Các chiếc tàu của hải quân Mỹ chở vật phẩm cứu trợ cho các nạn nhân bão lốc tại Miến Điện đã rời khỏi khu vực này vì văn phòng Miến Điện từ chối sự trợ giúp đó. Từ Bangkok, thông tín viên Ron Corben của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tường trình rằng các cơ quan cứu trợ quốc tế đang nỗ lực cứu giúp cho hơn 2 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng của trận bão rất tiếc là đã mất đi một nguồn trợ giúp lớn từ các chiếc tàu hải quân này.
Chiếc hạm USS Essex và nhiều tàu hỗ trợ khác đang rời khỏi vùng biển gần Miến Điện sau ba tuần lễ thả neo chờ đợi để chuyển hàng cứu trợ đến tay các nạn nhân trận bão Nargis.
Tàu hải quân của Pháp cũng đã bỏ cuộc, trong cố gắng nhằm chuyển hàng cứu trợ để giúp các nạn nhân ở Miến Điện, và đang rời khỏi vịnh Bengal.
Chính phủ Miến Điện đã bác bỏ những đề nghị sử dụng máy bay trực thăng quân sự của các nước khác để chuyên chở hàng cứu trợ.
Thay vào đó, hồi tuần trước Chương trình Lương thực Thế giới nhận được sự các vật phẩm cứu trợ chở trên hai chiếc máy bay trực thăng từ châu Phi gởi đến, thế nhưng các chuyên gia nói số lượng ấy không đủ để đáp ứng nhu cầu.
Ông Paul Risley, người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới, nói thật đáng tiếc là đội máy bay trực thăng của hải quân Mỹ nay không còn chờ sẵn để giúp chuyển vật phẩm cứu trợ đến giúp người dân trên khắp châu thổ sông Irrawaddy.
Ông Risley nói: “Và đây là một điều đáng tiếc thật sự bởi vì các chiếc máy bay trực thăng này có khả năng không vận ngay lập tức những lượng hàng cứu trợ lớn đến những nơi cần thiết, và đáng lẽ ra đó chính là phương án cơ bản để Liên Hiệp Quốc và các cơ quan cứu trợ sử dụng để cứu hộ trong thiên tai này.”
Máy bay trực thăng quân sự của nhiều nước đã đóng một vai trò thiết yếu trong nỗ lực cứu hộ sau thiên tai sóng thần năm 2004 tại Indonesia. Và cũng chính phương tiện này đã được dùng trong công tác cứu hộ sau thiên tai bão lốc tại Bangladesh hồi năm ngoái.
Giới truyền thông nhà nước Miến Điện nói chính phủ nước này đã từ chối không cho phép các máy bay quân sự Mỹ bay đến Miến Điện, bởi vì họ sợ sẽ bị xâm lược mặc dù các quan chức Mỹ đã khẳng định rằng mục đích của Hoa Kỳ là đưa các vật phẩm cứu trợ vào Miến Điện.
Thiên tai bão lốc quét vào Miến Điện hồi tháng trước đã làm thiệt mạng hơn 78,000 người, đẩy 56,000 người khác vào tình trạng vô gia cư, và khiến hơn 2 triệu người đang cần được trợ giúp lương thực, nơi tạm trú và các dịch vụ chăm sóc y tế.
Các nhà cấp viện quốc tế lên án chính phủ Miến Điện đã cản trở các nỗ lực cứu trợ. Các quan chức chính phủ Mỹ nói hành động cản trở đó đã khiến hàng chục ngàn người nữa bị thiệt mạng.
Liên Hiệp Quốc và ASEAN mới đây đã đạt được một thỏa thuận với Miến Điện để cho phép các nhân viên cứu trợ quốc tế tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận bão Nargis.
Tuy nhiên hôm thứ tư vừa qua, các quan chức Liên Hiệp Quốc nói rằng tác cứu hộ cần được nhanh chóng mở rộng bởi vì cho đến nay chỉ có khoảng 1 triệu 300 ngàn người đã nhận được sự giúp đỡ của quốc tế.
Vùng châu thổ sông Irrawaddy là khu vực sản xuất lúa gạo chính của Miến Điện, nhưng theo đánh giá của các các quan chức Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư thì khoảng 60% diện tích trồng lúa đã bị thiệt hại trong trận bão, trong khi đó khoảng 16% diện tích bị thiệt hại nặng và không thể được canh tác cho mùa tới vào khoảng tháng 7 này.
Phát ngôn viên Risley của Chương trình Lương thực Thế giới nói lượng lương thực cứu trợ cho các nạn nhân ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể đủ cung cấp trong vòng một năm.
Ông Risley nói: “Trong những hoàn cảnh như vậy, thông thường Chương trình Lương thực Thế giới sẽ tiếp tục cung cấp lương thực theo khẩu phần bằng cách chuyển đến cho các gia đình nạn nhân và các nông dân tại vùng châu thổ Irrawady trong vòng 6 tháng tới, cho tới mùa thu hoạch kế tiếp. Có lẽ mùa thu hoạch không thể kéo dài cả năm.”
Các quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết nhiều gia đình nông dân đã không trở về lại với ruộng đồng của họ bởi vì họ không có thức ăn, nơi trú ngụ và nông cụ. Ngoài ra hệ thống đường sá giao thông trong khu vực này vẫn chưa sử dụng lại được.