Ngày thứ hai 19 tháng này, các đại diện của khoảng 100 quốc gia dự trù tề tựu tại Dublin ở Ireland để thiết lập một quy ước cấm bom chùm. Nhưng các cường quốc quân sự trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Nga và Trung quốc, sẽ không nằm trong số các quốc gia này. Biên tập viên Gary Thomas của đài VOA tìm hiểu về cuộc vận động này cấm bom chùm và nguyên do vì sao cuộc vận động lại gặp phải sự chống đối.
Cuộc vận động cấm bom chùm là hậu thân của một cuộc vận động cấm mìn và cũng gồm phần lớn các nhân vật đã tham gia cuộc vận động trước. Cũng như trong nỗ lực chống mìn trước đây, những người vận động chống bom chùm muốn có một hiệp định quốc tế cấm việc sử dụng bom chùm.
Ông Steve Goose giúp thành lập Ban vận động cấm bom chùm, một liên minh gồm những người tranh đấu cho hòa bình và nhân quyền, và là một tổ chức phi chính phủ chính đứng sau phong trào chống bom chùm. Ông nói rằng loại bom này là những vụ khí nguy hiểm giết hại và gây thương tật thường dân một cách bừa bãi.
Ông Goose nói: “Khi hàng trăm hay có khi hàng ngàn các đạn dược phụ được phóng ra từ những quả bom riêng rẽ, thì chúng tỏa ra một khu vực nhiều khi rộng tương đương với diện tích nhiều sân banh, và ta không thể nhắm mục tiêu một cách chính xác hoặc ngay cả nhắm gần với mục tiêu quân sự. Vì thế khi được sử dụng trong các khu vực nơi đang có thường dân hoặc thường dân sẽ trở về, thì hậu quả là số thương vong thường dân vượt mức và có thể tiên đoán được.”
Nhưng cũng như trong trường hợp hiệp định về mìn chôn, các cường quốc quân sự chính như Hoa Kỳ, Nga và Trung quốc đều chống đối lệnh cấm. Đây là những nước chế tạo, bán và nhiều khi đã sử dụng bom chùm. Ông Richard Kidd, giám đốc văn phòng Giảm thiẻu và Loại trừ Vũ khí, nói rằng bom chùm là một công cụ cần thiết trong kho vũ khí quân đội của một quốc gia.
Ông Kidd nói: "Theo các quy luật về vật lý, hóa học và hình học, bom chùm là cách hữu hiệu nhất để đưa các đạn dược quy ước đến một mục tiêu trong khu vực. Các mục tiêu này sẽ là một đặc điểm trên tất cả các chiến trường trong tương lai. Vì thế, thực sự không còn nghi ngờ gì về công dụng quân sự của bom chùm. Vấn đề là, liệu chúng ta có thể bảo toàn được công dụng đó trong khi làm cho đạn dược an toàn hơn đối với thường dân hay không. Câu trả lời là 'Có'.”
Trong ngôn từ quân sự có tính cách mô tả một cách lạnh lùng, bom chùm là những loại đạn dược được thả từ trên không hay bắn đi từ dưới đất, phóng ra hàng trăm quả bom phụ nhỏ hơn, trong phạm vi một khu vực rộng lớn. Các quả bom nhỏ này sau đó sẽ trải ra khu vực này những viên đạn nhỏ hay những loại đạn chống tăng hoặc chống người.
Binh sĩ Iraq là phía hứng chịu các loại bom chùm trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh đã gọi loại bom chùm này là ‘mưa thép.’ Hoa Kỳ đã sử dụng loại vũ khí này rất nhiều trong thời Chiến tranh Việt Nam và trong cuộc tiến chiếm Iraq năm 2003.
NATO đã thả bom chùm xuống nước Nam Tư cũ hồi thập niên 1990 và lực lượng do Hoa Kỳ đứng đầu đã sử dụng chúng tại Afghanistan để giúp đánh bại phe Taliban đang cầm quyền năm 1991. Nga đã bị cáo buộc là sử dụng loại vũ khí này ở Chechnya và Israel đã thả bom chùm xuống Liban năm 2006.
Ông Steve Goose, còn là Giám đốc điều hành phân ban vũ khí của tổ chức Human Rights Watch, nói rằng bom chùm đề ra một mối nguy hiện ngay cả sau khi đã rớt xuống đất.
Ông Goose nói: “Nó có liên quan đến cuộc vận động cấm mìn, nhất là ở điểm một trong hai đặc điểm chính ghê khiếp của các loại bom chùm là chúng không tác động theo đúng chủ định – nghĩa là nếu chúng không nổ lúc chạm xuống đất – thì về cơ bản, chúng trở thành những trái mìn chống người nhỏ bởi vì thông thường chúng vẫn còn nổ được, khiến cho chúng rất nguy hiểm. Nếu đụng, đạp phải chúng, nhặt chúng lên hay làm mọi thứ khác thì chúng sẽ nổ. Nhưng bom chùm không được sử dụng nhiều như mìn. Cuộc vận động này xét về nhiều mặt là một cuộc vận động phòng chống.”
Nhưng ông Richard Kidd của bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ sự so sánh giữa mìn và bom chùm. Ông nói rằng bom chùm không tệ nếu được sử dụng một cách có trách nhiệm, và các nỗ lực đang được tiến hành để làm cho chúng an toàn hơn, để chúng có thể nổ theo đúng chủ định.
Ông Kidd nói: “Thứ nhất là, bom chùm không có tác động chút nào giống như mìn xét về mặt nhân đạo. Thứ hai, bom chùm đã chứng tỏ công dụng quân sự. Và nay với kỹ thuật mới, công dụng quân sự đó thực sự sẽ gia tăng khi chúng ta thêm vào những thiết bị định hướng bổ sung...Và thứ ba, nữa, triển vọng của kỹ thuật mới này sẽ khiến cho vũ khí này an toàn hơn nữa so với ngày nay.”
Chưa rõ được con số chính xác bom chùm chưa nổ nằm rải rác khắp nơi. Liên minh Bom chùm nói rằng không có những số liệu có thể kiểm chứng được về con số thường dân bị thiệt mạng hay bị thương vì bom chùm, nhưng con số thương vong rất đáng kể. Hoa Kỳ đang thành lập một ‘lực lượng phản ứng nhanh’ gồm các chuyên viên chất nổ để xử lý các mối đe dọa của bom mìn còn sót lại trên khắp thế giới.
Theo Bộ Ngoại giao, năm ngoái Hoa Kỳ chi 65 triệu đôla để tháo ngòi mìn và bom chùm, nhưng chỉ có 1 triệu rưởi đôla được dành cụ thể cho việc dọn bom mìn chưa nổ, phần lớn ở Lào và Liban. Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng khoản tiền nhỏ đã chi ra phản ánh mối nguy hiểm nhỏ do bom chùm chưa nổ đề ra. Ông Richard Kidd cho rằng có những vấn đề nhân đạo khác cấp thiết hơn là bom chùm.
Ông Kidd nói: “Mặc dù chúng ta không muốn tỏ ra vô tình trước mọi tổn thất sinh mạng, bởi vì sự tổn thất nào cũng bi thảm và mọi sinh mạng đều thiêng liêng, khi chúng ta phải có các quyết định về tài nguyên có liên quan đến nơi chốn và cách thức sử dụng các ngân khoản để ngăn ngừa sự thiệt hại về mặt nhân đạo, có nhiều lãnh vực khác thực sự chiếm ưu tiên cao hơn là bom chùm.”
Nhưng ông Steve Goose nói rằng Hoa Kỳ không những cần phải xử lý vấn đề, mà còn câàn phải tìm ra một giải pháp.
Ông Goose nói: “Cũng giống như vấn đề mìn, Hoa Kỳ đã dành ra một khoản tiền khổng lồ để tìm cách sửa chữa tai hại. Nhưng cũng như mìn, sửa chữa tai hại chưa đủ. Ta còn cần phải tìm hiểu nguyên do chứ không phải chỉ sửa sai mà thôi.”
Ông Kidd nói rằng Hoa Kỳ tin rằng một diễn đàn khác, đó là cuộc Hội thảo về một số vũ khí quy ước, là nơi thích hợp để thảo luận vấn đề. Nhưng ông Goose nói rằng cuối cùng, một hiệp ước về bom chùm có thể tác động đến cách hành sử của quốc tế, ngay cả với các quốc gia không ký hiệp ước.
Ông Goose nói: “Ngay cả trong trường hợp các nước này tránh xa, chúng tôi nghĩ rằng tiến trình này đã và sẽ tiếp tục xác lập một tiêu chuẩn mới về cách hành sử, một quy định quốc tế chống lại vũ khí này nhằm bêu xấu chúng, làm cho ngay cả những người không tham gia hiệp ước phải hành động phù hợp với hiệp ước. Đây là một trọng những bài học chủ chốt mà chúng ta học được qua hiệp ước cấm mìn."
Ban tổ chức hội nghị Dublin hy vọng sẽ đạt được một hiệp ước cấm chỉ việc sử dụng, chế tạo, dự trữ và chuyển nhượng bom chùm sẽ được ký bởi các quốc gia tham dự hội nghị tại Oslo vào tháng chạp. Tuy nhiên, một số chính phủ tham gia hội nghị tỏ ra dè dặt về ngôn từ trong bản dự thảo hiệp ước và dự tính sẽ duyệt lại hiệp ước trong các cuộc thương lượng.