Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý mở một vòng đàm phán thứ nhì với các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma sau các cuộc họp tại thành phố Thẩm Quyến miền nam Trung Quốc. Bất kể cuộc đối thoại này, Trung Quốc vẫn tiếp tục nói xấu nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Từ Bắc Kinh, phái viên Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.
Các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc chỉ cho biết là các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và các đại diện của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sẽ tiếp tục, nhưng nói là sẽ diễn ra ở đâu và khi nào. Hôm qua, hai bên đã gặp nhau tại thành phố Thẩm Quyến miền nam Trung Quốc.
Trước, trong thời gian và sau khi diễn ra cuộc họp, các cơ quan truyền thông nhà nước đã đưa ra các bản tin lên án Đức Đạt Lai Lạt Ma là dàn dựng các cuộc bạo động và âm mưu tách rời Tây Tạng ra khỏi Trung Quốc.
Hôm nay, đài truyền hình nhà nước chiếu cảnh Ban Thiền Lạt ma Gyaltsen Norbu do Trung Quốc chỉ định tham dự một cuộc triển lãm về lịch sử Tây Tạng và ca ngợi các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản.
Ban Thiền Lạt ma nói rằng ông cầu nguyện cho việc tổ chức thành công Thế vận hội. Ông nói rằng dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc vĩ đại, Tây Tạng sẽ dứt khoát trở nên thịnh vượng hơn, và đời sống của nhân dân Tây Tạng sẽ tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ định Gyaltsen Norbu làm người lãnh đạo đứng hàng thứ nhì của Phật giáo Tây Tạng, nhưng nhiều người Tây Tạng từ chối không chấp nhận quyền lực của ông và hiếm khi thấy ông xuất hiện trước công chúng.
Năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chọn một cậu bé trai 6 tuổi tên là Gendun Choekyi Nyiama làm Ban thiền Lạt ma, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc mau chóng bắt giữ cậu bé này và từ đó đã không thấy cậu nữa. Các tổ chức nhân quyền đã gọi cậu bé này là tù nhân chính trị trẻ tuổi nhất trên thế giới. Các giới chức Trung Quốc cho biết cậu đang sống một cuộc đời bình thường và không muốn bị phiền hà.
Tây Tạng đã nằm trong vòng cương tỏa của Trung Quốc từ nhiều thế kỷ nhưng được ít nhiều độc lập trong việc cai quản cho đến khi bộ đội Trung Quốc tràn vào Tây Tạng trong thập niên 1950. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trốn khỏi Tây Tạng năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự cai trị của Trung Quốc.
Trung Quốc nói rằng về mặt lịch sử, Tây Tạng thuộc về lãnh thổ Trung Quốc và Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đứng đầu một chính phủ lưu vong tại Ấn Độ, muốn chia rẽ đất nước. Đức Đạt Lai Lạt Ma thì nói ông chỉ muốn vùng này được tự trị, chứ không đòi độc lập.
Các đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma và các giới chức Trung Quốc đã gặp nhau 6 lần kể từ năm 2000, nhưng đã không đạt được khai thông trong quan hệ.Trung Quốc đồng ý mở vòng đàm phán mới nhất dưới áp lực của các nhà lãnh đạo Tây phương đòi đối thoại sau khi xảy ra những vụ bạo động mới đây.
Bắc Kinh nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi tháng 3, sau đó đã biến thành các cuộc bạo động, khiến ít nhất 23 người thiệt mạng. Vị khôi nguyên giải Nobel hòa bình bác bỏ lời cáo buộc đó và các tổ chức ở nước ngoài nói rằng số người Tây Tạng bị sát hại trong các cuộc bạo động nhiều hơn, nhưng không có số liệu này có thể được kiểm chứng bằng các nguồn tin độc lập.
Phản ứng mạnh tay của Trung Quốc đối với cuộc bạo động đã đưa tới các cuộc biểu tình trên khắp thế giới phản đối cuộc rước đuốc thế vận và những lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh.