôi làng bên cạnh bị đốt cháy rụi. Anh cho biết dân quân Janjaweed trong vùng Darfur tấn công tất cả mọi người có nước da đen xậm vì cho rằng những người này là thuộc thành phần phản loạn.
Anh Abdullah cũng cho biết rằng người dân ở quê anh gặp phải rất nhiều nguy hiểm khi ra ruộng đồng để canh tác, vì thế cho nên hầu như toàn bộ 300 người cùng làng với anh đã bỏ nhà cửa ra đi. Họ đã đi bộ tới nơi này.
Ông Toby Lanzer mới đây đã chấm dứt nhiệm vụ của phối trí viên viện trợ nhân đạo Liên hiệp Quốc tại Cộng Hòa Trung Phi. Ông nói rằng tuy có cả mấy trăm ngàn người bị dời cư và người tỵ nạn từ các nước Chad, Sudan, và Cộng hòa Trung Phi, nhưng sách lược của Liên hiệp quốc là không lập ra nhiều trại tị nạn.
Ông Lanzer giải thích: “Xét về phương diện hậu cần thì mọi việc sẽ được dễ dàng hơn nếu chúng tôi để cho họ sống trong các trại tỵ nạn, nhưng đó hoàn toàn không phải là điều mà chúng tôi muốn đạt được. Ở Cộng hòa Trung Phi chúng tôi có hai địa điểm giống như trại tạm cư. Một nơi chứa khoảng 3,000 người từ Darfur và một nơi khác trong vùng trung bắc đang có khoảng 6,000 người cư trú, giống như trại tạm cư vậy."
Ông Lanzer nói rằng các trại tạm cư thường tạo ra nhiều vấn đề thay vì giải quyết vấn đề.
Ông Lanzer nói: "Nói một cách tổng quát, hầu hết những hoạt động cứu trợ của chúng tôi là cố gắng tới được với những người sinh sống trong những cộng đồng nhỏ hoặc trong những cánh rừng gần nhà của họ, và khi làm như vậy chúng tôi giúp cho cuộc sống của họ được giống như họ sống một cách bình thường trong làng và đó là tình trạng mà chúng tôi muốn duy trì cho tới khi họ chọn lựa trở về nhà."
Đối với nhóm người đang sống tại Birao, tình trạng đó có phần chắc là sẽ không diễn ra trong một tương lai gần. Về việc này, người lãnh đạo của họ là ông Issoup Abdalah Adou Suleiman cho biết như sau.
Ông Suleiman nói đại ý rằng chỉ khi nào chiến tranh thật sự chấm dứt và tất cả những người tị nạn trở về từ Chad và Cộng hòa Trung Phi thì khi đó ông mới bắt đầu nghĩ tới việc đưa người làng của ông về quê.
Ông Suleiman nói thêm rằng cuộc sống ở Birao không phải là một cuộc sống nhàn hạ gì. Ông cũng than phiền về việc thiếu lương thực và nói rằng các tổ chức từ thiện chỉ giúp đỡ rất ít.
Ông Suleiman đan chiếu cói để bán cho binh sĩ duy trì hòa bình người Pháp trong lực lượng EUFOR đang giúp bảo đảm an ninh biên giới trong vùng giáp vơí Sudan. Những binh sĩ người Pháp trong đội quân duy trì hòa bình có căn cứ đóng gần đó, và giúp cho thành phố Birao và dân tỵ nạn ở đây được an toàn.
Chính thành phố này đã bị tấn công và tàn phá bởi quân nổi dậy Trung Phi vào năm 2007. Vụ xung đột này là một phần của nhiều cuộc xung đột trong khu vực mà cho tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Amed Moustapha, người tự phong là thị trưởng Birao, nói rằng: những người dân tỵ nạn từ Darfur được hoan nghênh tại Birao, nhưng ông không biết có thể tiếp nhận thêm bao nhiêu người nữa, vì đời sống tại đây rất khó khăn cho họ, và họ không lãnh được nhiều thực phẩm cứu trợ.
Ông Moustapha nói rằng giá cả quá cao trong những chợ tại địa phương, không có cách gì những người tỵ nạn lo nổi hai bữa ăn trong ngày với những gì họ kiếm dược hay trồng trọt được.
Trong khu xóm của họ, khi mặt trời lặn sau một ngày êm đềm, vài đứa trẻ tự bảo nhau học những đoạn kinh Koran. Và việc học tập này có thể nói là dịch vụ giáo dục duy nhất mà các em có được trong lúc này. Những cô gái khác đang quét dọn trước lều của họ hay kéo nước.
Những nhân viên y tế của các tổ chức từ thiện nói rằng những người tỵ nạn này đều khỏe mạnh. Những nhân viên cứu trợ nhấn mạnh rằng họ đối đãi với những người tỵ nạn giống như nhũng cư dân khác trong vùng Birao và không gây ganh tỵ cho những nhóm dân khác.
Nhưng những dân tỵ nạn thường được đối đãi khác hơn một chút như được lực lượng bảo vệ hòa bình người Pháp tới thăm và mua phẩm vật của họ hay được phân phát các phần ăn quân đội và những tấm vải nhựa của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế để giúp họ che chắn những túp lều thường bị dột trong mùa mưa.