Ngày nay, thông tin và công cụ để
truyền đạt và xử lý nó đã trở thành mạch sống của nhân loại. Con người
đã chứng tỏ rằng nếu thiếu xăng dầu, chúng ta có thể tạo ra những loại
nhiên liệu thay thế khác, nhưng nếu thiếu thông tin, con người sẽ đứng
trước những thảm họa khó lường, vì thông tin không phải sản phẩm của
trí thông minh và tài năng sáng tạo. Trong câu chuyện 'Khoa học và Đời
sống' hôm nay, Nguyễn Lê xin mang đến quý thính giả phần 1 trong loạt
bài nói về lịch sử diễn biến của những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ
dẫn đến Thời đại Thông tin ngày nay. Bài này dựa trên tường trình của
thông tín viên đài VOA Paul Thompson.
Truyền đạt thông tin
luôn luôn là một hoạt động cực kỳ quan trọng. Trong suốt lịch sử lịch
sử nhân loại, đã có một số thông tin được liệt vào hạng vô giá. Thiếu
thốn thông tin thường gây ra những thiệt hại khổng lồ về tiền bạc, và
có khi cả về sinh mạng.
Một thí dụ về chuyện này từng xảy ra gần
thành phố New Orleans thuộc bang Louisiana của Hoa Kỳ. Lúc đó nước Anh
và Hoa Kỳ đang có chiến tranh với nhau, gọi là cuộc Chiến tranh 1812.
Trận New Orleans là một trận đánh nổi tiếng. Cũng giống như trong mọi
trận đánh lớn khác, hàng trăm binh sĩ đã tử trận hay bị thương trong
cuộc giao tranh này.
Sau khi chiến sự kết thúc, cả hai phe Mỹ
lẫn Anh đều nhận ra rằng thật ra họ không cần phải đánh nhau. Trước đó
hai tuần, các nhà thương thuyết của hai nước đã ký một hiệp ước hòa
bình tại thành phố Ghent của nước Bỉ. Tuy nhiên tin tức về hòa ước này
đã không tới được Hoa Kỳ trước khi binh sĩ hai bên đụng độ tại New
Orleans. Trận đánh đó là một sự phí phạm khủng khiếp không cần thiết về
nhân tài vật lực. Bao nhiêu con người đã phải hy sinh mạng sống một
cách vô ích vì thông tin về hòa ước đã được truyền đi quá chậm.
Từ
thuở sơ khai của lịch sử nhân loại, thông tin đã di chuyển theo tốc độ
của ghe thuyền lướt sóng, tốc độ của ngựa phi, hay tốc độ của người đi
bộ.
Con người đã thí nghiệm những phương cách khác để truyền đạt
thông tin. Có người tìm cách dùng loài chim để mang các điện văn. Nhưng
rồi họ khám phá ra rằng đây không phải là một cách an toan để gửi hay
nhận thông tin.
Cuối cùng, một phương pháp nhanh chóng hơn đã
xuất hiện với việc sáng chế máy điện báo. Những máy điện báo hữu ích
đầu tiên được phát triển ở nước Anh và Hoa Kỳ trong thập kỷ 1830.
Máy
điện báo là dụng cụ đầu tiên dùng dây kim loại và điện để truyền đạt
thông tin. Máy điện báo gửi và nhận điện văn giữa hai địa điểm được nối
với nhau bằng dây điện báo. Người ở một đầu đường dây sẽ gửi thông tin.
Người ở đầu đường dây kia sẽ nhận thông tin.
Mỗi con chữ trong
bảng chữ cái và mỗi con số phải được gửi riêng bằng một dụng cụ gọi là
cần điện báo. Người thứ hai sẽ viết mỗi con chữ trên một tờ giấy khi
nhận được nó. Những tín hiệu quý vị vừa nghe là tiếng máy điện báo truyền đi hai lần tên đài của chúng tôi là VOA.
Trong
thập niên 1850, một người sử dụng cần điện báo vào hàng kiện tướng có
thể gửi đi từ 35 đến 40 từ một phút. Muốn gửi đi nhiều thông tin thì
phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Mặc dù vậy, máy điện báo đã giúp cư dân
trong các thành phố liên lạc với nhau nhanh hơn trước nhiều. Các trung
tâm đô thị lớn được nối với nhau bằng đường dây điện báo. Chẳng bao lâu
sau đó, máy điện báo đã có một ảnh hưởng to lớn đối với đời sống hằng
ngày của con người.
Máy điện báo cung cấp thông tin về đủ mọi
thứ. Chính phủ các nước, các doanh nghuiệp và cá nhân dùng máy điện báo
để gửi thông tin. Đồng thời, báo chí cũng dùng máy điện báo để nhận
những thông tin cần thiết để báo cho độc giả biết những gì đang xảy ra
trên thế giới. Các nhật báo thường phát hành 4 hoặc 5 ấn bản mỗi ngày
sau khi nhận được những thông tin về các sự kiện quan trọng qua máy
điện báo. Thời đó, máy điện báo là phương tiện nhanh chóng nhất để gửi
tin từ nơi này đến nơi khác.
Ngày 5 tháng 8 năm 1858, điện văn
đầu tiên được chuyển đi bằng một đường dây cáp dưới đáy Đại Tây Dương.
Đường dây cáp này nối liền Hoa Kỳ với Châu Âu bằng máy điện báo. Điều
này có nghĩa là một sai lầm khủng khiếp như trận đánh New Orleans sẽ
không xảy ra một lần nữa.
Những bản tin về các sự kiện thời sự
hằng ngày ở Châu Âu bắt đầu xuất hiện trên các nhật báo Mỹ. Đồng thời,
các tin tức về Hoa Kỳ cũng xuất hiện trên các nhật báo ở châu Âu. Lúc
bấy giờ, thông tin chỉ mất vài tiếng đồng hồ để đến được hầu hết mọi
thành phố lớn trên thế giới. Điều này đúng với những thành phố lớn được
nối liền với nhau bằng các đường dây điện báo. Tuy nhiên, nếu quý vị
sống trong một thị trấn nhỏ ở vùng nông thôn, cách xa một thành phố lớn
nhiều kilomét, thì tình hình lại khác. Quý vị có thể sẽ nhận được tin
tức chậm hơn một hay hai hôm, vì phải mất một hay hai hôm quý vị mới
nhận được báo từ các thành phố lớn.
Ngày 2 tháng 11, năm 1920,
đài phát thanh KDKA tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, cho
truyền đi chương trình phát thanh đầu tiên. Buổi phát thanh này loan
báo kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm đó.
Chỉ trong vòng
một vài năm ngắn ngủi, người ta đã có thể nghe được tin tức và thông
tin ở bất cứ nơi nào nhận được sóng vô tuyến. Máy thu thanh - hoặc là
cái đài -- không đắc tiền bao nhiêu. Do đó, hầu như ai ai cũng có ít
nhất một cái đài. Các phóng viên đài phát thanh bắt đầu trực tiếp
tường trình với thính giả từ các thành phố nơi đang diễn ra các sự kiện
quan trọng.
Các nhà lãnh đạo chính trị nhận ra rằng máy thu
thanh là một công cụ chính trị quý giá. Nó cho phép họ nói chuyện trực
tiếp với công chúng. Nếu quý vị có một máy thu thanh thì quý vị không
cần phải chờ nhận được báo hằng ngày mới biết được tin tức. Quý vị có
thể đón nghe những tin tức về những sự kiện quan trọng khi chúng xảy ra.
Một
vài người nhanh chóng nhận ra rằng thông tin là quyền lực. Trong thập
niên 1930, nhiều nước bắt đầu kiểm soát thông tin. Chính phủ nước Đức
Quốc xã là một thí dụ điển hình.
Trước và trong Thế chiến thứ
hai, chính phủ Đức Quốc xã kiểm soát tất cả các thông tin mà nhân dân
Đức nhận được. Chính phủ cũng kiểm soát tất cả các chương trình phát
thanh và báo chí. Người dân Đức chỉ được nghe hay đọc những gì mà chính
phủ muốn cho họ nghe hay đọc. Chuyện nghe đài phát thanh ngoại quốc là
một hành động phạm pháp.
Sau Thế chiến thứ hai, một sáng chế
mới xuất hiện, đó là truyền hình. Ở các quốc gia công nghiệp, truyền
hình nhanh chóng trở thành phổ biến trong hầu hết gia đình. Những công
ty lớn được thành lập để sản xuất các chương trình truyền hình. Những
công ty này được gọi là những hệ thống, mỗi hệ thống bao gồm nhiều đài
truyền hình liên kết với nhau và có khả năng phát chung một chương
trình cùng một lúc.
Hầu hết các chương trình được thiết kế
nhằm giúp vui người xem với các bộ phim truyện, các chương trình âm
nhạc và các chương trình trò chơi. Tuy nhiên, các đài truyền hình cũng
phát những tin tức và thông tin quan trọng về những sự kiện trên thế
giới, và cũng có cả những chương trình có mục đích giáo dục nữa. Con số
các đài phát thanh và truyền hình trên thế giới đã tăng lên rất nhiều,
cho nên các nhà độc tài khó kiểm soát thông tin hơn trước.
Trong
thập kỷ 1950, có hai sự kiện quan trọng có ảnh hưởng rất sâu sắc đến sự
truyền đạt thông tin. Sự kiện thứ nhất là một buổi truyền hình cho thấy
hình ảnh của miền duyên hải phía đông và miền duyên hải phía tây của
Hoa Kỳ cùng một lúc. Một đường dây cáp chuyển tải những hình ảnh này
nối liền hai vùng duyên hải. Nhờ đó, những khán giả xem chương trình
truyền hình này nhìn thấy Thái Bình Dương bên góc trái của màn hình và
Đại Tây Dương bên góc phải. Đây không phải là một phim tư liệu đã quay
sẵn từ trước. Người xem có thể thấy các phóng viên nói chuyện với nhau
mặc dù họ ở cách nhau một châu lục. Chính công nghệ hiện đại đã giúp họ
làm được điều đó.
Sự kiện thứ nhì diễn ra vào ngày 25 tháng 9
năm 1956. Đó là lúc dây cáp điện thoại đầu tiên đặt dưới đáy Đại Tây
Dương giúp người ta có thể gọi điện thoại trực tiếp từ Hoa Kỳ đến châu
Âu. Chưa đầy 6 năm sau đó, vào tháng 7 năm 1962, vệ tinh viễn thông đầu
tiên được đưa vào quỹ đạo trái đất. Một lần nữa, tốc độ truyền đạt
thông tin lại được tăng lên gấp bội.
Vào năm 1900, các nhật
báo của các thành phố lớn của Hoa Kỳ đã có thể cung cấp cho dân chúng
những thông tin về các sự kiện vừa xảy ra chỉ vài giờ trước đó. Giờ
đây, nhờ các vệ tinh viễn thông, cả các phương tiện phát thanh lẫn
truyền hình đều có thể cung cấp thông tin tức thời. Dân chúng trong các
làng xã nhỏ cũng có thể nghe hoặc xem các sự kiện trên thế giới ngay
vào lúc chúng đang diễn ra.
Một thí dụ tiêu biểu là khi phi hành
gia không gian Neil Armstrong của Mỹ trở thành con người đầu tiên lên
tới Mặt Trăng, hàng triệu người trên khắp thế giới đã nhìn thấy cảnh
ông thận trọng đặt chân lên nguyệt cầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1969.
Dân
chúng ở những thành phố lớn cũng như ở các thị trấn và làng xã nhỏ cũng
nhìn thấy sự kiện này ngay lúc nó đang diễn ra. Thông tin này được
truyền đi không một chút chậm trễ.
Một vài năm sau khi Phi
hành gia Neil Armstrong đặt chân lên Mặt Trăng, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ
bắt đầu tiến hành một cuộc thí nghiệm, và cuộc thí nghiện này dẫn tới
việc thiết lập một hệ thống có khả năng chuyển tải những số lượng thông
tin khổng lồ đến khắp nơi trên thế giới trong vòng vài giây. Các chuyên
gia gọi đó là sự khởi đầu của Thời đại Thông tin. Câu chuyện về cuộc
thí nghiệm đó sẽ được chúng tôi mang đến quý vị trong câu chuyện 'Khoa
học và Đời sống trong tuần tới.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1