Đường dẫn truy cập

NASA: 50 năm thăm dò vũ trụ


Tháng 7 năm 1958, Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia Hoa Kỳ - National Aeronautics and Space Administration, thường gọi tắt là NASA, được thành lập, chủ yếu để bảo đảm thắng lợi của nước Mỹ trong cuộc chạy đua vào không gian với Liên bang Xô viết cũ. Cuộc chạy đua này đã khởi đầu một năm trước đó, khi Liên bang Xô viết phóng thành công vệ tinh Sputnik và trở thành nước đầu tiên đưa một vật thể vào quỹ đạo Trái Đất. Trong câu chuyện 'Khoa học Không gian' hôm nay, Nguyễn Lê xin điểm lại những nỗ lực thăm dò vũ trụ của NASA trong 50 năm qua, dựa trên tường trình của TTV đài VOA Mario Ritter.

NASA bắt đầu hoạt động vào ngày 1 tháng 10 năm 1958 tại trụ sở chính ở Thủ đô Washington. Mục tiêu lớn đầu tiên của cơ quan này là chứng minh rằng con người có thể sống và làm việc trong không gian. Nỗ lực để đạt mục tiêu đó được gọi là Dự án Mercury. NASA chọn 7 phi công quân sự làm những phi hành gia không gian đầu tiên của nước Mỹ.

Cuộc chạy đua vào không gian

Nhưng vào tháng Tư năm 1961, Liên xô đưa phi công vũ trụ Yuri Gagarin vào quỹ đạo Trái Đất. Như thế NASA đã thất bại trong nỗ lực thực hiện mục tiêu đầu tiên của mình. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, Tổng thống Johh F. Kennedy giao phó cho NASA một mục tiêu to lớn hơn tất cả mọi điều mà con người có thể nghĩ tới vào thời đó.

Nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra tuyên bố sau đây vào ngày 25 tháng 5 năm 1961: “Tôi tin rằng quốc gia này nên cam kết thực hiện cho được mục tiêu đưa một người lên Mặt Trăng và đưa người đó an toàn trở về Trái Đất trước khi thập kỷ này kết thúc. Không có một dự án không gian nào trong thời kỳ này có tính cách ấn tượng hơn đối với nhân loại hoặc quan trọng hơn đối với việc thám hiểm không gian một cách lâu dài. Và cũng không có dự án nào khó khăn hơn thế hoặc tốn kém hơn thế trong việc thực hiện.”

Dự án Mercury là một thành công về mặt khoa học, đồng thời nó cũng là một thành công trong ý nghĩ của công chúng Mỹ. Tất cả 6 chuyến bay vào không gian đầu tiên đều được thực hiện bằng một phi thuyền nhỏ chỉ chở được một người. Ông Tom Wolf có viết một cuốn sách về những phi hành gia đầu tiên và các chuyến bay của họ, nhan đề là 'The Right Stuff'. Những phi hành gia can đảm này trở thành những anh hùng của nhân dân Mỹ. Một trong số những phi hành gia đó là John Glenn, người Mỹ đầu tiên bay trong quỹ đạo Trái Đất hồi năm 1962.

Bước kế tiếp là Dự án Gemini với những phi thuyền có thể chở được 2 phi hành gia. Các chuyến bay trong dựï án này cho thấy các phi hành gia có thể bay trong không gian, thực hiện những công tác phức tạp như ráp nối với các phi thuyền khác, và ngay cả làm việc ngoài khoảng không.

Chương trình Apollo


Dự án Apollo là nỗ lực cao nhất của NASA vào thời kỳ đó. Các phi thuyền Apollo có thể chở 3 phi hành gia, được phóng lên bằng một tên lửa khổng lồ kiểu Saturn 5, đây là kiểu tên lửa đầu tiên do NASA thiết kế đặc biệt cho các hoạt động thăm dò vũ trụ. Nhưng dự án này khởi đầu bằng một thảm kịch. Đầu năm 1967, 3 phi hành gia không gian tử nạn trong một cuộc phóng thử nghiệm phi thuyền Apollo Một.

Các nhà khoa học không gian Mỹ rút ra được những bài học quan trọng từ thảm kịch đó, và những chuyến bay kế tiếp đã được thực hiện thành công. Chuyến bay gây hồi hộp nhiều nhất là Apollo 11. Phi thuyền này cho hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin đổ bộ xuống vùng được gọi là Sea of Tranquility của Mặt Trăng.

Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đã theo dõi cảnh phi hành gia Neil Armstrong đặt chân lần đầu tiên lên Mặt Trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969. Sau đây là lời nói đầu tiên của con người thứ nhất bước xuống nguyệt cầu: “Đây là một bước chân nhỏ cho con người, nhưng là một bước chân vĩ đại cho nhân loại.”

Sau phi vụ Apollo 11, có năm chuyến bay khác đáp xuống Mặt Trăng, chuyến cuối cùng là Apollo 17 diễn ra năm 1972. Tổng cộng có tất cả 12 người Mỹ đổ bộ xuống Mặt Trăng. Ông Steven Dick, sử gia chính của NASA, đã viết về tác động của dự án Apollo đối với xã hội, đặc biệt là về hình ảnh Trái Đất nhìn từ nguyệt cầu. Ông viết: “Những tấm ảnh như tấm được đặt tên là 'Trái Đất Lên,' cùng những hình ảnh toàn bộ Trái Đất như một viên bi màu xanh nằm lơ lửng trong không gian, trông monh manh và không thấy rõ những địa giới quốc gia, đã vĩnh viễn làm thay đổi cách nhìn của loài người về địa cầu.”

Sự thành công của dự án Apollo đã kết thúc cuộc chạy đua vào không gian. Nó cũng tạo ra một cơ hội cho người Mỹ và người Nga hợp tác với nhau trong chuyến bay quốc tế đầu tiên vào vũ trụ - đó là Dự án Thử nghiệm Apollo-Soyuz được tiến hành trong tháng Bảy năm 1975. Dự án này là sự khởi đầu của mối quan hệ hợp tác trong không gian. Nó cũng đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đầu của chương trình các chuyến bay có người vào không gian của NASA.

Dự án tàu con thoi

Năm 1972, Tổng thống Richard Nixon ban hành một dự án không gian hoàn toàn mới, đưa vào hoạt động phi thuyền đầu tiên có thể dùng lại được nhiều lần của thế giới. Dự án này là chương trình tàu con thoi không gian, có tên gọi chính thức là Hệ thống Chuyên chở Không gian. Phi thuyền con thoi Columbia, một trong số 5 tàu quỹ đạo thuộc chương trình này, thực hiện phi vụ đầu tiên vào tháng Tư năm 1981.

Chương trình tàu con thoi đã đưa nhiều vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất và phóng nhiều phi thuyền thăm dò vũ trụ, như các phi thuyền Galileo và Magellan. Các phi thuyền con thoi cũng đưa kính thiên văn không gian Hubble vào quỹ đạo và đã thực hiên 4 chuyến bay bảo quản kính thiên văn dài 13 mét này. Hubble đã phát hiện được nhiều hành tinh bên ngoài hệ thái dương của chúng ta và xác nhận sự hiện diện của các hố đen. Nó còn giúp các nhà khoa học tìm hiểu về tuổi chính xác của vũ trụ.

Chương trình phi thuyền con thoi được kết hợp chặt chẽ với những nỗ lực quốc tế nhằm thiết lập một sự hiện diện thường trực của con người trong không gian. Phi thuyền con thoi đã giúp xây dựng Trạm Không gian Quốc tế, với đội bay đầu tiên lên công tác trên trạm hồi năm 2000. Người ta tin rằng việc xây dựng Trạm Không gian Quốc tế sẽ hoàn tất vào năm 2010. Chuyến bay cuối cùng của phi thuyền con thoi cũng sẽ được thực hiện vào năm đó.

Nhưng trong chương trình phi thuyền con thoi của NASA cũng đã xảy ra hai thảm kịch. Vào tháng Giêng năm 1986, tàu con thoi Challenger đã nổ tung 73 giây sau khi được phóng đi, làm thiệt mạng tất cả 7 phi hành gia trên tàu. Hai năm sau đó, chương trình phi thuyền con thoi nối lại hoạt động và thực hiện thành công 87 chuyến bay vào không gian. Nhưng thảm lịch lại xảy ra trong tháng Hai năm 2003. Tàu con thoi Columbia đã vỡ nát khi bay trở vào khí quyển Trái Đất, làm NASA bị mất thêm 7 phi hành gia nữa. Hai tai nạn này nhắc nhở mọi người về những hiểm nguy của việc du hành vũ trụ cũng như về lòng can đảm và những hy sinh của các phi hành gia.

Trong 50 năm qua, NASA cũng đã đưa các phi thuyền không người lái lên Mặt Trăng và nhiều hành tinh. Trong thập kỷ 1960, trước tiên cơ quan không gian của Hoa Kỳ bắt đầu thăm dò các hành tinh khác bằng các phi thuyền Mariner. Một loạt phi thuyền Mariner đã thám hiểm Sao Kim. Vài năm sau đó, phi thuyền Magellan lập bản đồ chi tiết của Sao Kim.

Năm 1974, phi thuyền Mariner 10 thăm dò Sao Thủy, hành tinh gần Mặt Trời nhất. Năm 2008, NASA đã trở lại Sao Thủy một lần nữa với phi thuyền Messenger.

Trong số những phi thuyền không người lái thành công nhất của NASA có Voyager 1 và Voyager 2. Hai phi thuyền này phát huy những thành quả của hai phi thuyền thăm dò không người lái Pioneer 10 và Pioneer 11 trước đó. Phi thuyền Voyager 1 đã lên thăm dò Sao Mộc và Sao Thổ.

Phi thuyền Voyager 2 thêm Sao Thiên vương và Sao Hải vương vào danh sách những hành tinh được NASA thăm dò. Voyager 2 phát hiện ra một số vành đai và nhiều mặt trăng nằm trong quỹ đạo của hai hành tinh này. Ngày nay, phi thuyền Voyager 1 đã bay vào vũ trụ xa hơn bất cứ vật thể nào do con người làm ra. Hiện nay phi thuyền này ở cách Mặt Trời gần 16 tỷ kilomét, nằm ngoài tầm ảnh hưởng của dòng chảy của các hạt được gọi là gió mặt trời.

Chuyến bay của phi thuyền Galileo đến Sao Mộc và của phi thuyền Cassini/Huygens đến Sao Thổ đã giúp tăng thêm sự hiểu biết của chúng ta về hai hành tinh khổng lồ này.

Thám hiểm Sao Hỏa

NASA đã thăm dò Sao Hỏa nhiều lần hơn bất cứ hành tinh nào khác. Hiện nay Sao Hỏa vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà khoa học đang dò tìm dấu hiệu của sự sống trên hành tinh này, bởi vì người ta đã biết là Sao Hỏa có nước. Phi thuyền Mariner thăm dò hành tinh này lần đầu tiên vào năm 1960. vào giữa thập kỷ 1970, các phi thuyền Viking 1 và Viking 2 gửi về Trái Đất những hình ảnh chụp được của Sao Hỏa. Chương trình phi thuyền Viking cũng cho đưa lên Sao Hỏa những thiết bị tự động để thử nghiệm và phân tích chất đất của nó.

Hơn 20 năm sau, NASA trở lại Sao Hỏa với Phi thuyền Global Surveyor, nhưng nhiều phi vụ trong dự án này bị thất bại. Tuy nhiên các phi thuyền như Mars Odyssey và Mars Exploration Rover đã thu thập được những số lượng thông tin khổng lồ về Sao Hỏa. Các xe thăm dò tự động có tên là Spirit và Opportunity hiện nay vẫn tiếp tục hoạt động trên hành tinh đỏ cùng với bộ phận đổ bộ được đặt tên là Phoenix, có nghĩa là Phượng hoàng.

Trong mấy phút qua chúng ta chỉ mới đề cập đến một ít trong số những chương trình đáng chú ý nhất của NASA trong quá khứ và hiện tại. Ngày nay, NASA là một cơ quan khổng lồ với gần 19 ngàn nhân viên làm việc tại 10 trung tâm chính trên khắp nước Mỹ. Ngân sách của cơ quan này cho năm 2009 vào khoảng 17 tỷ rưỡi đô-la.

Tương lai NASA

Hiện nay NASA đang hoạch định việc sản xuất các phi thuyền thuộc thế hệ kế tiếp, trong đó có Xe Orion cho đội thám hiểm và một bộ phận đổ bộ lên Mặt Trăng có thể dùng lại nhiều lần. NASA cũng có kế hoạch thiết lập một trung tâm để sản xuất điện trên Mặt Trăng trước năm 2024.

Thế nhưng việc đưa người lên Mặt Trăng trở lại cũng chỉ là một bước đầu khiêm tốn. Bất cứ nhân viên nào của NASA cũng có thể cho quý vị biết rằng Sao Hỏa là mục tiêu kế tiếp cho các chuyến bay có người điều khiển của Hoa Kỳ. Và cũng không có lý do nào khiến người ta nghĩ rằng ước mơ thám hiểm vũ trụ sẽ kết thúc sau khi mục tiêu đó đã được thực hiện.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG