Đường dẫn truy cập

Dân Châu Á đổ xô đi mua gạo


Các cửa hàng tạp hóa tại Hồng Kông đã bổ sung thêm gạo sau khi nhiều người hốt hoảng mua gần sạch số gạo bày bán trên các quầy hàng. Theo tường trình của thông tín viên Naomi Martig của đài VOA, người tiêu dùng Châu Á đang ngày càng lo ngại về việc các gia đình có thu nhập thấp sẽ không có khả năng mua được loại thực phẩm chủ yếu này nữa.

Mọi người ở Hồng Kông đã đổ xô đi mua gạo sau khi giá gạo bán sỉ tăng vọt ở Thái Lan. Vào cuối tháng Hai gạo tiêu chuẩn của Thái được bán với giá trên 500 đôla một tấn, tăng hơn 100 đôla so với giá bán 1 tháng trước đó. Và trong mấy ngày vừa qua giá gạo lại tăng thêm hơn 30%.

Hồng Kông phải nhập khẩu hầu hết các loại thực phẩm và có đến 90% số gạo ở đây là nhập khẩu từ Thái Lan. Những người tiêu dùng tin là giá cả sẽ tăng vọt, nên trong những ngày qua họ đã ra sức tích trữ gạo, và mua sạch số gạo bày bán tại các quầy hàng của một số cửa tiệm.

Bà Jasmin Hui, người phát ngôn của Park-n-shop, một trong những công ty bán lẻ thực phẩm lớn nhất ở Hồng Kông. Bà cho biết các cửa tiệm của công ty này đã gia tăng số lượng gạo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bà Hui cho biết vào lúc này người tiêu dùng không nên lo lắng về việc phải mua gạo với giá cao hơn.

Bà Hui nói: "Tuy chúng tôi phải chịu nhiều áp lực do hậu quả của giá gạo tăng cao hồi gần đây, và chúng tôi đã cố hết sức để ổn định giá gạo bán lẻ, nhưng cho tới nay chúng tôi vẫn chưa điều chỉnh giá bán lẻ của tất cả các sản phẩm chế biến từ gạo."

Các vụ thu hoạch kém và nhiều yếu tố khác như giá nhiên liệu cao, đã góp phần làm cho giá gạo tăng cao. Các nhà phân tích lo ngại về ảnh hưởng của việc này đối với ổn định xã hội. Một số quốc gia nghèo khó hơn trong khu vực - với các thị trường và những hệ thống phân phối thiếu hiệu quả, có thể lâm tình trạng thiếu hụt lương thực và nhiều triệu gia đình sẽ phải chật vật để mua những loại lương thực cơ bản.

Tình trạng đổ xô đi mua gạo trong tuần này cho thấy ngay cả những thành phố lớn như Hồng Kông, nơi có thị trường ổn định và đa số cư dân có khả năng mua nhiều loại thực phẩm khác nhau, người dân vẫn lo sợ về nạn thiếu hụt lương thực và lạm phát.

Ông Robert Bradfoot là giám đốc của Công ty Tư vấn về Rủi ro Chính trị và Kinh tế ở Hồng Kông. Ông nói rằng giá cả thực phẩm gia tăng hiện nay chỉ là một phần của vấn đề khi xét tới sự liên hệ giữa tình trạng ổn định lương thực với tình trạng rối loạn xã hội. Theo ông thì cũng cần phải xem xét tới sự kiểm soát của chính phủ đối với hoạt động phân phối.

Ông Broadfoot nói: "Tại một số nơi, họ áp dụng các biện pháp trợ giá cho nên một số nước tuy có thiếu hụt nhưng giá thực phẩm lại rất rẻ. Tại những quốc gia khác - như Philippines, vì việc nhập khẩu gạo phần lớn là do chính phủ đảm nhiệm cho nên chính phủ bị trách cứ khi có những vấn đề khó khăn xảy ra, bởi vì họ thực sự là một phần của ngành công nghiệp này."

Ông Bradfoot nói rằng tại các nước nghèo khó hơn thì việc giá gạo tăng vọt và khan hiếm có thể tác động mạnh đến những người nghèo sinh sống ở thành thị. Ông nói thêm rằng ở nhiều quốc gia, những người dân nghèo ở thành thị chính là nhóm người sẽ đi biểu tình và sẽ gây ra những ảnh hưởng tai hại cho tình hình xã hội và chính trị của những nước đó.

Để tránh sự bất bình của công chúng, chính phủ nhiều nước Châu Á đã áp dụng các biện pháp để bảo đảm dân chúng sẽ có đủ gạo. Một số nước, như Philippines, đã gấp rút ký kết các hợp đồng nhập khẩu gạo, trong khi nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam và Ấn Ðộ, đã hạn chế việc xuất khẩu gạo.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG