Trong lúc một số quốc gia ở Á Châu có sự phát triển mạnh về kinh tế, Ngân hàng Phát triển Á Châu, tức ADB, đã quyết định áp dụng một sách lược mới để đáp ứng nhu cầu của khu vực này. Theo kế hoạch, ADB sẽ làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho những dự án của khu vực tư, thay vì tập trung phần lớn nỗ lực vào những dự án của chính phủ như trước. Ngoài ra, vấn đề môi trường cũng sẽ chiếm một vị thế cao hơn trong chương trình làm việc của ADB. Từ Manila, thông tín viên Douglas Bakshian của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Ngân hàng Phát triển Á Châu cho biết đến năm 2020 khoảng 50% các hoạt động của họ sẽ là những hoạt động trong khu vực tư, cao hơn gấp đôi tỉ lệ hiện nay.
Sách lược mới của ADB trong hoạt động cho vay sẽ tập trung vào hai phương diện. Trên phương diện thứ nhất, ngân hàng này sẽ làm việc trực tiếp với các công ty muốn đầu tư vào các nước đang phát triển ở Á Châu nhưng cần có sự bảo đảm của ADB cho các khoản đầu tư của mình.
Về việc này, tổng Giám đốc Rajat Nag của ADB, cho biết như sau: "Vì vậy chúng tôi sẽ bảo chứng cho các khoản riền cho vay. Chúng tôi sẽ thật sự tham gia vào các dự án bằng cách bỏ tiền của chúng tôi ra để lấy quyền sở hữu trong dự án. Điều này trên cơ bản là giúp cho những nhà đầu tư tư nhân được yên tâm và nhận thức rằng đó là những thương vụ tốt và nên thực hiện."
Trên một phương diện khác, ADB sẽ làm việc với các chính phủ để bảo đảm là có khung sướn pháp luật rõ ràng để giúp cho các công ty có thể hoạt động một cách an toàn hơn ở Á Châu.
Ngoài ra, các dự án môi trường cũng chiếm một vị thế ưu tiên cao hơn trong sách lược mới của ADB. Nạn ô nhiễm đang tạo ra những tác động đáng kể đối với nguồn nước, đất đai và không khí trong lúc các nước Á Châu kỹ nghệ hóa. Ông Rajat Nag của ADB nói rằng ngân hàng này sẽ thực hiện những dự án để bảo vệ môi sinh và thúc đẩy cho công cuộc phát triển kinh tế bền vững.
Ông Nag nói: "Dịch vụ cấp nước ở các đô thị Á Châu sẽ là một dự án quan trọng về cơ sở hạ tầng. Điều này cũng sẽ tạo ra một ảnh hưởng rất lớn về môi trường xét về mặt tìm kiếm những nguồn nước sạch hơn và có phẩm chất hơn. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện một dự án thí điểm về tái tạo rừng ở Việt Nam. Đây là một dự án rất quan trọng để bảo đảm là lượng khí thải được kiểm soát một cách có hiệu quả hơn."
Việc đốt các loại nhiên liệu như xăng dầu và than đá cho xe cộ và nhà máy tạo ra các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà người ta tin là góp phần làm cho trái đất nóng dần. Ông Rajat Nag cho biết Ngân hàng Phát triển Á Châu sẽ ra sức làm việc để cải tiến các nhà máy phát điện ở Á Châu để những cơ sở này sạch hơn và có hiệu suất cao hơn.
Trước đây, Ngân hàng Phát triển Á Châu đã bị chỉ trích về một số những dự án thiếu hiệu quả. Một số người cũng than phiền là ngân hàng này không theo kịp những sự thay đổi nhanh chóng của các nền kinh tế ở Á Châu.
Ông Benjamin Diokno, giáo sư kinh tế học của Đại học Philippines, sách lược mới của ADB đã xác nhận rằng phương pháp truyền thống được áp dụng trong công tác phát triển đã không mang lại lợi ích đáng kể cho người nghèo.
Ông Diokno nói: "Xét về một phương diện nào đó, tôi nghĩ rằng đây là sự thừa nhận rằng các ngân hàng phát triển, chẳng riêng gì ngân hàng Phát triển Á Châu mà Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khu vực khác, đã không thực sự đóng góp cho sự giảm thiểu đáng kể tình trạng nghèo túng trên thế giới sau 50 năm tiến hành các hoạt động cho vay."
Giáo sư Diokno trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Ngân sách Philippines. Ông tỏ ý hoan nghênh sự hỗ trợ mà ADB dành cho phuv tư trong công tác phát triển. Ông nói thêm rằng kinh tế thị trường đã giúp cho Á Châu tăng trưởng khả quan trong vài thập niên qua.
Giáo sư Diokno nói: "Bản thân Á Châu đã phát triển mạnh và tôi nghĩ rằng trên cơ bản thì tình trạng này phát sinh từ việc theo đuổi đường hướng thị trường. Nhiều nước trước đây theo xã hội chủ nghĩa đã thực thi kinh tế thị trường, như Trung Quốc và Việt Nam. Tôi nghĩ rằng điều này nên được tiếp tục."
Tổng Giám đốc ADB, ông Rajat Nag thừa nhận rằng khu vực tư nhận đã thúc đẩy Á Châu tiến về phía trước, nhưng ông nói rằng sự tăng trưởng này không được đồng đều. Hơn 600 triệu người ở khu vực này vẫn phải sinh tồn với mức thu nhập mỗi ngày chưa tới một đô la. Ông Nag cho rằng hai bộ phận giàu nghèo của Á Châu cần phải được mang lại gần nhau hơn.
Ông Nag nói: "Bộ mặt tươi sáng của Á Châu, như quí vị có thể thấy qua những cao ốc tráng lệ ở Thượng hải, Mumbai và Jakarta. Và quả là Á Châu đã tăng trưởng khá nhiều và có nhiều điều để ăn mừng. Nhưng một khuôn mặt khác, không mấy tươi đẹp, là khuôn mặt của những bé gái vẫn chưa được cắp sách đến trường. Hay là nếu được tới trường thì các em đó cũng sẽ bỏ học trước khi học xong bậc tiểu học. Khuôn mặt này còn cho thấy nạn khan hiếm nước làm cho dân chúng không có nước sạch, hợp vệ sinh, và tỉ suất tử vong của thai phụ nằm ở mức rất cao. Vì vậy, chúng ta có hai khuôn mặt ở Á Châu và chúng ta phải làm thế nào để hai khuôn mặt này chập vào với nhau."
Trong năm 2006, Ngân hàng Phát triển Á Châu đã chấp thuận các khoản cho vay trị giá 7 tỉ 400 triệu đô la và những khoản trợ giúp kỹ thuật trị giá 242 triệu đô la. Trong nhiều năm qua, hầu hết những dự án của ngân hàng có bản doanh ở Manila này đã gíup cho các chính phủ xây dựng coht cơ bản, như đường sá, hải cảng, phi trường, đập nước, và nhà máy phát điện. Giờ đây, ngân hàng này hy vọng là sách lược mới của họ sẽ giúp hàng triệu người nghèo ở Á Châu có thể dùng các cơ sở hạ tầng đó đề xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.