Một cuộc vận động chính trị sôi nổi đang diễn ra ở Ấn Độ trong lúc
chính phủ liên hiệp do đảng Quốc Đại lãnh đạo chuẩn bị để đương đầu với
một cuộc biểu quyết bất tín nhiệm tại quốc hội. Chính phủ ở New Dehli
đã chọn lựa việc tiến hành cuộc biểu quyết sau khi các đảng tả khuynh
quyết định ngưng hậu thuẫn cho chính phủ liên hiệp để phản đối hiệp
định hạt nhân dân sự mà Ấn Độ ký kết với Hoa Kỳ. Từ New Dehli, thông
tín viên Anjana Parischa của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Chính
phủ liên hiệp do đảng Quốc Đại lãnh đạo cho biết một phiên họp bất
thường của quốc hội sẽ được triệu tập để tiến hành cuộc biểu quyết.
Chính
phủ hiện giờ chỉ có được sự ủng hộ của 225 dân biểu tại Hạ viện gồm 545
ghế. Họ đã mất đi thế đa số hồi đầu tuần này vì các đảng Cộng Sản trong
liên minh quyết định ngưng ủng hộ chính phủ.
Trước đó, các đảng
Cộng Sản nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ làm tất cả những gì mà họ có thể
làm để ngăn không cho chính phủ đúc kết một hiệp định hạt nhân dân sự
đã ký với Hoa Kỳ. Thỏa thuận này sẽ cho phép New Dehli được quyền tiếp
cận kỹ thuật hạt nhân dân dụng - một quyền mà Ấn Độ vốn không có vì
không chịu ký kết Hiệp định chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Chính
phủ của Thủ tướng Manmohan Singh cho hay: họ chỉ đúc kết hiệp định này
sau khi chứng tỏ là có được thế đa số ở quốc hội. Phát biểu ngày hôm
nay tại New Dehli, ngoại trưởng Pranab Mukherjee nói rằng chính phủ ông
tin là sẽ giành được thắng lợi trong cuộc biểu quyết ở Hạ viện.
Ông
Mukherjee nói: "Chia tay với cánh tả là một chuyện đáng buồn, nhưng
trên trường chính trị thì đây là một việc vẫn thường xảy ra. Chúng tôi
không hề cảm thấy bất bình. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng phải chấp
nhận thách thức này, với sự dũng cảm và niềm tin mạnh mẽ là chúng tôi
sẽ thắng. Mọi người chúng tôi ai nấy đều sẵn sàng để đương đầu với cuộc
biểu quyết ở Hạ viện."
Mặc dù vậy, đảng Quốc Đại không dám xem
thường mối rủi ro trước mắt và họ đang ra sức tranh thủ sự hậu thuẫn ở
quốc hội để không bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Hôm nay, các viên chức của
đảng đã họp kín với các đảng nhỏ để tranh thủ sự ủng hộ của càng nhiều
dân biểu càng tốt. Họ cũng lo ngại là một số dân biểu thuộc đảng
Samajwadi có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ.
Số phận của
chính phủ và hiệp định hạt nhân Ấn-Mỹ sẽ tùy thuộc vào kết quả của cuộc
biểu quyết sắp diễn ra trong tháng này. Nếu chính phủ thất bại, họ sẽ
phải tổ chức bầu cử trước hạn kỳ và thỏa thuận hạt nhân sẽ không thể
được xúc tiến.
Các đảng Cộng Sản ở Ấn Độ cho rằng thỏa thuận này
khiến cho quan hệ với Washington trở nên quá chặt chẽ và phương hại tới
chủ quyền của Ấn Độ. Giới lãnh đạo ở New Dehli thì nói rằng hiệp định
hợp tác hạt nhân với Hoa Kỳ giúp cho Ấn Độ bảo đảm được nguồn cung ứng
năng lượng trong tương lai.