Ấn Độ đang chuẩn bị chủ trì hội nghị thượng đỉnh trong 2 ngày của các nhà lãnh đạo các nước Phi Châu trong cố gắng thắt chặt thêm sự giao tiếp với châu lục này. Cuộc họp bắt đầu vào ngày mai là một nỗ lực của Ấn Độ muốn nâng cao vị thế chính trị của mình trong khu vực giàu tài nguyên này. Từ New Delhi, phái viên Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.
Danh sách các nhà lãnh đạo Phi Châu dự hội nghị thượng đỉnh tại New Delhi bao gồm toàn bộ lục địa này, từ Ai Cập ở miền bắc cho đến Nam Phi. Thứ trưởng ngoại giao Ấn Độ, ông Anand Sharma nói rằng cả Ấn Độ lẫn Châu Phi đều đại diện cho những khu vực đang phát triển có chung các thách thức và có nhiều điểm tương đồng.
Ông Sharma nói: “Cả hai bên đều có chung quan điểm là hội nghị thượng đỉnh này không những có tính cách lịch sử, mà còn tạo ra một chiều hướng và động năng cho công cuộc hợp tác sẵn có và đang phát triển dần giữa Châu Phi và Ấn Độ.”
Thứ trưởng ngoại giao Ấn Độ nói rằng cả hai bên sẽ hợp tác trong các lãnh vực như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, phát triển tài nguyên nhân sự và phát triển cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia phân tích chính trị cho biết Ấn Độ chủ trì hội nghị này để điều chỉnh điều họ gọi là sự lơi là của New Delhi đối với Châu Phi trong mấy thập niên vừa qua.
Ấn Độ đã từng chia sẻ quan hệ chặt chẽ với lục địa này và trung kiên ủng hộ cuộc tranh đấu giành độc lập của Phi Châu chống lại các nước thực dân bảo hộ. Nhưng ảnh hưởng của Ấn Độ đã phai nhạt trong mấy thập niên vữa qua vào lúc Ấn Độ tập trung vào việc xây dựng bang giao chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và Châu Âu.
Các chuyên gia phân tích cho rằng Ấn Độ muốn đoan chắc mình không bị tụt hậu sau Trung quốc, là nước đã tiến sâu vào Châu Phi. Các quốc gia Phi Châu đang nổi lên trong tư cách một thị trường lớn cho hàng hóa của Ấn Độ vào lúc các nước này đạt được sự tăng trưởng mạnh.
Ấn Độ cũng muốn tận dụng khối tài nguyên vĩ đại của Châu Phi cho nền kinh tế đang tăng trưởng của mình. Ấn Độ hiện đã phải cạnh tranh ráo riết với Trung Quốc về mặt này, nhất là về các nguồn năng lượng. Một chuyên gia về Châu Phi tại trường đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, ông A.K. Pasha nói rằng Châu Phi đang trở thành một trung tâm dầu khí mới trên toàn cầu.
Ông Pasha nói: “Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Ấn Độ buộc nước này phải có những nguồn năng lượng an toàn, cả về dầu hỏa lần khí đốt, cách xa vùng Vịnh hay dao động. Nhiều thỏa hiệp đã được chung quyết với các nước như Ai Cập, Lybia, Algeri và Nigeria, và nay chúng ta đang nhắm vào Angola và Gabon.”
Thương mại của Ấn Độ với các nước Phi Châu đang gia tăng đều đặn và đạt tới mức hơn 20 tỷ đôla trong năm ngoái. Nhưng các chuyên gia cho rằng mức này còn rất thấp so với tiềm năng, và nêu ra sự kiện kim ngạch mậu dịch của Trung Quốc với lục địa này lên tới 55 tỷ đôla trong cùng thời kỳ.
Các chuyên gia phân tích nói rằng New Delhi cũng muốn có ảnh hưởng lớn hơn về chính trị tại Châu Phi để có thể quy tụ được hậu thuẫn của khối lớn các quốc gia trên lục địa này về các vấn đề toàn cầu như cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, các cuộc thương nghị về mậu dịch thế giới, và sự biến đổi khí hậu.Nhưng nhiệm vụ chinh phục châu Phi có thể không dễ dàng.
Các nước Phi Châu nói rằng họ muốn các đối tác đối xử với họ một cách ngang hàng và giúp họ hiện đại hóa nền kinh tế – chứ không phải chỉ khai thác tài nguyên của họ. Các quốc gia dự cuộc họp thưởng đỉnh lần đầu tiên thuộc loại này, gồm Ai Cập, Ethiopia, Ghana, Kenya, Libay, Algeri, Senegal, Nam Phi, Nigeria, Tanzania, Uganda và Zambia.