Đường dẫn truy cập

Obama thắng lớn ở North Carolina, Clinton thắng sít sao ở Indiana


Trong cuộc chạy đua để được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống Mỹ, thượng nghị sĩ Barack Obama hôm qua đã giành được thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang North Carolina. Trong khi đó, đối thủ của ông là thượng nghị sĩ Hillary Clinton chiến thắng ở tiểu bang Indiana với tỉ lệ chênh lệch rất khít khao. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên Jim Malone.

Với thắng lợi lớn ở North Carolina và kết quả khả quan ở Indiana, Thượng nghị sĩ Obama đã lấy lại được ưu thế chính trị và có được một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ.

Sau hai cuộc bầu cử sơ bộ ngày hôm qua, phần hơn của ông Obama trong số đại biểu đảng đã gia tăng. Ông tuyên bố ở tiểu bang North Carolina rằng thắng lợi của ông là một sự chiến thắng chống lại những hoạt động chính trị có tính chất chia rẽ và phá hoại.

Ông Obama nói: "Bởi vì quí vị vẫn tin tưởng rằng thời điểm này là thời điểm của chúng ta và là lúc để chúng ta thay đổi nước Mỹ, nên tối nay chúng tôi đã tiến được tới chỗ chỉ còn chưa tới 200 đại biểu đảng nữa là giành được sự đề cử của đảng Dân chủ để làm Tổng thống Hoa Kỳ."

Trong bài diễn văn đọc trước những người ủng hộ ông, thượng nghị sĩ Obama đã tránh đề cập nhiều tới thượng nghị sĩ Clinton để tập trung vào thượng nghị sĩ John McCain, người có phần chắc là ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa.

Ông Obama nói: "Vâng, cả phe chúng tôi lẫn phe của bà Clinton đều có cảm giác bị tổn thương. Vâng, mỗi bên đều đã ra sức để giành được thắng lợi cho ứng viên của mình. Tuy nhiên, rốt cuộc thì đây chẳng phải cuộc chạy đua cho bà Hillary Clinton, chẳng phải cho Barack Obama, mà cũng chẳng phải cho ông John McCain. Mục tiêu của cuộc bầu cử này chính là quí vị, là người dân nước Mỹ. Đây là cuộc bầu cử để quyết định vấn đề là chúng ta có được hay không có được một vị Tổng thống và một đảng có thể lãnh đạo chúng ta tiến tới một tương lai sáng sủa hơn. Chúng ta không thể để cho ông John McCain có cơ hội để phục vụ cho một nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Bush. Nước Mỹ chúng ta cần có thay đổi và đó chính là lý do tại sao chúng ta sẽ đoàn kết với nhau vào tháng 11."

Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Clinton đã không cho thấy dấu hiệu nào là bà sẽ bỏ cuộc.

Bà Clinton phát biểu trước những người ủng hộ ở Indiana: "Cách đây không lâu, đối thủ của tôi đã đưa ra một dự báo. Ông ấy nói rằng có lẽ tôi sẽ thắng ở Pennsylvania, ông ấy sẽ thắng ở North Carolina và Indiana sẽ là nơi đôi bên huề nhau. Nhưng tối nay chúng tôi đã từ phía sau vượt lên phía trước. Chúng tôi đã giành được thắng lợi, và nhờ vào quí vị mà giờ đây tôi đang chạy thẳng tới Tòa Bạch Ốc."

Bà Clinton đã cam kết hậu thuẫn cho ông Obama, nếu ông này trở thành ứng viên của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, bà tuyên bố sẽ tiếp tục vận động cho các cuộc bầu cử sơ bộ ở West Virginia và Kentucky, là hai tiểu bang mà nhiều người tiên đoán là bà sẽ thắng.

Bà Clinton nói: "Bất kể là chuyện gì xảy ra thì tôi vẫn tiếp tục ra sức để giành sự đề cử của đảng Dân chủ, bởi vì chúng ta phải chiến thắng vào tháng 11. Tôi sẽ tận lực làm việc trong tháng này ở West Virginia và Kentucky, và tôi nhất định sẽ giành được thắng lợi trong cuộc phổ thông đầu phiếu vào tháng 11."

Thành quả tốt đẹp mà ông Obama đạt được ở North Carolina và Indiana có thể giúp ông giành thêm sự hậu thuẫn của các đại biểu đặc biệt, thường được gọi là siêu đại biểu. Đây là những người thuộc đảng Dân chủ đã và đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính phủ và những giới chức cao cấp trong đảng. Số người này có phần chắc sẽ giúp gia tăng phần thắng lợi của người giành được sự đề cử của đảng Dân chủ.

Hiện vẫn còn 6 cuộc tranh đua trong đảng Dân chủ trước khi mùa bầu cử sơ bộ kết thúc vào ngày 3 tháng 6. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng bà Clinton có rất ít cơ hội để qua mặt ông Obama về số phiếu đại biểu đảng và số phiếu phổ thông trước khi mùa bầu cử sơ bộ chấm dứt.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG