Cựu Thủ Tướng Sheikh Hasina của Bangladesh đã rời khỏi nước để đi Hoa Kỳ chữa bệnh. Việc chấp nhận cho bà được ra nước ngoài chữa bệnh trong lúc đang chờ bị đưa ra tòa xét xử về tội tham nhũng đã giải quyết được một bế tắc chính trị đe dọa tới cuộc tổng tuyển cử ở Bangladesh trong năm nay. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết về vấn đề này qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Steve Herman, gởi về từ New Delhi.
Một trong hai Cựu Thủ Tướng của Bangladesh đã rời khỏi nước. Bà Sheikh Hasina đã đáp phi cơ ra nước ngoài từ Dhaka ngày hôm nay, một ngày sau khi chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn cho bà được tự do tạm trong vòng tám tuần lễ. Bà Hasina sẽ được điều trị tại Hoa Kỳ vì thính giác của bà bị tổn hại trong vụ nổ bom để mưu sát bà năm 2004.
Các công tố viên nói rằng, tiến trình xét xử bà về tội tham nhũng sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian bà không có mặt trong nước. Liên Đoàn Awami là đảng chính trị lớn nhất tại Bangladesh và bà Hasina, con gái của nhà lãnh đạo lập quốc, là người nắm trọn quyền lãnh đạo đảng và cũng là một nhân vật có ảnh hưởng lớn. Ông Tofail Ahmed, cựu Bộ Trưởng Thương Mại Bangladesh, nói rằng, đảng Liên Đoàn Awami có đủ khả năng hoạt động hữu hiệu khi Sheikh Hasina ở nước ngoài.
Ông Ahmed nói: "Khi bà Sheikh Hasina vắng mặt ủy ban thường vụ ban chấp hành trung ương đảng, trong đó có tôi, sẽ cùng nhau tham gia trong mọi quyết định. Và chắc chắn rằng dù bà Sheikh Hasina đang ở đâu thì chúng tôi cũng cố gắng để tiếp xúc hầu có được sự tư vấn của bà, cũng như quyết định của bà. Tôi nghĩ rằng đảng sẽ được điều hành tốt. Không có vấn đề gì cả."
Có tin cho hay trước khi lên đường, bà Hasina đã nói chuyện điện thoại với ông Fakhruddin - người đứng đầu chính phủ tạm quyền. Một viên cố vấn của chính phủ cho báo chí biết rằng giới lãnh đạo lâm thời đang xúc tiến điều mà ông gọi là 'cuộc đối thoại chính thức' với Liên đoàn Awami để dọn đường cho cuộc bầu cử.
Bà Khaleda Zia, người từng hai lần giữ chức thủ tướng và là đối thủ bà Sheik Hasina, vẫn còn bị giam vì các cáo giác tham nhũng. Người đứng đầu đảng Quốc dân Bangladesh này đã khước từ một đề nghị tương tự là nếu bà đồng ý ra nước ngoài thì bà sẽ được tạm tha để chữa bệnh.
Một số các nhà phân tích chính trị tin rằng chính phủ lâm thời muốn hai nữ chính khách này không có mặt trong nước cho tới khi cuộc bầu cử quốc hội kết thúc vào tháng 12. Các vị bộ trưởng của chính phủ tạm quyền do quân đội hậu thuẫn cho biết rằng họ muốn rời khỏi chức vụ trước cuối năm nay và giao quyền cho những người kế nhiệm dựa theo kết quả của cuộc bầu cử dân chủ.
Tình trạng hỗn loạn và những vụ bạo động trên đường phố, mà người ta cho là do những người ủng hộ của hai đảng chính trị lớn gây ra, đã đưa tới việc ban bố tình trạng khẩn trương và khiến cho quân đội ủng hộ cho việc triển hạn thời gian công tác của chính phủ tạm quyền.