Miến Điện đã phê chuẩn hiến chương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, bao gồm các nguyên tắc chủ yếu về nhân quyền, bất kể sự chỉ trích về việc Miến Điện tiếp tục giam giữ hàng trăm tù nhân chính trị, trong đó có khôi nguyên giải Nobel hòa bình bà Aung San Suu Kyi. Sự phê chuẩn của Miến Điện diễn ra trong ngày khai mạc các cuộc đàm phán của hội nghị các vị ngoại trưởng trong khối ASEAN. Từ văn phòng Đông nam Á của đài VOA, phái viên Ron Corben ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Miến Điện đã trở thành nước thành viên thứ bảy của Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á phê chuẩn bản hiến chương, trong cuộc họp của các ngoại trưởng khối ASEAN tại Singapore. Hiến chương được sự đồng ý của ASEAN với 10 thành viên hồi tháng 11 năm ngoái, đề nghị các quốc gia Đông nam Á tuân thủ các nguyên tắc về dân chủ và nhân quyền.
Một khi hoàn tất, hiến chương này sẽ đề ra những quy luật chung cho các cuộc thương nghị về mậu dịch, đầu tư, môi trường và các lãnh vực khác, với mục đích biến khu vực thành một khu mậu dịch tự do trước năm 2015.
Mở đầu cuộc họp cấp bộ trưởng, Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore tuyên bố hiến chung cung cấp một khung sườn cải thiện việc thực thi thỏa thuận mà ông thừa nhận là đã có tính cách ‘manh mún.’ Chỉ có 30 phần trăm các thỏa thuận của ASEAN là được tôn trọng. Việc Miến Điện phê chuẩn hiến chương diễn ra giữa những lời chỉ trích của các nước ASEAN khác, trong đó có Philippin, Indonesia và Thái Lan, là những nước đã hoãn việc phê chuẩn cho đến khi Miến Điện cải thiện thành tích nhân quyền.
Mối quan tâm đặc biệt là việc tiếp tục giam giữ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi. Nhưng ông Lý Hiển Long nói rằng ASEAN sẽ tiếp tục xúc tiến, bất kể chủ trương của nhiều nước là từ chối không phê chuẩn hiến chương.
Ông Lý nói: “Việc phê chuẩn và thực thi hiến chương một cách đúng lúc tự thân nó sẽ là một tín hiệu cho thấy quyết tâm của ASEAN. Tuy nhiên, tiến độ của sự hòa nhập ASEAN không nên được định ra bởi các thành viên chậm chạp nhất, nếu không thì tất cả mọi việc sẽ bị trì trệ vì những vấn đề của một vài thành viên. Do đó, ASEAN đã quyết định thúc đẩy việc thực thi hiến chương mà không chờ tất cả 10 nước thành viên phê chuẩn.”
Trong một lời khiển trách Miến Điện được đưa ra trước đó, các vị ngoại trưởng đã công bố một thông cáo bầy tỏ sự thất vọng sâu xa trước việc chính phủ quân nhân gia hạn việc giam giữ bà Aung San Suu Kyi thêm 6 tháng nữa. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lý Hiển Long đã ủng hộ thỏa thuận 3 bên đã được điều giải giữa ASEAN, Miến Điện và Hoa Kỳ sau trận bão gây tác hại ở Miến Điện hồi tháng 5 khiến hơn 130,000 người chết hay mất tích.
Thỏa thuận đã giúp đưa thêm được ngoại viện đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông Lý nói rằng kết quả của thỏa thuận 3 bên này đã có tính cách rất tích cực.
Ông Lý nói: "Nỗ lực 3 chiều giữa ASEAN, chính phủ Myanmar và Liên hiệp quốc không được toàn hảo, nhưng tình hình rõ ràng là sáng sủa hơn so với trường hợp nếu như ASEAN không can thiệp để thuyết phục Myanmar hợp tác với cộng đồng quốc tế.”
Cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN diễn ra giữa lúc tình hình ngày càng căng thẳng giữa Thái Lan và Kampuchea trong cuộc tranh chấp xuyên biên giới về lãnh thổ quanh ngôi đền Khmer xây dựng hơn 900 năm trước. Có tất cả khoảng 5,000 binh sĩ đã được bố trí trong vùng, trong một cuộc tăng cường lực lượng từ vài ngày nay.
Ông Lý Hiển Long cho biết các vị ngoại trưởng đã yêu cầu Thái Lan và Kampuchea đưa ra những lời tái khẳng định rằng họ sẽ ‘thực thi tự chế tối đa’ để giải quyết vấn đề. Quân đội và các giới chức của Thái Lan và Kampuchea đã họp ngày hôm nay trong nỗ lực giảm nhẹ tình hình căng thẳng ở biên giới.
Tiếp theo hội nghị cấp bộ trưởng sẽ là những cuộc họp quan trọng với các quốc gia đối tác, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Ấn Độ, Australia, và New Zealand. Thứ năm tuần này, một diễn đàn an ninh khu vực quy tụ ASEAN và 16 quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ và Nga, sẽ toàn thành các cuộc họp.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1