Đường dẫn truy cập

Hội đồng Nhân quyền LHQ mở phiên họp về khủng hoảng lương thực


Đại diện của các nước tham gia phiên họp đặc biệt do Liên hiệp quốc bảo trợ về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nói rằng nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng giá lương thực tăng cao thì những kết quả đạt được trong nỗ lực giảm đói nghèo sẽ bị triệt tiêu. Các đại biểu cảnh báo rằng tình trạng này sẽ khiến cho tình hình bất ổn gia tăng. Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc gồm 47 nước thành viên kêu gọi chính phủ các nước phải thực thi những biện pháp đáp ứng nhu cầu lương thực cấp thiết của người dân. Thông tín viên Lisa Schlein của VOA tường trình từ Geneve như sau.

Liên hiệp quốc ước tính hơn 850 triệu người trên khắp thế giới đang bị đói kém, và khoảng hai tỉ người thiếu ăn. Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em sẽ gây nên những bệnh tật kéo dài trong suốt cuộc đời của các em.

Quyền được có đủ ăn và không bị đói kém luôn được qui định trong luật quốc tế. Trong lúc chuẩn bị triệu tập hội nghị này, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc đưa ra luận cứ rằng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay là một sự vi phạm nhân quyền rộng lớn.

Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị, Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Louise Arbour, nói với các đại biểu rằng lương thực thiếu hụt và giá cả gia tăng đang tác hại cho an sinh và quyền của vô số người dân trên thế giới.

Bà Arbour nói: “Tại nhiều khu vực, thiên tai hoặc các chính sách sai lầm, hoặc cả hai, càng khiến cho những tình cảnh vốn dĩ đã nghiêm trọng tăng lên gấp bội, và gây thảm họa cho thành phần dân số chịu thiệt thòi nhất và bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội.

Bà Arbour không nêu tên nước nào cụ thể, tuy nhiên phát biểu của bà phản ánh những gì diễn ra trong thiên tai mới đây tại Miến Điện, nơi mà chính phủ đã làm cho thảm họa từ cơn bão lốc Nargis tăng lên gấp bội bằng cách không cho phép hàng cứu trợ và các đội cứu hộ quốc tế đến với hơn 2 triệu rưỡi nạn nhân.

Bà Arbour nói rằng cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới hiện nay bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó tình trạng mất cân đối về cung cầu, và các chính sách thương mại không công bằng. Bà cảnh báo rằng nếu không có các giải pháp để khắc phục tình trạng khủng hoảng lương thực này một cách thấu đáo, nó có thể gây ra những tác động dây chuyền, đe dọa đến những quyền cơ bản khác, trong đó có các quyền được chăm sóc y tế và giáo dục.

Có rất ít các vấn đề tự nó là một bằng chứng mạnh mẽ như vấn đề này, về quyền của mỗi cá nhân và hành động của tập thể, và về những bất bình đẳng không thể dung thứ được đã ảnh hưởng đến hàng triệu con người mà lỗi không phải do họ gây ra.

Giá các loại lương thực chính như gạo, lúa mì, bắp và dầu ăn đã tăng hơn gấp đôi tính từ tháng Ba cho đến nay. Tình trạng này đã sinh ra bạo động tại hơn 40 quốc gia nghèo trên thế giới, nơi mà người dân phải chi đến 80% thu nhập của họ cho thực phẩm.

Theo ông Olivier De Schutter, người vừa được bổ nhiệm để soạn thảo một báo cáo đặc biệt về quyền được no đủ, thì nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực là do một phần lớn nông sản được dùng cho công nghiệp chế biến nhiên liệu sinh học, thay vì dùng làm lương thực.

Trong bài phát biểu tại hội nghị lương thực, ông đã lập lại kêu gọi ngưng các khoản đầu tư mới vào lãnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học, và ông cũng kêu gọi Hoa Kỳ và châu Âu hãy xem xét lại các chính sách của họ, vì các chính sách đó vừa có hại cho môi trường vừa gây nên tình trạng thiếu lương thực.

Ông De Shutter nói: “Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là một bằng chứng sống động cho thấy tất cả các nước trên thế giới cần phải có những biện pháp thích hợp hơn nhằm bảo vệ cho các khối dân số khỏi bị ảnh hưởng của những tai hại ở tầm cỡ như vậy.

Ông Schutter nói rằng ủng hộ cho ngành nông nghiệp tại các nước đang phát triển là điều rất quan trọng, nhất là đối với các nhà tiểu nông. Ông nói cần phải cấp bách hỗ trợ hạt giống và phân bón cho các nhà nông loại nhỏ này trước khi kết thúc thời gian gieo trồng vào tháng 6 để chuẩn bị cho mùa thu hoạch kế tiếp.

Ông nói rằng các vùng nông thôn nên chú trọng đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi và giao thông. Ông còn kêu gọi các nước bãi bỏ những chính sách bảo hộ mậu dịch để nông sản của các nước nghèo có thể tiến vào được thị trường toàn cầu một các công bằng hơn.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG