Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vừa triển hạn thêm một năm nhiệm quyền của lực lượng duy trì hòa bình hỗn hợp Liên hiệp quốc-Liên hiệp Phi châu ở vùng Dafur của Sudan. Quyết định vừa kể được loan báo vào tối thứ năm, vài giờ trước khi nhiệm quyền đáo hạn. Từ trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, thông tín viên đài VOA Margaret Besheer tường thuật rằng toàn thể thành viên Hội đồng Bảo an đồng ý với nhau về việc triển hạn nhưng có ý kiến khác nhau về một vấn đề khác.
Việc triển hạn nhiệm quyền của lực lượng duy trì hòa bình vốn có tính chất thường lệ đã bị trì hoãn cho tới khuya thứ năm vì sự chống đối của Hoa kỳ.
Phía Mỹ phản đối một đoạn văn trong bản nghị quyết đề cập tới sự quan tâm về việc Tòa án Hình sự Quốc tế khởi tố Tổng thống Sudan về những hành vi tàn ác đã xảy ra ở Dafur trong 5 năm qua.
Hai tuần trước đây, công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế đã yêu cầu tòa án ra lệnh tróc nã Tổng thống Omar al-Bashir. Nhưng phải mất vài tháng nữa thì các thẩm phán của tòa án này mới quyết định về việc có chấp thuận yêu cầu đó hay không.
Rốt cuộc, đoạn văn mà Hoa kỳ phản đối vẫn được giữ nguyên trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Hoa kỳ quyết định không bỏ phiếu. 14 thành viên còn lại của Hội đồng đã bỏ phiếu tán đồng việc triển hạn thêm một năm thời hạn công tác của lực lượng duy trì hòa bình thường được gọi tắt là UNAMID.
Đại sứ Hoa kỳ tại Liên hiệp quốc, ông Alejandro Wolff tuyên bố rằng việc Hoa kỳ không bỏ phiếu không liên quan tới UNAMID mà liên quan tới vấn đề phạm tội mà không bị trừng trị.
Ðại sứ Wolff nói: "Lý do khiến chúng tôi không bỏ phiếu, như tôi đã nói rõ trong thông cáo của chúng tôi, có liên hệ tới một đoạn văn mà chúng tôi tin là sẽ đưa ra một tín hiệu sai lạc vào một thời điểm rất quan trọng - thời điểm mà chúng ta đang tìm cách loại bỏ tình huống phạm tội mà không bị trừng trị để thực thi công lý và giải quyết vấn đề tội phạm ở Dafur. Tín hiệu sai lạc này cho rằng có một cách để thoát khỏi sự trừng trị. Không có sự thỏa hiệp về vấn đề công lý. Bầu không khí của sự phạm tội mà không bị trừng trị đã tồn tại quá lâu."
Phó Đại sứ Indonesia tại Liên hiệp quốc, ông Hassan Kleib đã bày tỏ quan điểm của nhiều nước trong Hội đồng Bảo an tán đồng đoạn văn ghi nhận mối quan tâm của Liên hiệp Phi châu về lệnh khởi tố và nguyện vọng của liên hiệp này là Hội đồng Bảo an dùng quyền hạn của mình để tạm ngưng việc điều tra hoặc truy tố tổng thống Bashir trong một năm.
Ông Kleib phát biểu: "Hội đồng Bảo an cần tìm cách để ứng phó với những trở ngại có thể có đối với tiến trình hòa bình và nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Chúng tôi hy vọng là Hội đồng sẽ tích cực xem xét tới yêu cầu của các tổ chức đó, đặc biệt là của Liên hiệp Phi châu - đối tác của Liên hiệp quốc trong nỗ lực duy trì hòa bình và hòa giải chính trị ở Dafur."
Trước đó, một số các nhà ngoại giao Tây phương cho biết họ sẵn lòng thảo luận tại Hội đồng Bảo an về vấn đề tạm ngưng điều tra vì họ tin là họ có đủ số phiếu cần thiết để ngăn không cho yêu cầu tạm ngưng được chấp thuận.
Theo qui định, lực lượng UNAMID gồm có 26,000 binh sĩ, nhưng hiện giờ số binh sĩ duy trì hòa bình được bố trí ở Dafur chưa tới phân nửa con số đó. Liên hiệp quốc hy vọng sẽ bố trí 80% lực lượng này trước cuối năm nay.
Liên hiệp quốc cho biết ít nhất 200,000 người thiệt mạng và hơn hai triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi vụ xung đột Dafur bùng ra cách nay 5 năm. Chính phủ Sudan thì nói rằng chỉ có 10,000 người bị sát hại.
Đọc nhiều nhất
1