Thượng nghị sĩ Barack Obama đã tiến một bước vĩ đại để được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh chức Tổng thống sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ hôm thứ ba trong bang North Carolina, và thua sít sao trong bang Indiana. Dư luận tin rằng trong những ngày sắp tới áp lực đối với bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Obama, sẽ gia tăng , khiến cho bà bỏ cuộc trong cuộc vận động tranh cử để vận động các đảng viên Dân Chủ đoàn kết sau lưng ông Obama. Thông Tín Viên đài VOA Jim Malone ghi nhận ý kiến của một số nhà phân tích thời cuộc của Hoa Kỳ về vấn đề này:
Nhà phân tích Larry Sabato, Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại trường đại học Virginia nhận định rằng cuộc đua đang đến hồi kết thúc theo logic của nó và nếu không có những diễn biến lớn đột xuất không lường trước được, ông Obama sẽ là người được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh chức Tổng thống.
Hy vọng còn lại duy nhất của bà Clinton là có thể thuyết phục được các siêu đại biểu chưa đứng về phía nào, rằng bà sẽ là ứng cử viên mạnh hơn ông Obama trong cuộc đua với ông McCain vào tháng 11 năm nay.
Siêu đại biểu là những quan chức thuộc đảng Dân Chủ và các nhà hoạt động tích cực cho đảng. Họ có thể hậu thuẫn cho bất cứ ứng cử viên nào mà họ muốn, bất kể các kết quả họp bầu và bầu cử sơ bộ trong bang của họ có như thế nào đi nữa.
Trong gần 800 siêu đại biểu của đảng Dân chủ, khoảng 500 người đã tuyên bố ủng hộ cho ông Obam hoặc bà Clinton; số còn lại vẫn chưa quyết định. Trong hai ứng cử viên không người nào đạt được đủ số đại biểu trong các cuộc bầu cử sơ bộ còn lại để dứt khoát được đảng đề cử, vì vậy sự hậu thuẫn của các siêu đại biểu sẽ là yếu tố quyết định.
Nhiều chuyên gia dự kiến ông Obama sẽ có thêm siêu đại biểu ủng hộ, sau các kết qua bầu cử sơ bộ hôm thứ ba.
Ông Bill Beaman, tổng biên tập của tạp chí Chính Trị, nói rằng nhiều siêu đại biểu sẽ khó lòng từ chối ủng hộ ông Obama, nếu như ông tiếp tục thắng thêm tại cuộc bầu cử sơ bộ còn lại.Ông Beaman nói: Quí vị phải nhớ rằng phần lớn siêu đại biểu là các quan chức được bầu. Họ có khối cử tri mà họ phải quan tâm đến, và khoảng 20 đến 25% khối cử tri của đảng Dân Chủ là người Mỹ gốc Châu Phi. Theo tôi, làm mất lòng khối cử tri người Mỹ gốc Châu Phi, bằng cách không đề cử Barack Obama vào lúc này, là điều mà các siêu đại biểu không muốn mạo hiểm.
Ông Berman và các chuyên gia khác tiên đoán rằng các đảng viên Dân Chủ sẽ đoàn kết sau lưng ông Obama một khi các cuộc bầu cử sơ bộ kết thúc vào đầu tháng 6.
Mặc dù sự hậu thuẫn đối với ông Obama thể hiện rõ trong cả hai bang North Carolina và Indiana, các cuộc thăm dò ý kiến cử tri hôm thứ ba gợi ý cho thấy là nếu muốn đánh bại Thượng Nghị Sĩ John McCain của đảng Cộng Hòa vào tháng 11 tới đây, ông Obama sẽ phải tích cực thu hút sự ủng hộ giới cử tri công nhân da trắng. Trở lại với ý kiến của chuyên gia Larry Sabato.
Ông Sabato nói rằng có một số vấn đề gây go đối với ông Obama trong suốt cuộc vận động, ví dụ như ông đã không thu hút được sự hậu thuẫn của khối cử tri da trắng có thu nhập thấp, và các đảng viên Dân Chủ bảo thủ, ông Obama sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để giải quyết các vấn đề đó thì mới có thể giành được thắng lợi vào tháng 11.
Một yếu tố nữa cũng đáng quan ngại đối với ông Obama là khoảng phân nửa cử tri trong cả hai bang North Carolina và Indiana nói rằng họ chú ý đến lập trường cực đoan của mục sư Jeremiah Wright, trước đây là mục sư của ông Obama.
Đảng Dân Chủ còn 6 cuộc tranh đua nữa của trước khi mùa bầu cử sơ bộ kết thúc vào ngày 3 tháng 6. Đảng Dân Chủ sẽ tổ chức đại hội để đề cử ứng cử viên vào cuối tháng 8, trong khi đại hội của đảng Cộng Hòa sẽ diễn ra trong tuần lễ đầu tiên của tháng 9.